TPHCM chuẩn bị gì để giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 cao kỷ lục hơn 100.000 tỉ?

22/01/2025 - 14:53

PNO - Bài toán giải ngân vốn đầu tư công luôn là thách thức đối với nhiều địa phương. TPHCM đã có những bước đi chủ động, phân cấp mạnh mẽ cho quận, huyện và đặt mục tiêu giải ngân toàn bộ vốn trong năm 2025. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi về vấn đề này.

Phóng viên: Được biết, vốn đầu tư công năm 2025 cao hơn năm 2024, vậy TPHCM có giải pháp gì để đẩy nhanh tiến độ giải ngân?

Chủ tịch UBND Phan Văn Mãi: Kế hoạch đầu tư công năm 2025 của TPHCM ước tính khoảng 85.000 tỉ đồng, cộng thêm khoảng 20% vốn chưa giải ngân hết từ năm 2024 chuyển sang. Mục tiêu của chúng tôi là giải ngân khoảng 105.000 tỉ đến 110.000 tỉ đồng. Với sự chủ động từng năm, chúng ta đã hoàn thành các khâu chuẩn bị, tôi tin năm 2025 sẽ giải ngân kỷ lục. Vốn năm 2024 chưa giải ngân hết thì còn có thể chuyển sang năm sau, nhưng năm 2025 chúng ta phải phấn đấu giải ngân hết.

Sau dự án Metro số 1, TPHCM dự kiến khởi công Metro số 2 - Ảnh: Minh An
Sau dự án Metro số 1, TPHCM dự kiến khởi công Metro số 2 - Ảnh: Minh An

Tôi đã họp với các cơ quan về kế hoạch giải ngân, xác định rõ nhiệm vụ, phân nhóm các vấn đề vướng mắc và giao đầu mối phụ trách. Trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ đầu tư: được giao bao nhiêu dự án, bao nhiêu vốn, phải làm gì trong công tác chuẩn bị, có điều chỉnh quy hoạch không, có vướng mắc với cơ quan nào không, giải phóng mặt bằng bao nhiêu, đang triển khai bao nhiêu, vấn đề phát sinh và số phải quyết toán là bao nhiêu…

Tiếp theo là trách nhiệm của quận, huyện, nơi vừa triển khai dự án theo thẩm quyền, vừa hỗ trợ giải phóng mặt bằng, phối hợp với chủ đầu tư và nhà thầu giải quyết vấn đề phát sinh.

Thứ ba là các sở chuyên ngành như Quy hoạch, Xây dựng, Giao thông, Kế hoạch Đầu tư.

Thứ tư là cơ quan thường trực, ở cấp thành phố là Sở Kế hoạch Đầu tư, ở địa phương cũng có cơ quan thường trực để theo dõi, phát hiện vấn đề và nhắc nhở. Cuối cùng là sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thường vụ Thành ủy, Thường trực UBND. Thành ủy đã thành lập các đoàn công tác phụ trách dự án cụ thể. Ví dụ, năm 2024, tôi trực tiếp chỉ đạo dự án Rạch Xuyên Tâm và Bờ Bắc kênh Đôi, dù rất khó khăn nhưng cuối năm cũng đã giải ngân được khoảng 16.000 - 17.000 tỉ đồng. Đây là kinh nghiệm cần tiếp tục phát huy.

Chúng tôi đánh giá rất cao việc quận, huyện giải ngân tốt. Đây là kết quả rõ nét của phân cấp, phân quyền, giúp quận, huyện giải quyết vấn đề nhanh chóng. UBND TPHCM ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực này, sẽ tiếp tục phân cấp mạnh mẽ hơn. Dự án nào quận, huyện thực hiện được, chúng tôi sẽ giao về, không chỉ nhóm B, C mà cả nhóm A nếu đủ năng lực. Chúng tôi đã yêu cầu các chủ đầu tư và chủ tịch quận, huyện thống nhất về việc chuyển giao dự án về quận, huyện trước ngày 31/12 và sẽ ký kế hoạch này, phân giao ngay từ đầu năm.

Năm 2025, chúng tôi đã yêu cầu điều chỉnh quy hoạch phải xong trước tháng 6, thủ tục giải phóng mặt bằng chậm nhất trước tháng 9, để dành quý IV cho triển khai. Tuy nhiên, giải phóng mặt bằng đến tháng 9 cũng là khối lượng lớn. Các dự án chuyển tiếp từ 2024 sang phải tập trung ngay từ quý I.

* Thành phố có giải pháp gì để rút ngắn thời gian thực hiện các tuyến metro sắp tới?

Sau dự án Metro số 1, TPHCM dự kiến khởi công Metro số 2 - Ảnh: Minh An
Sau dự án Metro số 1, TPHCM dự kiến khởi công Metro số 2 - Ảnh: Minh An

Về đề án đường sắt đô thị, TPHCM và Hà Nội đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông để trình hồ sơ, kỳ vọng Quốc hội giữa năm sẽ ban hành nghị quyết về cơ chế chính sách. Chắc chắn cơ chế chính sách lần này phải hết sức vượt trội, từ khâu chuẩn bị, cơ chế thầu (ví dụ như chìa khóa trao tay) để rút ngắn thời gian chuẩn bị từ 3-5 năm xuống còn 3-5 năm cho cả thi công. Song song đó là huy động vốn, đào tạo nhân lực, giải quyết vấn đề tài chính của dự án, ví dụ như TOD.

Thành phố dự kiến khởi công Metro số 2 trước, áp dụng cơ chế chính sách của đề án này như thí điểm, sau đó sẽ chuẩn bị và khởi công theo nhóm, không lần lượt từng tuyến nữa. Ví dụ, 3 năm nữa phải có sự chuẩn bị cho một gói 3-4 tuyến, song song tiếp tục chuẩn bị để khoảng 2027 - 2028 khởi công, đến 2032 xong, rồi 2029 - 2030 tiếp tục khởi công để đến 2035 hoàn thành 355 km. Đây là khối lượng công việc rất lớn, chắc chắn thành phố sẽ mời tư vấn quốc tế, không chỉ tư vấn thiết kế mà cả tư vấn quản lý, để hỗ trợ đề án này.

* Thưa ông, với hàng loạt dự án, đề án đô thị đang được thực hiện, ông kỳ vọng TPHCM sẽ thay đổi như thế nào về môi trường, cảnh quan và đặc biệt là chất lượng sống của người dân?

Với hàng loạt cơ chế chính sách đặc thù, TPHCM sẽ có sự thay đổi về môi trường, cảnh quan, giải quyết dứt các điểm nghẽn về kẹt xe, ngập nước...
Với hàng loạt cơ chế chính sách đặc thù, TPHCM sẽ có sự thay đổi về môi trường, cảnh quan, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân - Ảnh: Minh An

- Tôi tin đến năm 2030, thành phố sẽ cơ bản giải quyết được vấn đề hạ tầng. Chúng ta sẽ có một kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại, bao gồm hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng khoa học công nghệ và các hạ tầng xã hội khác. Thành phố cũng sẽ giải quyết các điểm nghẽn như kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường, tình trạng thiếu trường học, thiếu cơ sở chăm sóc sức khỏe. Nhờ đó, môi trường sống, điều kiện sống của người dân và các điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội sẽ tốt hơn. Nếu tất cả những việc này diễn ra đúng kế hoạch và đạt được kết quả vào năm 2030, thì chắc chắn sau năm 2030, cụ thể là trong giai đoạn 2030-2040, tăng trưởng của TPHCM sẽ đạt 2 con số, và là 2 con số lớn.

* Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị, trong đó có đề cập đến cơ chế đặc thù, vậy TPHCM có đề xuất gì trong nội dung này nhằm giải quyết các thách thức của một siêu đô thị?

- Nghị quyết 131 đang quy định về chính quyền đô thị tại TPHCM. Năm nay, thành phố sẽ tổng kết nghị quyết này. Trên cơ sở tổng kết Nghị quyết 131 của Quốc hội, kết hợp với Nghị quyết 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nghiên cứu các mô hình, quy định khác, thành phố sẽ đề xuất một khung pháp lý mới. Khung pháp lý này có thể là một nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 131, hoặc có thể là một luật.

Chúng tôi sẽ lựa chọn hình thức phù hợp nhất sau quá trình nghiên cứu. Nhưng chắc chắn là chúng tôi sẽ đề nghị một khung pháp lý mới, phù hợp hơn với quy mô và mô hình của một đô thị đặc biệt như TPHCM.

Tôi tin rằng chúng ta đang tập trung khá đồng bộ, không chỉ về hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, mà còn đầu tư về hạ tầng pháp lý, đầu tư về tổ chức bộ máy và con người. Với những đầu tư đồng bộ này, chắc chắn sau năm 2030 sẽ có những diện mạo khác và tạo nền tảng vững chắc cho giai đoạn sau năm 2030.

Thanh Hoa - Nguyễn Quang - Trang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI