TPHCM chuẩn bị đủ nguồn hàng tết

06/01/2023 - 06:23

PNO - Thành phố đã chỉ đạo các doanh nghiệp bình ổn thị trường, hệ thống phân phối chuẩn bị nguồn hàng dự trữ, nhân lực, đảm bảo cung ứng kịp thời cho người dân dịp Tết.

 

Các hệ thống phân phối chuẩn bị nguồn hàng dự trữ, nhân lực, đảm bảo cung ứng kịp thời cho người dân dịp Tết

Các hệ thống phân phối chuẩn bị nguồn hàng dự trữ, nhân lực, đảm bảo cung ứng kịp thời cho người dân dịp Tết - Ảnh: Nguyễn Cẩm

Theo kết quả kiểm tra, đánh giá các nhóm hàng trọng điểm như: rau củ quả, thịt heo và trứng gia cầm được Sở Công thương TPHCM công bố ngày 5/1/2023, các doanh nghiệp cơ bản chuẩn bị nguồn hàng, nguyên vật liệu, phương án sản xuất, lưu thông hàng hóa… và đang đẩy mạnh cung ứng, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu tăng cao của người dân dịp tết Nguyên đán.

“Trong mọi tình huống, Thành phố luôn xác định nhiệm vụ trọng tâm là phải đảm bảo nguồn cung, đảm bảo lưu thông hàng hóa, tiết giảm chi phí trung gian, vận hành hiệu quả hoạt động hệ thống phân phối, sẵn sàng phương án bán hàng lưu động… không để xảy ra khan hàng, sốt giá, đầu cơ trục lợi”, Sở Công thương khẳng định.

Thành phố đã chỉ đạo các doanh nghiệp bình ổn thị trường (BOTT), hệ thống phân phối chuẩn bị nguồn nguyên liệu cần thiết, tăng cường sản xuất, tập trung nguồn hàng, bố trí hệ thống kho dự trữ tập kết hàng hóa, nhân lực, đảm bảo khả năng cung ứng kịp thời, đầy đủ để điều phối, thực hiện ngay khi có yêu cầu.

Doanh nghiệp BOTT Thành phố chiếm 25% - 43% nhu cầu thị trường (tăng 10% so với tháng thường). Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, hệ thống phân phối, chợ… chiếm 57% - 75% nhu cầu thị trường. Nguồn vốn doanh nghiệp BOTT chuẩn bị phục vụ 2 tháng Tết là 20.000 tỷ đồng; trong đó 8.000 tỷ đồng chuẩn bị hàng BOTT. Riêng tháng cao điểm tết (từ ngày 1 đến ngày 30 tháng Chạp Âm lịch), doanh nghiệp BOTT chuẩn bị 12.000 tỷ đồng, trong đó 4.200 tỷ đồng chuẩn bị hàng BOTT.

Theo Sở Công thương, với lượng hàng, nguồn vốn đã dự trữ, doanh nghiệp đảm bảo cung ứng đáp ứng kế hoạch Thành phố giao; nhiều nhóm hàng đủ sức chi phối thị trường, chiếm từ 22% – 54,5% nhu cầu như: thịt gia cầm (chiếm 54,3%), trứng gia cầm (46,7%), thực phẩm chế biến (22,1%), thịt gia súc (20,2%), dầu ăn (21,4%)...

Lượng nông sản cung ứng thị trường Thành phố thông qua 3 chợ đầu mối đạt bình quân 7.600 tấn/ngày, gồm 800 tấn thịt gia súc, gia cầm, 1.200 tấn thủy hải sản, 5.600 tấn rau củ quả. Dự kiến, vào thời điểm cận tết, lượng hàng nhập về chợ tăng khoảng 80% so với ngày thường, lên đến 13.000 – 15.000 tấn/ngày.

Hiện, Thành phố có 225/232 chợ truyền thống hoạt động, còn 7/232 chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động. Sở Công Thương cho biết, các chợ tạm ngưng hoạt động chủ yếu do một số chợ cơ sở vật chất xuống cấp, đang chờ nâng cấp, sửa chữa; một số chợ dự kiến chuyển đổi công năng hoặc đang dự kiến giải tỏa, di dời. Để chuẩn bị tết, Ban quản lý các chợ tập trung theo dõi số lượng hàng hóa, giá cả hàng hóa tại nguồn và về chợ; đảm bảo hoạt động kinh doanh tại chợ thực hiện nghiêm túc quy định về niêm yết giá, hàng hóa kinh doanh có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo an toàn thực phẩm…

Bên cạnh đó, tổng lượng hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu tại các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi cung ứng ra thị trường bình quân 1.800 tấn/ngày. Các đơn vị tăng công suất, kéo dài thời gian hoạt động những ngày cận tết, chuẩn bị và đẩy mạnh cung ứng tăng từ 2 - 3 lần so với ngày thường.

Nhằm đảm bảo cung ứng hàng hóa tết, Sở Công thương vận động các hệ thống siêu thị kéo giãn thời gian phục vụ khách hàng. Cụ thể, từ ngày 20 - 27 tháng Chạp âm lịch: mở cửa từ 7g đến 23g. Từ ngày 28 – 29 tháng Chạp âm lịch: mở cửa từ 6g đến 0g.  Ngày 30 tháng Chạp âm lịch: mở cửa từ 6g đến 12g. Khai trương năm mới: 8g sáng mùng 2 tết Nguyên đán. Từ mùng 2 – mùng 5 Tết Nguyên đán: mở cửa từ 8g đến 12g. Mùng 6 tết Nguyên đán: hoạt động kinh doanh bình thường.

Các doanh nghiệp tham gia chương trình BOTT cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong 1 tháng trước Tết và 1 tháng sau tết; đồng thời thực hiện giảm giá sâu trong 2 ngày cận tết đối với các mặt hàng thiết yếu như: thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm... Doanh nghiệp BOTT cùng các doanh nghiệp cung ứng phối hợp các hệ thống phân phối triển khai nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá, tập trung các mặt hàng tết như: nước giải khát, bánh, kẹo, mứt, quần áo...;

Sở Công thương tổ chức 4 nhóm doanh nghiệp bán hàng lưu động, thực hiện 260 chuyến trong 2 tháng cao điểm trước tết, chủ yếu tại các quận ven – huyện ngoại thành; khu chế xuất – khu công nghiệp, khu lưu trú công nhân; các công ty, xí nghiệp đông công nhân, ký túc xá, bệnh viện để phục vụ người lao động.

Theo đánh giá của Sở Công thương TPHCM, từ nay đến tết Nguyên đán, tình hình kinh tế chung tiếp tục diễn biến khó lường; giá nhiên liệu, nguyên vật liệu, chi phí vận tải… tăng/giảm thất thường với biên độ lớn. Trong nước, chịu tác động của biến động tỷ giá, chi phí sản xuất, nguyên vật liệu, lưu thông hàng hóa tăng; thị trường các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, khí đốt, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, lương thực, thực phẩm tiếp tục chịu sức ép.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI