TPHCM có 4 bảo tàng loại I, thêm 3 di tích cấp thành phố

23/11/2023 - 15:23

PNO - Ngày 23/11, nhân kỷ niệm ngày Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ 18 (23/11/2005 – 23/11/2023), Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM phối hợp Hội Di sản Văn hóa TPHCM tổ chức công bố quyết định xếp hạng di tích cấp thành phố và bảo tàng loại I.

 

TPHCM chính thức có thêm 3 di tích cấp thành phố.
TPHCM chính thức có thêm 3 di tích cấp thành phố.

Theo đó, UBND TPHCM đã có quyết định công nhận xếp hạng di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh cấp thành phố đối với: di tích lịch sử căn cứ quận Gò Môn (ấp An Bình, xã Trung An, huyện Củ Chi), di tích kiến trúc nghệ thuật bệnh viện Mắt TPHCM (quận 3) và di tích kiến trúc nghệ thuật Nhà Thiếu nhi TPHCM (quận 3).

Đồng thời, Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM cũng công bố quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc xếp hạng loại I đối với Bảo tàng Chứng tích chiến tranh và quyết định xếp hạng loại I đối với 3 bảo tàng là Bảo tàng TPHCM, Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM và Bảo tàng Lịch sử TPHCM.

Đến nay, TPHCM có 4 bảo tàng được công nhận xếp loại I.
Đến nay, TPHCM có 4 bảo tàng được công nhận xếp loại I.

Phát biểu tại buổi lễ, giám đốc Sở văn hóa - thể thao TPHCM Trần Thế Thuận cho biết, thời gian qua, Sở đã có nhiều giải pháp trong lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư và phát huy giá trị di sản văn hóa; cùng với các hội, ngành xây dựng chính sách bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.

Hiện TPHCM có 188 di tích được xếp hạng, gồm: 2 di tích quốc gia đặc biệt, 58 di tích quốc gia, 128 di tích cấp thành phố. Thời gian qua, từ sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của các cấp lãnh đạo, trên 40 di tích đã được tu bổ, tôn tạo, trong đó có nhiều di tích được quan tâm, đầu tư tu sửa cấp thiết.

Bên cạnh đó, trên địa bàn TPHCM có 17 bảo tàng (11 bảo tàng công lập và 6 bảo tàng tư nhân) với 4 bảo tàng xếp hạng I, 3 bảo tàng xếp hạng II; có 16 bảo vật quốc gia được lưu giữ tại các bảo tàng.

Căn cứ Gò Môn tuy chỉ tồn tại trong 9 năm (1961 - 1969)
Căn cứ quận Gò Môn tuy chỉ tồn tại trong 9 năm (1961 - 1969) nhưng đã ghi dấu giai đoạn chiến đấu quan trọng của quân và dân Gò Môn với hàng loạt trận chống càn, làm phân rã và thất bại hoàn toàn hệ thống ấp chiến lược trên địa bàn quận. Đặc biệt, ngày 12/11/1964, do có chỉ điểm nên địch đã càn quét, tấn công bất ngờ, tất cả 22 chiến sĩ trung đội Gò Môn và khoảng 60 cán bộ, chiến sĩ, đồng bào xã Trung An đã hy sinh anh dũng dưới lòng địa đạo.
Đây là công trình do dòng Saint Paul của Pháp xây theo kiến trúc Pháp từ những năm 1930.
Bệnh viện Mắt TPHCM là công trình do dòng Saint Paul của Pháp xây theo kiến trúc Pháp từ những năm 1930.
Nhà Thiếu Nhi Thành Phố Hồ Chí Minh thành lập từ ngày 01/6/1975 tại số 55 Nguyễn Đình Chiểu với tên gọi Câu lạc bộ Thiếu nhi. Ngày 26/8/1976 Thành Ủy quyết định giao cho Thành Đoàn ngôi nhà số 169 Nam Kỳ Khởi Nghĩa Quận 3 để tổ chức hoạt động. Ngôi nhà này trước đây là Dinh của Phó Tổng thống Sài Gòn. Ngày 20/4/1979 Câu Lạc bộ Thiếu nhi được chuyển thành Nhà Văn hóa Thiếu nhi Thành phố . Ngày 02/8/1986 Ủy ban nhân dân Thành phố cho phép chuyển Nhà Văn hóa Thiếu nhi thành Nhà Thiếu Nhi Thành Phố Hồ Chí Minh.
Nhà Thiếu Nhi TPHCM được thành lập từ ngày 1/6/1975, tiền thân là dinh của ông Trần Văn Hương - phó tổng thống chính quyền Việt Nam cộng hòa. Năm 2017, công trình nâng cấp Nhà thiếu nhi TPHCM với kiến trúc hiện đại, thân thiện môi trường được khánh thành và chính thức đi vào hoạt động, phục vụ thiếu nhi TPHCM đến sinh hoạt, học tập, vui chơi.

Những năm qua, số du khách đến tham quan các bảo tàng, di tích lịch sử - văn hóa tại TPHCM ngày càng tăng. Các địa chỉ này ngày càng trở thành điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài nước. TPHCM cũng ngày càng quan tâm và có giải pháp hiệu quả trong việc giữ gìn và phát huy giá trị các điểm đến này.

Tại buổi lễ, ban tổ chức cũng đã tổng kết và trao giải Hội thi “Phát huy giá trị di sản văn hóa Hồ Chí Minh” nhân kỷ niệm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam lần thứ 18. Năm nay, hội thi đã nhận được 120 bài viết dự thi, có 31 bài viết được chọn vào chung kết.

Đông A

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI