Tại hội thảo, các chuyên gia đều nhất trí rằng, TPHCM có nhiều thuận lợi, nền tảng để trở thành trung tâm tài chính quốc tế. Song, lộ trình này cần rất nhiều sự thay đổi mang tính đột phá trong cơ chế, chính sách.
TPHCM đã là trung tâm tài chính
Theo tiến sĩ Trần Du lịch (thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ), hiện nay, TPHCM đang là Trung tâm tài chính quốc gia, có một vị trí tương đối trong thị trường tài chính của ASEAN. Ông nói: "Nếu xét về tiền tệ, TPHCM đóng góp giao dịch ngắn hạn khoảng 28% nhưng chiếm 95% thị trường vốn của Việt Nam.
Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng, khát vọng từ Trung tâm tài chính quốc gia đến tầm khu vực và quốc tế với TPHCM không quá khó; đồng thời ví von thành phố đã có sẵn nguồn nguyên liệu, chỉ cần một đầu bếp chế biến thế nào cho ngon.
|
Tiến sĩ Trần Du Lịch ví von TPHCM đã có nguồn nguyên liệu để trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, vấn đề hiện nay là một đầu bếp chế biến cho ngon |
Đồng tình, ông Nguyễn Xuân Thành - giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam, cho biết GFCI (bảng xếp hạng Chỉ số Trung tâm Tài chính toàn cầu (Global Financial Centres Index) đánh giá TPHCM là trung tâm tài chính toàn cầu thứ cấp và tính chất thứ cấp này nằm ở năng lực cạnh tranh. Qua đó, thành phố có đủ điều kiện để phát triển Trung tâm tài chính quốc tế dựa trên các tiêu chí của GFCI gồm vốn con người, môi trường kinh doanh, cơ sở hạ tầng, phát triển ngành và danh tiếng; đặc biệt mức độ tập trung của thị trường và định chế tài chính cũng như tiềm năng phát triển.
|
Ông Nguyễn Xuân Thành - giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam |
Ông Nguyễn Xuân Thành cũng cho hay, dựa trên các nghiên cứu, năng lực cạnh tranh của TPHCM ngang bằng các thành phố lớn trong khu vực như Manila (Philippines), Jakarta (Indonesia) và không thua Bangkok (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia).
Phân tích thêm thế mạnh, ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng TPHCM hiện có hơn 200 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực tài chính, có các ngân hàng truyền thống và trong 5 năm qua, các ngân hàng thương mại có trụ sở tại TPHCM tăng trưởng nhanh, vững mạnh, đủ vốn kiểm soát rủi ro. Họ không chỉ kinh doanh trên thị trường tiền tệ, mà còn trái phiếu, chứng khoán... Họ vươn mình phát triển như những tập đoàn tài chính dù khung pháp lý vẫn chưa cho phép.
Cần đột phá về cơ chế, chính sách
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Việt Nam hiện chưa có không gian pháp lý cho tập đoàn tài chính đa ngành, đa dịch vụ hoạt động. Ông nhận định: "Nơi mà năng lực quản lý chưa đủ, khung pháp lý chưa đủ thì sẽ không cho phép tổ chức tài chính hoạt động theo mô hình tập đoàn tài chính vì quá rủi ro".
Cạnh đó, ông Nguyễn Xuân Thành cho hay, một số tổ chức trong nước, đặc biệt là ngân hàng thương mại, đã phát triển theo mô hình tập đoàn tài chính. Dù vậy, các tập đoàn tài chính hiện diện không nhiều do họ chỉ có giấy phép kinh doanh ngân hàng truyền thống, khó xin thêm giấy phép hoạt động lĩnh vực khác như công ty chứng khoán, tài chính...
"TPHCM cần có khung pháp lý cho các tổ chức tài chính hoạt động theo mô hình tập đoàn tài chính. Cơ chế này hấp dẫn và ưu đãi hơn cả miễn giảm tiền thuê đất hay giảm thuế" - ông Nguyễn Xuân Thành nhấn mạnh, đồng thời cho rằng trung tâm tài chính không phải tòa nhà, cao ốc, hay một khu phức hợp cụ thể. Mà đó là một hệ sinh thái tài chính.
Tiến sĩ Trần Du Lịch cũng nhấn mạnh dựa trên tiêu chí đánh giá một Trung tâm tài chính tầm khu vực, quốc tế thì thấy TPHCM đang đi theo hướng chắc chắn. "Nhưng phải mở về chính sách và đột phá chính sách" - ông nói.
Theo tiến sĩ Trần Du Lịch, thành phố cần quan tâm cơ chế, chính sách để thu hút các nguồn vốn đầu tư, tập trung lĩnh vực công nghệ số. Song song, có chính sách chia sẻ rủi ro từ sản xuất sang thị trường, bao gồm đổi mới sản phẩm. Điều này mới thể hiện được vai trò của Trung tâm tài chính.
Tại hội thảo, Phó chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng cho hay, ý tưởng về việc xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế của Việt Nam tại TPHCM đã có từ gần 20 năm. TPHCM đã chú trọng phát triển thị trường tài chính như một trong những lĩnh vực ưu tiên của quá trình dịch chuyển cơ cấu kinh tế.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý cho UBND TPHCM nghiên cứu, lập Đề án xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại TPHCM. Điều này không chỉ thể hiện khát vọng của thành phố mà còn thể hiện ý chí quyết tâm của Trung ương nhằm nỗ lực hiện thực hóa các chủ trương, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, với nhiệm vụ “thúc đẩy TPHCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế”.
|
Phó chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng tại hội thảo sáng 25/2 |
Tuy nhiên, bà Phan Thị Thắng chia sẻ, để hình thành và vận hành hiệu quả Trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực và quốc tế sẽ gặp nhiều thách thức và cần rất nhiều nỗ lực. Đơn cử: định hướng mô hình phù hợp, xây dựng cơ chế chính sách, khuôn khổ pháp lý, phát triển cơ sở hạ tầng, nền tảng công nghệ và nguồn nhân lực, xác định các chính sách chiến lược mang tính đột phá để có thể cạnh tranh, thu hút.
Ngoài ra, còn kêu gọi các nhà đầu tư, các tập đoàn tài chính lớn đầu tư vào trung tâm tài chính, huy động các nguồn lực bên trong và bên ngoài cũng như hỗ trợ kết nối với các trung tâm tài chính thế giới để phát triển hạ tầng.
|
Quang cảnh hội thảo |
Hội thảo tiếp thu các ý kiến, hiến kế nhằm hoàn thiện việc xây dựng dự thảo Đề án phát triển TPHCM thành trung tâm tài chính quốc tế. Đây là cơ sở để UBND TPHCM tiếp tục làm việc với các Bộ, ngành Trung ương trong tháng 3/2022 trước khi chính thức trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai thực hiện.
Theo đề án, TPHCM định hướng phát triển thành Trung tâm tài chính quốc gia với nền tảng vững chắc trong giai đoạn 2021-2025 và chuẩn bị điều kiện cần thiết để trở thành trung tâm tài chính khu vực từ năm 2026 đến 2045. Mục tiêu là được xếp hạng trong nhóm 50 trung tâm tài chính hàng đầu thế giới của GFCI vào năm 2030 và trong nhóm 20 trung tâm hàng đầu thế giới vào năm 2045. Trước mắt, đến năm 2025, thành phố đặt ra 4 chương trình hành động: Phát triển Fintech, ngân hàng số và thị trường giao dịch tài chính số; thúc đẩy hội nhập tài chính khu vực; phát triển Khu Tài chính - Thương mại Thủ Thiêm; phát triển thị trường hàng hóa tại trung tâm tài chính quốc tế TPHCM. |
Tuyết Dân