TPHCM chuẩn bị gì khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực?

01/08/2020 - 13:29

PNO - Tại buổi đối thoại với Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam ngày 28/7, lãnh đạo UBND TPHCM cam kết sẽ thúc đẩy nhanh các giải pháp để tận dụng tối đa lợi ích từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU.

Nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ nhanh

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ có hiệu lực từ 1/8 tới nhưng theo đại diện các doanh nghiệp (DN) châu Âu, còn quá nhiều trở ngại để Việt Nam có thể tận dụng tối đa lợi ích từ hiệp định này. “Liệu Việt Nam có thể trở thành điểm vận chuyển của ASEAN khi chúng ta gần như không có đất để làm kho bãi?” - bà Huyền Nguyễn, Phó chủ tịch Tiểu ban Vận tải và Hậu cần Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), nêu nghi vấn. Theo bà, tại TPHCM, những kho bãi này chủ yếu do các chủ đất tư nhân điều hành, quy mô nhỏ, thiếu hẳn các trung tâm kho bãi uy tín. 

Bên cạnh đó, theo ông Bob Fletcher - Phó chủ tịch Tiểu ban Vận tải và Hậu cần EuroCham - thời gian qua, các DN xuất khẩu gặp nhiều khó khăn với hải quan mà không thể xử lý khiến các đơn hàng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều lô hàng muốn xuất đi mà không được nhưng phía hải quan không đưa ra lý do rõ ràng, chỉ dựa vào cảm tính như nghi ngờ lô hàng “có vấn đề”. 

Ông Alexandre Sompheng - Chủ tịch Tiểu ban Kỹ thuật số EuroCham - tỏ ra chán ngán khi Việt Nam đã áp dụng việc chuyển đổi kỹ thuật số nhiều năm nay, cho phép thực hiện chữ ký điện tử nhưng khi DN áp dụng thì một số đơn vị như ngân hàng và chính quyền địa phương không chịu thừa nhận. “Hợp đồng scan hay email có thể làm giả dễ nhất thì các cơ quan này đều chấp nhận, còn cái đã được ban hành thành quy định như chữ ký số, lại không chấp nhận. Chúng tôi cần sự rõ ràng hơn trong tiêu chí áp dụng, thể hiện tính pháp lý” - ông nói. 

Sự thiếu tính liên thông giữa các bộ, ngành ở Việt Nam cũng khiến việc nhập khẩu trang thiết bị y tế khó khăn. Theo bà Magdalena Krakowiak - Chủ tịch Tiểu ban Thuốc chất lượng quốc tế EuroCham - ngành dược phẩm ở Việt Nam phát triển rất mạnh. Khi EVFTA có hiệu lực, việc nhập khẩu dược phẩm từ châu Âu sẽ được giảm thuế, nhưng nếu Việt Nam có một chính sách và tạo môi trường đầu tư, có thể thu hút các DN đặt cơ sở sản xuất ngay tại Việt Nam và ngành này sẽ phát triển hơn nữa. Khi đó, người dân sẽ tiếp cận được nguồn dược phẩm và thiết bị y tế chất lượng cao với giá rẻ hơn. 

Phó chủ tịch Tiểu ban Dược phẩm EuroCham - Mathieu Fitoussi - thông tin, hiện có 23 công ty thành viên thừa nhận Việt Nam có thể thành nơi nghiên cứu và phát triển ngành dược phẩm trong khối ASEAN. Một làn sóng các nhà đầu tư đang mong muốn thúc đẩy Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất biệt dược gốc, tiến tới xuất khẩu sang các nước trong khu vực và thế giới. Trước mắt, 15 DN muốn triển khai kế hoạch này.
 

TP.HCM đang triển khai đề án phát triển logistic, kho bãi với 623ha đất dành cho việc thành lập các trung tâm logistic. Song song, đẩy mạnh liên kết vùng thông qua  các dự án phát triển hạ tầng giao thông
TPHCM đang triển khai đề án phát triển logistic, kho bãi với 623ha đất dành cho việc thành lập các trung tâm logistic. Song song, đẩy mạnh liên kết vùng thông qua các dự án phát triển hạ tầng giao thông

Lãnh đạo TPHCM cam kết gỡ khó

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhận định, EVFTA trở thành một nhân tố quan trọng để TPHCM vừa chống dịch, vừa phục hồi kinh tế. Theo dự báo, EVFTA sẽ góp phần làm GDP Việt Nam tăng thêm khoảng 2,18-2,35% trong 5 năm đầu tiên. Là một đô thị có đóng góp cho ngân sách quốc gia lớn nhất, TPHCM là địa phương hưởng lợi rất lớn từ hiệp định này. Châu Âu là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của TPHCM sau Hoa Kỳ, Trung Quốc và là đối tác nhập khẩu lớn thứ hai sau Trung Quốc. 

Kim ngạch xuất khẩu của TPHCM sang châu Âu năm 2019 hơn 5 tỷ USD và trong 6 tháng đầu năm 2020, dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, vẫn đạt 2,3 tỷ USD. Khi EVFTA có hiệu lực, kim ngạch này còn có thể gia tăng ấn tượng hơn. Ông Phong thừa nhận, TPHCM vẫn chưa khơi dậy hết tiềm năng của 20.000 DN xuất khẩu. Các sản phẩm xuất khẩu sang châu Âu chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng thể thị trường xuất khẩu của TPHCM. Điều này một phần không nhỏ đến từ sự yếu kém trong công tác quản trị. 

Với các khó khăn điển hình nêu trên, ông Phong cho biết, các đơn vị đang dần thay đổi để tháo gỡ. Đơn cử, Cục Hải quan TPHCM thừa nhận, có chồng chéo trong quy định của các bộ, ngành. Sự chồng chéo về quy định nhập khẩu trang thiết bị y tế giữa Bộ Y tế và Bộ Tài chính thời gian qua đang được hai bộ này tháo gỡ. 

Trước phản ánh hải quan làm việc còn cảm tính, đại diện Cục Hải quan TPHCM giải thích rằng, một số lô hàng khi tham chiếu giá để kiểm soát đã phát hiện DN kê thấp hơn giá mua bán thực tế, do đó mới nghi vấn và mời làm việc. Ngoài ra, còn có một vài DN có lợi dụng việc kê khai mã số hàng hóa khi xuất khẩu nên phải kiểm tra kỹ lưỡng. Theo Cục Hải quan TPHCM, trong phân luồng xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2020, luồng xanh (miễn kiểm tra) chiếm 53,81%, luồng vàng (phải kiểm tra hồ sơ) chiếm 37,98% và luồng đỏ (kiểm tra thực tế hàng hóa) chỉ có 6,41%. 

Với khó khăn về kho bãi, theo Sở Công thương TPHCM, hiện TPHCM đang xây dựng đề án phát triển logistic đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Đề án có đề xuất sử dụng các bãi đất trống thành lập các trung tâm logistic, với tổng diện tích 623ha, trải dài từ các quận 2, 9, Thủ Đức đến các huyện Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè. 

Ông Nguyễn Thành Phong cam kết sẽ biến các giải pháp thành hành động trong khả năng ngay từ quý III/2020; với những nội dung vượt thẩm quyền, UBND TPHCM sẽ báo cáo để nhờ lãnh đạo cấp trung ương can thiệp. Ngay tại buổi đối thoại, ông Phong giao các sở, ngành khẩn trương tham mưu chương trình hành động trong việc thực hiện EVFTA, rà soát các văn bản, quy định do UBND TPHCM ban hành không còn phù hợp với hiệp định, từ đó đề xuất chỉnh sửa. 

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI