Thúc đẩy an sinh xã hội
Căn nhà nhỏ trên đường Phạm Đôn, phường 10, quận 5 nhiều năm qua chỉ có 2 cụ già sinh sống: bà Lê Thị Tám (83 tuổi), bà Lê Thị Bê (95 tuổi). Nhà ít khi mở cửa. Bà Tám phân trần: “Chị gái nằm một chỗ, tôi đi đứng cũng khó khăn mà người thân chỉ còn mấy đứa cháu lâu lâu mới tới”. Nhưng sáng 13/1, bà Tám dậy thật sớm làm vệ sinh nhà cửa, gửi hàng xóm mua ít trái cây vì “nhà có khách, cô Lệ tới thăm”.
“Cô Lệ” mà bà Tám nhắc tới là Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ, hôm đó dẫn đầu đoàn đại biểu đến thăm những người tuổi cao neo đơn. “Cô Lệ gần gũi, ân cần, nhìn quanh coi chỗ ăn ở chu đáo chưa, hỏi thăm cặn kẽ về cuộc sống, sức khỏe. Tui xúc động quá, chỉ biết nắm tay cổ khóc” - bà Tám móm mém cười. Sau chuyến thăm của “cô Lệ” mấy hôm, bà được thông báo nhận thêm khoản tiền nhỏ, không biết do ai tặng. “Chị em tui được chăm lo dữ lắm. Hôm rồi, bên hội phụ nữ còn tặng suất hột vịt kho tàu để ăn tết” - bà Tám nói.
|
Phó bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải tặng quà tết cho trẻ mồ côi - Ảnh: Ngọc Quyên |
Trên chiếc tủ sát bên giường, bà đặt sẵn cuốn sổ ghi rất nhiều số điện thoại: cô Tú cán bộ phụ nữ, cô Trang trên phường, bác sĩ Quý ở trạm y tế… Theo bà Tám, ngoài 960.000 đồng trợ cấp cho 2 chị em hằng tháng, UBND phường 10 thỉnh thoảng thông báo mang tiền, quà đến trao, điều bà cảm kích nhất chính là sự quan tâm, động viên của “nhiều người quá, không nhớ nổi”.
Những số điện thoại trên đầu tủ cũng do từng người tự ghi lại, trao cho bà phòng khi cần đến.
Bà Trần Thiếu Quỳnh - 63 tuổi, ở phường 14, quận 4 - kể về kỷ niệm được Phó bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải đến thăm hôm 14/1: “Ổng thăm hỏi, chúc bà cháu tui đủ điều rồi còn dặn dò mấy người trong đoàn cùng nhau lo cho Nhi”. Phạm Lê Mẫn Nhi - 10 tuổi, học lớp Bốn, Trường tiểu học Xóm Chiếu - đang sống cùng cha và bà nội. Tháng 11/2021, mẹ Nhi qua đời do COVID-19. Theo bà Quỳnh, trước lúc ra về, ông Nguyễn Hồ Hải còn dặn bà ráng lo cho Nhi học hành, có khó khăn gì thì mạnh dạn báo với chính quyền, đoàn thể ở địa phương.
Từ nhiều năm qua, ở TPHCM, lãnh đạo các cấp, các đơn vị xem sự quan tâm, chăm lo cho người dân là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Bà Lê Thị Ngọc Dung - Phó chủ tịch UBND quận Bình Tân - kể, vừa qua, quận có nhiều doanh nghiệp khó khăn, phải cắt giảm lao động, giờ làm. Dù vậy, nhờ chuẩn bị kỹ các phương án phù hợp nên mọi việc đều êm thấm. Bà nói: “Dịp tết vừa qua, UBND, đoàn thể quận thường xuyên vận động doanh nghiệp chăm lo cho người lao động, đồng thời vận động công nhân chia sẻ khó khăn với chủ doanh nghiệp”.
|
Phó bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải thăm, chia sẻ mất mát và động viên em Phạm Lê Mẫn Nhi - Ảnh: Tuyết Dân |
Dịp tết Quý Mão, chính quyền, đoàn thể quận Bình Tân chăm lo tết cho các đối tượng hơn 54 tỉ đồng, trong đó gần 24 tỉ đồng vận động. Ngoài tặng quà, các đoàn thể còn hỗ trợ tàu xe cho công nhân về quê, tổ chức văn nghệ phục vụ các công nhân ở lại thành phố.
Nghị quyết Đảng bộ TPHCM nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra 26 chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội, trong đó có chỉ tiêu xây dựng 35.000 căn nhà ở xã hội. Ông Nguyễn Hữu Hiệp - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức - cho hay, sau 2 năm thành lập, TP Thủ Đức đã khởi công xây dựng hơn 2.500 căn nhà ở xã hội; dự kiến đến năm 2025, sẽ xây được 4.800 căn.
Kịp thời gỡ khó cho doanh nghiệp
Theo bà Lê Thị Ngọc Dung, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Bình Tân vừa tổ chức chương trình văn nghệ gây quỹ Vì người nghèo, qua đó vận động được gần 16,4 tỉ đồng. Số tiền này sẽ được dùng chăm lo các đối tượng trong năm 2023, tập trung vào các hộ nghèo, cận nghèo, công nhân có khó khăn, người mắc bệnh hiểm nghèo, giáo viên và học sinh các lớp học tình thương, trường chuyên biệt.
Tiến sĩ Bùi Thị Ngọc Trang nhận xét: “Tôi thấy thời gian qua, lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM thường xuyên tổ chức gặp gỡ, lắng nghe ý kiến, đối thoại với từng đối tượng cụ thể, thăm và làm việc trực tiếp ở các đơn vị cơ sở, đến từng địa bàn dân cư trao đổi, tiếp nhận ý kiến của người dân, doanh nghiệp để gỡ khó. Điều này thể hiện sự cầu thị, quan tâm sâu sát”.
|
Phó bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Hiếu tặng quà cho trẻ em mồ côi, người khuyết tật dịp tết Quý Mão 2023 - Ảnh: Tuyết Dân |
Bà Lê Thị Ngọc Dung cho hay, UBND quận có nhiều chương trình đồng hành cùng doanh nghiệp để phối hợp, kết nối, hỗ trợ. Trong năm 2022, các ngân hàng thương mại ở quận này đã giải ngân các gói tín dụng ưu đãi cho 2.100 doanh nghiệp với khoảng 25.500 tỉ đồng; UBND quận tổ chức 3 hội nghị tiếp xúc, gỡ khó cho doanh nghiệp, đồng thời nỗ lực cải cách hành chính để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.
Ông Nguyễn Hữu Hiệp cho biết, TP Thủ Đức hiện có gần 50.000 doanh nghiệp hoạt động. Đảng bộ, chính quyền và các đoàn thể TP Thủ Đức chủ trương tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp làm ăn, sản xuất. Ngoài cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, lãnh đạo TP Thủ Đức luôn đồng hành, lắng nghe và kịp thời cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. Chính quyền TP Thủ Đức cũng chỉ đạo cấp phường thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, hỗ trợ về thủ tục đất đai để doanh nghiệp sớm triển khai các dự án.
|
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên tặng bằng khen cho các cá nhân, tập thể hoàn thành xuất sắc công tác chăm lo tết Quý Mão 2023 |
Theo Sở Công Thương TPHCM, với những khó khăn hiện hữu của doanh nghiệp như đơn hàng sụt giảm, nguồn cung đứt gãy, sở đã xây dựng nhóm giải pháp gắn với thực hiện chủ đề năm 2023. Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc sở - khẳng định: “Chất lượng công vụ không dừng ở các thủ tục hành chính. Sự tương tác của sở, ngành phải đúng, nhanh, kịp thời để giải quyết khó khăn của doanh nghiệp”. Hiện, sở này đã có 99% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận các dịch vụ thuận lợi, nhanh chóng.
Những con số ấn tượng Theo UBND TPHCM, đến cuối năm 2022, việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đạt nhiều kết quả tích cực: 261.915 khách hàng được cơ cấu lại thời gian trả nợ với tổng dư nợ 47.653 tỉ đồng; 72.990 khách hàng được miễn giảm nợ với tổng tiền đạt 2.473 tỉ đồng; đã tiếp nhận và trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho 955 doanh nghiệp. Trong tháng 1/2023, toàn thành phố thu hút vốn dưới hình thức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước khoảng 179,04 triệu USD, tăng 73,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, có 50 dự án mới được cấp giấy chứng nhận với tổng vốn đầu tư đăng ký 86,86 triệu USD, tăng 28,2% số dự án cấp mới và tăng 127,8% vốn đầu tư so với cùng kỳ năm 2022. Từ đầu năm đến nay, TPHCM chưa ghi nhận đề nghị chấm dứt hoạt động dự án từ nhà đầu tư nước ngoài. Trong tháng 1/2023, toàn thành phố đã giải quyết việc làm cho 27.269 lượt người và tạo ra 12.565 chỗ làm mới; hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi 1.567,645 tỉ đồng; trợ cấp xã hội theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP cho 135.856 người với tổng tiền trên 147,283 tỉ đồng… |
*Lãnh đạo thành phố luôn đồng hành cùng doanh nghiệp Theo kế hoạch, thứ Sáu (17/2), UBND TPHCM sẽ tổ chức hội nghị gặp gỡ, lắng nghe các đề xuất của doanh nghiệp, với sự hiện diện của Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cùng các phó chủ tịch UBND TPHCM. Ngay từ đầu năm 2023, UBND TPHCM đã chỉ đạo các doanh nghiệp chuẩn bị báo cáo khó khăn, đề xuất giải pháp khi tham gia cuộc họp này. Lãnh đạo đảng bộ, chính quyền thành phố cũng chỉ đạo Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM tổ chức các hội nghị lắng nghe, tiếp xúc với doanh nghiệp định kỳ hằng quý. Tuy nhiên, bất cứ khi nào doanh nghiệp gặp khó, cần trao đổi thì lãnh đạo thành phố cũng sớm bố trí cuộc gặp gỡ, lắng nghe, không đợi phiên họp định kỳ. Hy vọng những khó khăn của doanh nghiệp về đứt gãy nguồn cung, nguy cơ lạm phát, tác động tiêu cực của tình hình chính trị thế giới, nguồn vốn ưu đãi đầu tư… sẽ được lãnh đạo thành phố lắng nghe và có giải pháp phù hợp trong hội nghị tới đây. (Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM) *Người dân thêm tin yêu hệ thống chính trị Sự hiện diện của lãnh đạo thành phố trong các buổi họp mặt, các sự kiện ở các địa phương, đơn vị thể hiện sự quan tâm sâu sắc và là niềm cổ vũ, động viên rất lớn đối với người dân, là một trong những yếu tố để người dân ngày càng tin yêu vào hệ thống chính trị. Tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc của nhiều người khi được lãnh đạo các cấp quan tâm. Tôi mong lãnh đạo thành phố, các cấp địa phương tiếp tục quan tâm, gần gũi, sâu sát với người dân, doanh nghiệp đồng thời chỉ đạo các cấp cơ sở thường xuyên báo cáo khó khăn để kịp thời giải quyết, khơi thông nguồn lực, nhất là với những việc mà cấp cơ sở chưa có thẩm quyền giải quyết. (Tiến sĩ Bùi Thị Ngọc Trang - Phó giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM) *Chính quyền cùng người dân vượt qua khó khăn Cuối năm 2022, tác động từ thế giới đã ảnh hưởng đến việc sản xuất của doanh nghiệp, đến việc làm, thu nhập của công nhân, người lao động, nhưng với sự chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, sự vào cuộc đầy trách nhiệm của các ngành, các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị… việc chăm lo cho nhân dân dịp tết vẫn được bảo đảm. Toàn thành phố đã chăm lo tết gần 1.300 tỉ đồng, tăng hơn 167 tỉ đồng so với tết Nhâm Dần 2022. Ngay sau tết, có khoảng 500 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng hơn 14.300 người lao động. Sở đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM tổ chức các phiên tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí cho người lao động để kết nối cung cầu lao động. Để thị trường lao động phát triển bền vững, ổn định, tới đây, sở tiếp tục rà soát, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, nhu cầu tuyển dụng, từ đó tăng cường tổ chức các phiên, sàn giao dịch việc làm trực tiếp và trực tuyến. Ngoài ra, sở sẽ tiếp tục tham mưu để UBND thành phố trình HĐND thành phố ban hành các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo đời sống người nghèo, người yếu thế, người có công, trẻ em mồ côi, người cao tuổi… đồng thời nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, thúc đẩy chuyển đổi số gắn với cải thiện môi trường đầu tư, thực hiện tốt công tác bình đẳng giới. (Ông Lê Văn Thinh - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM) |
Tuyết Dân