Ông Phạm Phú Trường - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TPHCM - thông tin, là đơn vị tham gia trực tiếp cuộc khảo sát này, Hội đã tập hợp được tổ tư vấn có kinh nghiệm tại các địa phương khác. Trong đó các doanh nhân là nhà tư vấn có kinh nghiệm trong việc nghiên cứu, tư vấn về chiến lược và nguồn nhân lực tại các công ty tư vấn uy tín trên thị trường quốc tế như Ernes&Young, Grant Thorntant, BCG, talentnet, Vinacapital… sẽ tham gia góp ý cho bộ chỉ số và bảng hỏi.
Theo ông Phạm Phú Trường, đây là cuộc khảo sát có quy mô lớn với 20.000 phiếu khảo sát và trong thời gian ngắn là 3 tháng, thực chất là các sở ban ngành, quận huyện lắng nghe để thấu hiểu doanh nghiệp (DN) nhằm hỗ trợ DN hiệu quả hơn. “Lựa chọn sự đồng lòng, lắng nghe và thấu hiểu từ hai phía, có như vậy thì chắc chắn chúng ta sẽ có giải pháp đột phá để vượt qua thách thức. Chúng tôi rất mong người đứng đầu các hội, hiệp hội DN sẽ lan tỏa ý nghĩa của hoạt động này và vận động các DN tham gia đánh giá để thể hiện sự đồng lòng với thành phố. Đây cũng là thể hiện trách nhiệm của DN đối sự phát triển chung của thành phố” - ông Phạm Phú Trường nói.
|
Phó chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho rằng, DDCI sẽ giúp thành phố nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) |
Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh, Tư vấn trưởng DDCI TPHCM nhận định, TPHCM có thể học hỏi kinh nghiệm từ các địa phương đã thực hiện DDCI. Ví dụ, DN TPHCM quan tâm sự minh bạch về chính sách đất đai, vậy điều này đang tồn đọng ở sở ngành nào, quận huyện nào để từ đó đưa ra các phương án giải quyết.
Ông Đinh Tuấn Minh mong muốn lãnh đạo cao nhất của TPHCM và các sở, ban, ngành đưa ra một bộ tiêu chí phản ánh được thực chất chất lượng điều hành của cơ quan ban ngành trong việc điều hành chính sách kinh tế phục vụ DN. Đồng thời, làm sao có được đánh giá xác thực nhất từ cộng đồng DN, nhìn ra được điểm mạnh, yếu của từng sở, ban, ngành, địa phương trong điều hành kinh tế. Theo ông, tính chính xác, minh bạch, bảo mật rất quan trọng trong bộ chỉ số DDCI, để giúp DN thấy họ được lắng nghe khi dám nói ra sự thật mà không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM (HUBA) - góp ý, với tiêu chí "tính minh bạch và tiếp cận thông tin" thì nên "ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số". Nếu địa phương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, tất cả những thông tin mà DN phản ánh, kiến nghị đều được đưa lên các ứng dụng công nghệ thì hệ quả là có tính minh bạch, DN dễ dàng tiếp cận và theo dõi được tiến độ phản ánh, giúp DN chủ động hơn.
Ngoài ra, ông cho biết rất tâm đắc tiêu chí "vai trò của người đứng đầu" bởi vì chưa tỉnh thành nào có tiêu chí này. Đây là sự sáng tạo của TPHCM, nhấn mạnh vai trò đứng đầu của sở, ban, ngành, địa phương. Bộ tiêu chí này chính là những gì DN gửi gắm. Nếu DN đánh giá lần thứ nhất chưa tốt nhưng sở, ban, ngành có rút kinh nghiệm thì lần đánh giá sau sẽ tốt hơn.
Bà Cao Ngọc Dung - Chủ tịch Hội Nữ Doanh nhân TPHCM - cho rằng, những năm gần đây, TPHCM đã thay đổi rất nhiều trong điều hành chính sách nhưng vẫn rất cần được cải tiến. Hàng năm, các DN đều có bộ đánh giá về sự hài lòng của nhân viên đối với lãnh đạo, các bộ phận điều hành, qua đó giúp lãnh đạo DN nhìn lại mình hoặc đề nghị các bộ phận rà soát lại xem thiếu sót ở đâu. Với bộ tiêu chí này, chưa biết kết quả đánh giá lần đầu của DN thế nào nhưng các đơn vị được đánh giá không nên quá nặng nề mà nên rà soát lại, xem những chỉ đạo của mình có gây hiểu lầm cho DN hay không.
Theo bà Mary Tarnowka - Giám đốc điều hành Amcham Việt Nam - trong thời điểm này, khi các nước trên thế giới đang dịch chuyển đầu tư sang thị trường Việt Nam, thì việc ban hành bộ tiêu chí đánh giá là rất cần thiết. Bà cho rằng, khi triển khai hiệu quả, nghiêm túc sẽ có công cụ đánh giá công tâm, khách quan giúp các nhà đầu tư tin tưởng chọn đầu tư tại TPHCM. Ngoài ra, dù kêu gọi đầu tư mới nhưng TPHCM cần giữ chân các nhà đầu tư cũ, phải làm sao cho họ thỏa mãn hơn khi quyết định bung vốn.
Phó chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan đánh giá, TPHCM dù không phải là địa phương tiên phong nhưng việc triển khai DDCI của thành phố là đặc biệt, có những tiêu chí khác lạ mang tính đặc thù. Bộ tiêu chí DDCI có hàng ngàn DN đánh giá và là nội dung đánh giá mang tính khách quan, độc lập của DN.
|
Các thành viên Hội đồng đánh giá DDCI TPHCM năm 2022 nhấn nút công bố chương trình |
Theo ông Võ Văn Hoan, 23 bộ tiêu chí sẽ có kết quả, chúng ta không chờ có kết quả để thay đổi mà cần điều chỉnh, xây dựng lại hành động cụ thể từ sau hội nghị này, không làm mất thời gian của DN, không để họ bức xúc. Ngoài những vấn đề về pháp lý, quan trọng là thái độ, trách nhiệm, tinh thần khi tiếp nhận những vấn đề phản ánh của DN. Khi tiếp xúc với DN phải trân trọng họ và nói sao cho thấu tình đạt lý.
Cải cách hành chính là việc không mới. Tuy nhiên, phải tìm những cách thức mới để thực hiện để mang lại những điều tốt nhất cho DN, người dân. Theo ông Võ Văn Hoan, muốn vậy, phải lắng nghe, thấu hiểu, phải đồng lòng, và để đồng lòng thì cần có sự đồng hành của cả hệ thống chứ không phải của một người.
Ông đề nghị, mỗi địa phương cần xây dựng một đội ngũ chuyên gia có chuyên môn, chuyên sâu, đánh giá khách quan từng ngành, địa phương. Phản ánh của DN thông qua con số chỉ là một phần nhưng cần tìm hiểu tại sao có con số đó. Vào tháng 3/2023, khi có kết quả đánh giá DDCI, các đơn vị được khảo sát phải tổ chức, đánh giá nội bộ những vấn đề mà chuyên gia, DN phản ánh. Tất cả chỉ số này phải được xây dựng và triển khai, đưa vào nội dung cải cách hành chính hàng năm.
Chương trình đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương "DDCI TPHCM năm 2022" sẽ khảo sát từ nay đến hết tháng 1/2023. Kết quả DDCI năm 2022 và triển khai kế hoạch DDCI năm 2023 sẽ được tổ chức, công bố trước ngày 15/3/2023. Cộng đồng DN, các hiệp hội, hợp tác xã, hộ kinh doanh sẽ thực hiện khảo sát, đánh giá năng lực điều hành kinh tế của các sở, ban, ngành, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện. Dự kiến có khoảng 15.000 DN tham gia khảo sát, trong đó 8.000 DN đánh giá khối địa phương và 7.000 DN sẽ đánh giá khối sở, ban, ngành. Nội dung khảo sát, lấy ý kiến bao gồm các chỉ số thành phần DDCI năm 2022. Trong đó gồm tính minh bạch và tiếp cận thông tin, tính năng động và hiệu lực của hệ thống sở, ban ngành và chính quyền địa phương, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, hoạt động hỗ trợ DN, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự (chỉ áp dụng cho khối địa phương), vai trò của người đứng đầu sở, ban, ngành và địa phương. Riêng khối địa phương sẽ đánh giá thêm chỉ số tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất. |
Thanh Hoa