TPHCM cho phép trường quy đổi giờ dạy của giáo viên khi chuyển đổi số

10/10/2023 - 19:51

PNO - Sở GD-ĐT TPHCM cho phép các trường được quy đổi, tính giờ dạy cho giáo viên khi chuyển đổi số.

TPHCM đặt mục tiêu đến năm 2025 có tối thiểu 35% nội dung chương trình giáo dục bậc trung học được đưa lên hình thức trực tuyến và xây dựng được 50 trường học số chào mừng 50 năm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/2025).

Hiệu trưởng nhiều trường THPT thắc mắc, việc tổ chức dạy học trên nền tảng internet được áp dụng trong trường học như thế nào khi thực hiện chỉ tiêu này. 

Sở GD-ĐT TPHCM cho phép trường đề nghị quy đổi tính giờ dạy khi chuyển đổi số
Sở GD-ĐT TPHCM cho phép trường đề nghị quy đổi tính giờ dạy khi chuyển đổi số

Theo ông Lê Duy Tân - Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT TPHCM, việc đưa 35% nội dung chương trình giáo dục lên hình thức trực tuyến không có nghĩa là trường cắt xén tuỳ tiện giờ dạy thực tế đưa lên hình thức trực tuyến mà trường cần chú trọng xây dựng học liệu số. Nếu công sức của giáo viên khi xây dựng học liệu số mà vượt mức những nội dung chuyên môn chưa được quy định thì Giám đốc Sở GD-ĐT sẽ có thẩm quyền phê duyệt việc quy đổi tiết dạy trên cơ sở đề nghị của các cơ sở giáo dục. 

“Các trường THPT nếu thấy việc xây dựng học liệu số cần quy mô hơn, chuyên nghiệp hơn, cần có thù lao để đãi ngộ giáo viên thì có thể đề nghị quy đổi, tính giờ dạy trong quy định và thẩm quyền trình như sau: Cơ sở giáo dục xây dựng định mức, gửi văn bản đề xuất gửi lãnh đạo Sở. Các phòng ban của Sở sẽ tham mưu, phê duyệt quy đổi đó, tính toán kinh phí cho giáo viên” - ông Lê Duy Tân hướng dẫn.

Không tự ý tăng tải chương trình nhà trường để “vượt khung” thời khoá biểu

Tại Hội nghị giao ban THPT sáng 10/10, thầy Đỗ Đình Đảo - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4) chia sẻ, khi thực hiện dạy học 2 buổi/ngày về các chương trình nhà trường thì trường ưu tiên thực hiện các đề án lớn của thành phố như dạy tin học theo chuẩn quốc tế, dạy học ngoại ngữ, tăng cường thể dục thể thao, kỹ năng sống… Thuận lợi của trường là đã xin được sự đồng thuận của phụ huynh học sinh về việc tổ chức, về mức thu các đề án này. Tuy nhiên, khi đã có đồng thuận rồi thì xếp thời khoá biểu rất khó.

“Việc tổ chức dạy các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc theo Chương trình GDPT 2018 đã chiếm gần 30 tiết, thêm 1 số tiết buổi 2 nữa… Những tiết trong chương trình nhà trường, hoạt động ngoài giờ chính khoá lại thêm từ 4 - 6 tiết nữa, vậy thì không thể xếp 8 tiết/ngày từ thứ 2 - thứ 6, buộc phải “dôi dư” sang ngày thứ 7. Song, khi trường xin ý kiến phụ huynh về việc học ngày thứ 7 thì không đồng thuận, vì muốn con em được nghỉ ngơi. Do vậy, khi tổ chức thì lên thời khoá biểu 9 tiết/ngày…”- thầy Đảo nêu.

Thầy Đỗ Đình Đảo nêu băn khoăn tại hội nghị
Thầy Đỗ Đình Đảo nêu băn khoăn tại hội nghị

Hiệu trưởng này kiến nghị khi Bộ, Sở đã giao quyền tự chủ cho các trường thì nên chăng trao “cơ chế mở” cho nhà trường trong thực hiện các đề án của thành phố và xếp thời khoá biểu, miễn sao có sự đồng thuận của nhà trường.

Ông Lê Duy Tân - Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT TPHCM cho hay, khi tổ chức dạy học 2 buổi/ngày phải mang tính vừa sức, nếu dạy quá tải thì không mang lại hiệu quả. Nguyên tắc xếp thời khoá biểu không quá 8 tiết/ngày đã được Bộ GD-ĐT nghiên cứu, quy định, nhà trường không nên tăng tải khi đưa các chương trình nhà trường để ghép vào. 

Với riêng khối 12, ông lưu ý trường có thể tăng giờ học văn hoá buổi 2 nhưng phải giảm chương trình nhà trường, không nên áp dụng chương trình nhà trường quá nặng. Lộ trình các chương trình đề án Sở GD-ĐT cũng không áp đặt phải áp dụng cho học sinh cuối cấp. Đồng thời trường phải thông tin đến phụ huynh rằng với việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày thì quy định có thể học vào ngày thứ 7, không tự ý cắt 5 tiết ngày thứ 7 cho học sinh nghỉ. 

“Thiết kế dạy học 2 buổi/ngày phải đảm bảo tính vừa sức, tăng các hoạt động mang tính chuyên biệt. Dạy nhiều mà học sinh “tiêu hoá” không hết thì không mang lại kết quả. Vì thế, việc tổ chức dạy học phải đảm bảo quy định, Sở GD-ĐT không đồng thuận việc trường đưa thêm chương trình vào để vượt ngưỡng” - ông Tân nhấn mạnh. 

Đối với việc xây dựng chương trình nhà trường, hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khoá, ông Tân lưu ý trường phải tổ chức cho cha mẹ học sinh lựa chọn, trước khi tổ chức thực hiện. Và chủ động sắp xếp khoa học, hợp lý phù hợp với từng đối tượng học sinh. 

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI