Buổi công bố Quyết định xếp hạng và trao bằng xếp hạng di tích do UBND TPHCM tổ chức tại Sở Văn hóa – Thể thao (Số 164, P. Đồng Khởi, quận 1) diễn ra sáng nay (31/12).
Buổi công bố có sự tham dự của các đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; đồng chí Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM; đồng chí Trần Hữu Phước - Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM, Linh mục Hồ Văn Xuân, Tổng giám mục TP.HCM; ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao,… cùng đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể TPHCM.
|
5 di tích mới được xếp hạng đã nâng tổng số di tích được xếp hạng trên địa bàn TPHCM lên con số 177 - Ảnh: Q.T |
Theo Quyết định số 5386, 5387 ngày 24/12/2019, và các quyết định 5462, 5463, 5464 ngày 30/12/2019 của UBND TPHCM về xếp hạng di tích, lịch sử, văn hóa, danh lam, thắng cảnh thành phố cùng các nghị định, thông tư liên quan, UBND TPHCM quyết định xếp hạng di tích cấp thành phố đối với các di tích: Nhà thờ Thủ Thiêm (địa chỉ: 58 Khu phố 1, phường Thủ Thiêm, quận 2); Tu viện Hội dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm (số 76, Khu phố 1, phường Thủ Thiêm, quận 2); Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa (53 Nguyễn Du/ 20 Lý Tự Trọng, Phường Bến Nghé, quận 1); Trường THCS Võ Trường Toản (số 11 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Bến Nghé, quận 1) và Lăng Võ Tánh (số 19 Hồ Văn Huế, phường 9, quận Phú Nhuận).
|
Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa hơn 140 tuổi vừa chính thức được xếp hạng di tích cấp thành phố - Ảnh: Tam Nguyên |
Theo đó, mọi hoạt động xây dựng, khai thác trong khu vực di tích đã khoanh vùng đều bị nghiêm cấm. Trong trường hợp đặc biệt sử dụng đất, phải được sự cho phép của Chủ tịch UBND TP. Sở Văn hóa – Thể thao, UBND các quận, phường có nhiệm vụ thực hiện quản lí nhà nước đối với các di tích được xếp hạng theo Luật định.
Phát biểu chúc mừng 5 địa điểm được công nhận, xếp hạng di tích, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM khẳng định lại lần nữa vai trò của di sản văn hóa đối với quá trình phát triển của thành phố: “Với TP.HCM, di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn được hình thành trong suốt quá trình khai phá, xây dựng và phát triển của vùng đất Sài Gòn – TPHCM, là một bộ phận của văn hóa Việt Nam, là tài sản, là nguồn lực trong quá trình hội nhập và phát triển. Qua tìm hiểu di tích, có thể nhận ra trình độ phát triển trong quá khứ, tìm thấy lịch sử văn hóa – vật chất và tinh thần của hàng trăm năm qua”.
|
Mang nét đặc trưng kiến trúc mộ cổ vùng Nam Bộ, Lăng Võ Tánh vừa được xếp hạng di tích cấp thành phố - Ảnh: Tam Nguyên |
Với 5 tấm bằng di tích được xếp hạng mới, tính tới ngày 31/12/ 2019, trên địa bàn TP.HCM có 177 di tích được xếp hạng, trong đó, có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 50 di tích quốc gia, 2 di tích khảo cổ học, 30 di tích kiến trúc nghệ thuật, 24 di tích lịch sử, 114 di tích cấp thành phố và 100 công trình thuộc danh mục kiểm kê di tích giai đoạn 2016 – 2020.