Vừa dạy, vừa ngóng
Một giáo viên chủ nhiệm khối 7 tại một trường THCS ở quận 1 cho biết, năm học này cô được nhà trường phân công phụ trách giảng dạy nội dung giáo dục địa phương. Đây là môn học mới trong chương trình GDPT 2018 với thời lượng 35 tiết/năm học, có hướng dẫn kiểm tra đánh giá song không có giáo viên chuyên trách, nhà trường phải bố trí giáo viên kiêm nhiệm.
"Đầu năm học giáo viên được thông tin về 8 chủ đề giảng dạy của nội dung giáo dục địa phương đối với khối lớp 7. Căn cứ vào từng chủ đề, các giáo viên phụ trách môn học sẽ cùng nhau tìm hiểu các nguồn tài liệu trên mạng internet, xây dựng, biên soạn các giáo án điện tử để giảng dạy cho học sinh. Dù vậy, vì chỉ căn cứ vào chủ đề để xây dựng nội dung giảng dạy nên giáo viên vừa dạy vừa ngóng tài liệu chính thức được ban hành để có thể so dò, đối chiếu với nội dung mình đã giảng dạy cho học sinh nhằm trang bị cho các em một cách bài bản, đủ đầy nhất".
|
Một số trường THCS triển khai giảng dạy nội dung giáo dục địa phương khối 7 với tâm thế "vừa dạy vừa ngóng" |
Hiệu trưởng một trường THCS trên địa bàn quận 1 cho hay, về nguyên tắc khi chưa có tài liệu thì nhà trường không phải tổ chức giảng dạy môn nội dung giáo dục địa phương cho đến khi có tài liệu. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ năm học trước khi tổ chức giảng dạy môn học này ở khối lớp 6 cũng như tạo sự chủ động, nhà trường mạnh dạn triển khai ngay từ học kỳ I dựa trên 8 chủ đề môn học được Sở GD-ĐT TPHCM hướng dẫn.
"Nội dung giáo dục địa phương là môn học mới trong chương trình mới. Do chưa có giáo viên bài bản nên ở mỗi một chủ đề liên quan nhà trường giao cho giáo viên bộ môn phụ trách. Ví dụ về nội dung liên quan đến mỹ thuật thì giáo viên mỹ thuật sẽ đứng lớp, tương tự với nội dung về lịch sử, địa lý... Với cách tổ chức này, trường dạy theo hình thức mỗi tháng 1 lần, 1 lần 4 tiết vào sáng thứ Bảy thay vì dạy theo từng tiết/tuần trong thời khóa biểu. Sau này, khi tài liệu được ban hành chính thức nhà trường sẽ bổ sung những nội dung còn thiếu cho học sinh" - hiệu trưởng này chia sẻ.
"Bỏ trắng" từ đầu năm
Đến thời điểm này, học kỳ I năm học 2022-2023 sắp hoàn thành song tài liệu nội dung giáo dục địa phương TPHCM khối lớp 7, 10 vẫn chưa được ban hành. Thực tế phần nhiều các trường THCS, THPT trên địa bàn thành phố vẫn chưa triển khai giảng dạy môn học này trong suốt gần 1 học kỳ.
"Nhà trường đang chờ tài liệu chính thức ban hành mới đưa vào giảng dạy nội dung giáo dục địa phương. Chương trình GDPT 2018, nhà trường được quyền linh động trong việc tổ chức giảng dạy, thiết kế chương trình, nên ngay cả khi nội dung giáo dục địa phương được giảng dạy vào học kỳ II cũng không ảnh hưởng nhiều đến việc kiểm tra, đánh giá học sinh, chỉ khó là có thể bị động trong thiết kế thời gian giảng dạy" - thầy Ngô Hùng Cường - Phó hiệu trưởng Trường THPT Trần Khai Nguyên (quận 5) cho hay.
Tương tự, thầy Nguyễn Hùng Khương - Phó hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1) - thông tin, do đầu học kỳ I chưa có tài liệu nội dung giáo dục địa phương lớp 10 nên nhà trường chưa tổ chức giảng dạy môn học này cho học sinh khối 10 mà chờ đến học kỳ II mới giảng dạy.
|
Đa phần các trường THCS, THPT tại TPHCM chưa triển khai giảng dạy nội dung giáo dục địa phương khối 7, khối 10 ở học kỳ I |
"Với 35 tiết/năm, trường đang tính toán thời lượng giảng dạy phù hợp trong học kỳ II để không ảnh hưởng đến các môn học khác đồng thời đảm bảo nội dung chương trình môn học" - thầy Khương nói.
Thầy Nguyễn Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường THCS Lê Văn Tám (quận Bình Thạnh) - cũng cho hay, năm học này trường mới chỉ giảng dạy nội dung giáo dục địa phương cho khối lớp 6. Với khối lớp 7, trường vẫn đang chờ tài liệu chính thức môn học được phê duyệt mới đưa vào giảng dạy.
Theo tính toán của Sở GD-ĐT TPHCM, để biên soạn bản "thô" tài liệu giáo dục địa phương cho một khối lớp thì phải mất ít nhất 6 tháng mới có thể hoàn thành. Hồi tháng 9/2022, trong buổi làm việc với Đoàn ĐBQH TPHCM, ông Lê Duy Tân - Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT TPHCM - bày tỏ: "Thử thách lớn nhất đối với đội ngũ xây dựng tài liệu giáo dục địa phương ở TPHCM là khi xây dựng xong, phải trình đi trình lại rất nhiều lần và cũng có rất nhiều sự phản biện xã hội để có tài liệu tốt nhất".
Được biết, hiện nay tài liệu giáo dục địa phương khối lớp 7, lớp 10 đã được Sở GD-ĐT TPHCM hoàn thiện khâu biên soạn, trình UBND TP và báo cáo Bộ GD-ĐT phê duyệt lần 2.
Sở GD-ĐT TPHCM hướng dẫn trường "chờ" duyệt tài liệu mới giảng dạy Đầu năm học 2022-2023, Phòng Giáo dục Trung học - Sở GD-ĐT TPHCM đã có hướng dẫn gửi trưởng phòng GD-ĐT các quận, huyện, TP Thủ Đức và hiệu trưởng các trường THPT trên địa bàn thành phố về tổ chức giảng dạy nội dung giáo dục địa phương lớp 7, lớp 10. Trong đó, phòng chuyên môn này thông tin về 8 chủ đề nội dung giáo dục địa phương của khối lớp 7, lớp 10, đồng thời hướng dẫn hiệu trưởng các trường trung học căn cứ vào các chủ đề nội dung giáo dục địa phương lớp 7, lớp 10 để phân công giáo viên dạy học môn học này trong năm học. Về việc giảng dạy, ngay sau khi tài liệu giáo dục địa phương được Bộ GD-ĐT phê duyệt, hiệu trưởng sẽ bổ sung kế hoạch giáo dục nhà trường, bố trí thời khóa biểu và triển khai tổ chức dạy học với thời lượng theo quy định. |
Quốc Trung