Doanh nghiệp làm bậy, chính quyền yếu kém hay tiếp tay sai phạm?
Nhắc đến Trung tâm Hội nghị tiệc cưới Riverside Palace, đồng thời là trụ sở của Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Lâu Đài Ven Sông (Công ty Lâu Đài Ven Sông - số 360D Bến Vân Đồn, phường 1, quận 4, TPHCM) có lẽ người dân ở trên đường Bến Vân Đồn không ai không biết về độ “chơi trội” của công trình này. Tất cả các công trình từ nhà dân đến chung cư, tòa nhà văn phòng đều phải lùi vào khoảng 3m so với mặt đường nhưng riêng tòa nhà Trung tâm Hội nghị tiệc cưới Riverside Palace vẫn ngang nhiên "trồi" ra ngoài.
Phần lớn người dân ở đây đều biết rõ thời điểm công trình này cơi nới vào khoảng giữa năm 2016. Lúc đó công trình làm rầm rộ, công khai. Đặc biệt, công trình xây trái phép chỉ cách UBND phường 1, quận 4 chỉ vài chục bước chân. Tuy nhiên lúc xây dựng không ai đến ngăn chặn, xử phạt.
|
Một phần Trung tâm Hội nghị tiệc cưới Riverside Palace xây trái phép gần 4 năm vẫn chưa xử lý xong. |
Khoảng giữa năm 2019 vụ việc mới bị phát hiện. Lúc này công trình không còn có thể xử phạt hành chính được nữa vì đã hết thời hiệu xử phạt.
Đến ngày 29/8/2019 UBND quận 4 ban hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thì mới xác định được tổng diện tích vi phạm lên đến hơn 261m2.
Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả nêu rõ: “Buộc tổ chức vi phạm là Công ty Lâu Đài Ven Sông phải tháo dỡ công trình vi phạm. Thời gian thực hiện 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định này”. Thế nhưng, đến hạn, chủ công trình vẫn không thực hiện.
Ngày 10/9, UBND phường 1, quận 4 tống đạt quyết định nêu trên, yêu cầu chủ công trình nghiêm túc tháo dỡ nhưng sau đó, công trình sai phạm vẫn còn trơ trơ.
|
Có thể nhìn thấy rõ phần diện tích sai phạm trồi ra rất chướng mắt. |
Trước hành vi có dấu hiệu chống đối của chủ công trình, thay vì quyết liệt cưỡng chế, UBND phường 1 tiếp tục ban hành các thông báo kêu gọi chủ công trình tháo dỡ công trình sai phạm. Có ít nhất 3 thông báo kêu gọi tháo dỡ được UBND phường ban hành, gửi đến chủ công trình vào các ngày 25/9, 1/10 và 8/10.
Nhưng cuối cùng công trình sai phạm vẫn còn nguyên, trong khi chính quyền vẫn không có biện pháp gì để xử lý dứt điểm.
Đến ngày 29/10, UBND quận 4 lại ban hành quyết định số 1460/QĐ-UBND-CCXD về việc cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định. Nếu quá thời hạn mà chủ công trình không chấp hành, sẽ bị cưỡng chế theo quy định pháp luật.
Thế nhưng, đến nay, đã hơn một tháng kể từ ngày UBND quận 4 ra quyết định trên, những sai phạm của dự án vẫn còn đó.
Thế lực nào đang cát cứ trong “lâu đài”?
Capella Galery Hall vừa đưa vào sử dụng đã cơi nới trái phép Khoảng giữa năm 2018, Trung tâm hội nghị tiệc cưới Capella Gallery Hall (24 đường 3 tháng 2, phường 12, quận 10, TPHCM) đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, chỉ khoảng 3 tháng sau thì UBND phường 12, quận 10 đã phát hiện công trình xây trái phép hơn 400m2. Tháng 10/2018, UBND phường 12 có văn bản số 589/UBND gửi Phòng Quản lý đô thị quận 10 đề nghị xử lý vi phạm hành chính đối với Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô. Thế nhưng đến nay công trình sai phạm vẫn còn nguyên. |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Công ty Lâu Đài Ven Sông thành lập vào tháng 6/2010 có vốn điều lệ 40,2 tỷ đồng với tổng cộng 2.865.000 cổ phần (10.000 đồng/cổ phần). Doanh nghiệp này đăng ký kinh doanh 14 ngành nghề, trong đó có các dịch vụ như: bán lẻ thuốc lá, thuốc lào; bán rượu vang, rượu mạnh; bán ô tô con; ăn uống theo hợp đồng, phục vụ hôn lễ, bán buôn đồ uống...
Công ty Lâu Đài Ven Sông do ông Nguyễn Cao Trí (SN 1970, ngụ ở quận 3, TPHCM) làm người đại diện pháp luật. Công ty có 12 cổ đông sáng lập, trong đó có 7 pháp nhân và 5 cá nhân.
Các pháp nhân của doanh nghiệp này phần lớn thuộc hàng cộm cán gồm: Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Phan Thành chiếm 300.000 cổ phần; Công ty cổ phần Văn hóa Tổng hợp Bến Thành 270.000 chiếm cổ phần; Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Khánh Hội chiếm 405.000 cổ phần; Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Xuất nhập khẩu Như Ngọc chiếm 135.000 cổ phần; Công ty cổ phần Tập đoàn Capella chiếm 810.000 cổ phần; Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Giày Dép Nam Á chiếm 270.000 cổ phần; Công ty cổ phần Đầu tư Đại Thủ đô 245.000 chiếm cổ phần.
Còn lại là các cá nhân gồm: bà Nguyễn Thu Nga (70 Trần Hưng Đạo, phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú) 85.000 cổ phần; bà Nguyễn Thanh Hà (35 Calmette, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1) 135.000 cổ phần; bà Bùi Thị Thu Hoài (số 5 lô B, 590 Cách Mạng Tháng Tám, phường 11, quận 3) 270.000 cổ phần; bà Võ Thị Ngọc Loan (số 16Q Cư xá Phú Lâm, phường 10, quận 6) 25.000 cổ phần; Đào Ngọc Bảo Phương (14/1 Trần Hưng Đạo, phường 10, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) 50.000 cổ phần.
Ngoài đứng đại diện pháp luật cho Công ty Lâu Đài Ven Sông, ông Nguyễn Cao Trí còn là đại diện pháp luật của Công ty cổ phần Tập đoàn Capella (Tập đoàn Capella; 136 - 138 Lê Thị Hồng Gấm, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP.HCM).
Theo thông tin giới thiệu trên website: www.capellaholdings.vn, Tập đoàn Capella hiện đang sở hữu các thương hiệu ăn chơi nổi tiếng khắp thành phố gồm: Chill Sky Bar, Air 360 Sky Bar, Claris Palace, Capella Park View, Capella Gallery Hall, hệ thống nhà hàng San Fo Lou, Sorae, hệ thống nhà hàng Dì Mai, kinh doanh bất động sản với cao ốc The One Saigon. Ngoài ra, đơn vị này còn tham gia các ngành nghề bán lẻ tiêu dùng, y tế, giáo dục, nông nghiệp kỹ thuật cao...
Ngoài vai trò là một doanh nhân, hiện ông Nguyễn Cao Trí còn là Chủ tịch Hội doanh nghiệp quận 1 (nhiệm kỳ 2018 - 2023); Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học Văn Lang.
Như vậy đã rõ những thế lực đang “cát cứ” trong Lâu Đài Ven Sông. Phải chăng vì những thế lực này mà cơ quan chức năng xử lý mãi không xong một công trình xây dựng trái phép giữa thanh thiên bạch nhật?
Cơi nới quán bar trên “đầu” cư dân gần 3 năm xử lý không xong Tại quận 1, TPHCM, người dân không lạ gì với tòa nhà cao ốc The One Sài Gòn (đường Ký Con, Q.1, TP.HCM) đừng sừng sững giữa trung tâm thành phố vẫn ngang nhiên cơi nới như thách thức chính quyền nơi đây. Đứng trước chợ Bến Thành, có thể dễ dàng nhìn rõ một quán bar đồ sộ trên nóc tòa nhà. Ban đêm nó trở thành nỗi ám ảnh của cư dân sống trong chung cư ở đây nhiều năm qua. Họ cho biết đã phản ánh đến chính quyền địa phương không biết bao nhiêu lần nhưng tình hình vẫn vậy. Theo hồ sơ xử phạt của cơ quan chức năng, chủ đầu tư công trình đã tự ý mở rộng diện tích khu căn-tin, văn phòng, kỹ thuật tại ba tầng 21, 22, 23 và chuyển đổi sang kinh doanh nhà hàng sai mục đích, không được cơ quan chức năng cấp phép. Nhưng cơ quan chức năng chỉ lập biên bản xong rồi bỏ đó, gần 3 năm công trình tiếp tục làm khổ dân và thách thức chính quyền, dự luận. Trả lời vấn đề này, Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng, hiện sở đang phối hợp với Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM và UBND quận 1 để xem xét và xử lý, nhưng không biết đến bao giờ mới xử lý xong. |
Phan Trí