Ngày 17/9, Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức hội nghị trực tuyến làm việc với UBND các quận, huyện: 8, Gò Vấp, Hóc Môn, Bình Tân giám sát về việc thực hiện Nghị quyết số 42, Nghị quyết 154, Nghị quyết số 68 của Chính phủ và Nghị quyết số 09 của HĐND TPHCM về chính sách hỗ trợ các đối tượng khó khăn bị tác động của đại dịch COVID-19.
Qua kết quả báo cáo của UBND các quận, huyện trên, đoàn đại biểu quốc hội TPHCM nhận thấy, TPHCM hiện đang chuẩn bị triển khai đợt 3 gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID -19. Tuy nhiên, báo cáo giám sát gửi Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM cho thấy, các quận, huyện được giám sát gồm: quận 8, Gò Vấp, Bình Tân và huyện Hóc Môn vẫn còn sót và còn hàng ngàn người dân chưa nhận xong gói hỗ trợ của hai đợt trước.
|
Đại biểu quốc hội Nguyễn Thiện Nhân nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM phát biểu tại hội nghị |
Ông Cao Thanh Bình - Trưởng Ban Văn hóa xã hội HĐND TPHCM, cho biết qua đợt 1, các đơn vị thực hiện chi theo danh sách đã phê duyệt đạt được gần như tuyệt đối. Tuy nhiên số lập danh sách, khảo sát để thống kê chi theo nghị quyết 09 thì vẫn còn sót rất lớn.
Đơn cử quận Bình Tân, tính đến ngày 14/9 đã hỗ trợ cho 75.771/78.157 trường hợp, còn 2.386 trường hợp chưa chi hỗ trợ. Quận 8 còn hơn 5,4% chưa chi, rà soát đợt 1 còn sót 22.390 trường hợp. Quận Gò Vấp sau khi rà soát xong còn sót 10.000 trường hợp, Hóc Môn sót trên 19.565 trường hợp, chưa chi 634 trường hợp.
Theo đại diện UBND quận 8, hiện nay, chế độ chính sách chi cho người lao động tự do theo Nghị quyết 09 là 3.000.000 đồng/người (1.500.000 đồng/người x 2 lượt). Tuy nhiên do tình hình giãn cách kéo dài, thành phố đã bổ sung thêm đối tượng được chi hỗ trợ bao gồm hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ lao động có hoàn cảnh khó khăn là 1.500.000 đồng/hộ với nguyên tắc là các thành viên trong hộ chưa được hưởng chính sách hỗ trợ tại Nghị quyết 09 ngày 25/6/2021. Do đó, các phường phải mất rất nhiều thời gian để rà soát lại danh sách các hộ này nhằm đảm bảo việc chi hỗ trợ không trùng.
Bên cạnh đó, lực lượng làm công tác chi hỗ trợ (cán bộ phường, cán bộ phụ trách khu phố, tổ dân phố) bị nhiễm COVID-19 nên gặp rất nhiều khó khăn về nguồn nhân lực để thực hiện (phơi nhiễm nghề nghiệp là 94; cán bộ công chức bị nhiễm là 89), ảnh hưởng đến tiến độ chi trả.
Việc qua rà soát, số lượng đối tượng cần hỗ trợ tăng lên, đại diện UBND quận Bình Tân lý giải, do trong quá trình triển khai chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19, lúc đầu có 1 số trường hợp chưa khó khăn, chưa cần hỗ trợ nhưng khi thời gian giãn cách kéo dài, số hộ khó khăn tăng lên. Mặt khác người dân trong khu vực bị phong tỏa, cách ly không được rời khỏi nhà nên không cung cấp được thông tin để được hỗ trợ từ đó dẫn đến phát sinh số hộ khó khăn cần được hỗ trợ.
Một số đối tượng đã được duyệt danh sách, nhưng đến thời điểm này chưa được nhận, đại diện các quận huyện cho biết: Số này là những người đi cách ly chưa về, người được duyệt danh sách nhưng do giãn cách kéo dài đã tìm đường về quê chưa quay lại, người nằm trong danh sách bị mất vì COVID-19.
Đại biểu quốc hội Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM cho rằng, việc triển khai các nghị quyết của Chính phủ, của TP, các quận huyện cơ bản làm tốt. Tuy nhiên, do hạn chế về giám sát, việc triển khai hai gói hỗ trợ vừa qua, nếu có để sót đối tượng cần có cơ chế khắc phục để thực hiện được mục tiêu không để người dân nào bị đói, bị bỏ sót.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng chia sẻ với áp lực rất lớn từ lực lượng nắm địa bàn, gần dân nhất là các tổ trưởng tổ dân phố. “Cần củng cố và có chính sách hỗ trợ tốt cho đối tượng này, kết hợp với lực lượng công an khu vực để làm tốt công tác chăm lo cho người dân trong lúc khó khăn này”.
Bà Văn Thị Bạch Tuyết - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM ghi nhận những nỗ lực của chính quyền địa phương, đặc biệt là chính quyền cơ sở cấp phường xã đã nỗ lực, hết lòng chăm lo cho đối tượng khó khăn.
Tuy nhiên với những vấn đề như còn sót đối tượng, đoàn kiến nghị các địa phương cần làm tốt công tác xác minh, lập danh sách không để sót đối tượng, cũng không để trùng lắp đối tượng. Cần công khai, minh bạch, có cách tuyên truyền như làm: Inforgraphic ghi rõ các đối tượng được nhận, phát đến người dân để bớt giải thích, tránh để người dân không hiểu dẫn đến khiếu nại hoặc khiếu kiện.
“TPHCM sẽ tiếp tục thực hiện đợt hỗ trợ thứ 3. Rút kinh nghiệm từ hai đợt đầu, các địa phương cần làm tốt công tác xác minh, khi lập danh sách để không sót đối tượng, sát với đối tượng cần hỗ trợ.” Bà Văn Thị Bạch Tuyết, đề nghị.
Hoài An