TPHCM có thể ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào giảng dạy các môn thiếu giáo viên

07/04/2023 - 21:30

PNO - GS.TSKH Hoàng Văn Kiếm đề xuất TPHCM cần sớm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào giảng dạy với các môn nghệ thuật, khoa học tự nhiên để nâng cao chất lượng học tập và giải quyết bài toán thiếu giáo viên.

Chia sẻ với phóng viên tại Hội thảo Đổi mới dạy - học với ChatGPT và trí tuệ nhân tạo do Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn (SIU) tổ chức ngày 7/4, giáo sư, tiến sĩ khoa học Hoàng Văn Kiếm - nguyên Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước ngành công nghệ thông tin, chuyên gia nghiên cứu trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam - đề xuất Sở GD-ĐT TPHCM sớm xây dựng chương trình với giáo trình hỗ trợ các trường phổ thông tiếp cận với trí tuệ nhân tạo một cách hợp lý, nhất là khi thành phố đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số giáo dục.

Giáo sư, tiến sĩ khoa học Hoàng Văn Kiếm đề xuất TPHCM cần sớm đưa AI vào dạy các môn học thiếu giáo viên
Giáo sư, tiến sĩ khoa học Hoàng Văn Kiếm đề xuất TPHCM cần sớm đưa AI vào dạy các môn học thiếu giáo viên

Ông phân tích, muốn phát triển kinh tế thành phố thì việc giáo dục thế hệ trẻ tiếp cận với trí tuệ nhân tạo để ứng dụng trong cuộc sống là vô cùng quan trọng, nâng cao được trí tưởng tượng, ước mơ, trang bị cho các em kỹ năng, làm cho việc học thú vị, đặc biệt khi TPHCM đang thiếu giáo viên, hạn chế về cơ sở vật chất… 

“Sở GD-ĐT TPHCM cần mạnh dạn thí điểm một cách thận trọng. Bước đầu có thể ứng dụng trí tuệ nhân tạo giảng dạy học sinh phổ thông ở các môn nghệ thuật; khoa học tự nhiên. Đặt trong bối cảnh thiếu giáo viên thì sử dụng trí tuệ nhân tạo giảng dạy các môn học này là hết sức cần thiết, vừa giải quyết bài toán thiếu giáo viên, vừa nâng cao chất lượng học tập và năng lực học sinh… Ngoài ra, ngành giáo dục cũng rất nên tìm hiểu đưa vào ứng dụng những phần mềm trí tuệ nhân tạo hướng dẫn học chương trình STEM, những chương trình thực hiện thí nghiệm ảo mà không cần đến phòng thí nghiệm đắt tiền…” - ông đề xuất. 

Theo ông, hiện có khoảng 20 quốc gia trên thế giới trong đó có Trung Quốc, Quatar, Hàn Quốc… đã đầu tư cho thế hệ trẻ bằng việc đưa trí tuệ nhân tạo vào giảng dạy. Liên hợp quốc cũng khuyến cáo trí tuệ nhân tạo sẽ là ngữ pháp của thế kỷ 21 và kêu gọi các quốc gia phải “xoá mù trí tuệ nhân tạo”. Như vậy, giáo dục chắc chắn phải hướng đến trí tuệ nhân tạo.

Ông cho rằng giáo viên dạy học bây giờ phải biết dùng ChatGPT
Ông cho rằng giáo viên dạy học bây giờ phải biết dùng ChatGPT

“Chúng ta nên có một chương trình nhẹ nhàng. Trong đó cấp độ tiểu học thì là chơi với trí tuệ nhân tạo; THCS thì vừa chơi vừa làm; ở bậc THPT, các em đủ năng lực để tham gia vào một số đề án, khởi nghiệp có ứng dụng trí tuệ nhân tạo” - ông gợi ý.

Giáo sư Hoàng Văn Kiếm ví von, sự xuất hiện của ChatGPT sánh ngang với sự xuất hiện của máy tính, internet, điện thoại thông minh. Chat GPT đã đánh bại 99% học sinh trong kỳ thi Olympic sinh học, đánh bại 90% số người trong kỳ thi sát hạch luật sư, đạt số điểm 1.410 trong kỳ thi SAT. Điều này khiến cho nhiều nhà khoa học, nhà quản lý bàng hoàng lo lắng. Thậm chí nhiều cơ quan giáo dục tại Hoa Kỳ còn cấm không cho học sinh sử dụng ChatGPT. 

“Việc học phải chuyển sang hướng sáng tạo, trường học phải chuyển sang mô hình trường học sáng tạo. Thầy, trò phải học theo tinh thần sáng tạo. Quan trọng là học để thảo luận các vấn đề mở, các vấn đề mà ChatGPT chưa trả lời được. Một giáo viên dạy học bây giờ phải biết dùng ChatGPT để có một giáo án hay. Giáo viên các trường phổ thông cần phải đi trước một bước, cần có những chuẩn bị để hướng dẫn cho học sinh, phối hợp sử dụng ChatGPT để tạo ra các bài giảng sinh động, bổ ích và phải có kiểm soát”- Giáo sư, tiên sĩ khoa học Hoàng Văn Kiếm nhấn mạnh.

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI