TPHCM: Chỉ 9% giáo viên tiểu học ngoài công lập đạt chuẩn đào tạo

02/10/2022 - 12:05

PNO - Tính đến thời điểm này, chỉ 9% giáo viên tiểu học ngoài công lập tại TPHCM đạt chuẩn trình độ đào tạo. Con số này ở trường công lập là 74%.

Trao đổi về tình hình giáo viên tiểu học hiện nay, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc thông tin, năm học 2022-2023, toàn thành phố có 24.849 giáo viên trong và ngoài công lập; 32.146 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên.

Bình quân, tỷ lệ giáo viên tiểu học/lớp là 1,36. Tỷ lệ này chưa đáp ứng đúng quy định định mức là 1,5 giáo viên/lớp, chưa đủ để tổ chức dạy đủ các môn học và dạy học 2 buổi/ngày.

"Khi dạy học 2 buổi/ngày thì số giáo viên sẽ tăng, việc đảm bảo một giáo viên dạy nhiều môn/lớp là một trong những thách thức đối với một số quận huyện có tỷ lệ phòng học/lớp còn thấp, tỷ lệ giáo viên/lớp chưa đáp ứng được yêu cầu", ông Nguyễn Bảo Quốc nhận định.

Thông tin thêm về chuẩn trình độ đào tạo giáo viên theo yêu cầu của Luật Giáo dục 2019, ông Nguyễn Bảo Quốc cho biết, số giáo viên tiểu học đạt chuẩn đào tạo và trên chuẩn theo Luật Giáo dục 2019 trên toàn thành phố hiện đạt 83%, trong đó 9% là giáo viên ngoài công lập và 74% giáo viên công lập. Ông nhấn mạnh, các cơ sở giáo dục, nhất là các cơ sở ngoài công lập cần đặc biệt quan tâm số giáo viên chưa đạt chuẩn đào tạo để đáp ứng yêu cầu giảng dạy trong thời gian tới

 

Chỉ 9% giáo viên tiểu học ngoài công lập TPHCM đạt chuẩn trình độ đào tạo
Tại TPHCM, chỉ 9% giáo viên tiểu học ngoài công lập đạt chuẩn trình độ đào tạo

Luật Giáo dục 2019 quy định, chuẩn trình độ đào tạo đối với giáo viên tiểu học phải có bằng cử nhân trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên. Với môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo, giáo viên phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

Theo Nghị định 71/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn đào tạo. Đối với bậc tiểu học, lộ trình thực hiện nâng chuẩn sẽ được thực hiện từ 1/7/2020 đến hết ngày 31/12/2030, với 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1 (từ ngày 1/7/2020 đến hết ngày 31/12/2025) đảm bảo ít nhất 50% số giáo viên đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng cử nhân. Giai đoạn 2 (từ ngày 1/1/2026 đến hết ngày 31/12/2030) thực hiện đối với số giáo viên còn lại, đảm bảo 100% giáo viên hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng cử nhân. 

Dù vậy, hiện nay, khó khăn khi nâng chuẩn trình độ đào tạo là không có nơi để giảng dạy nâng chuẩn. Nhiều trường cho biết, đôi khi giáo viên phải ra tận Vinh, Huế để học nâng chuẩn, rất vất vả và tốn kém.

Chia sẻ về vấn này, ông Võ Văn Thật - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sài Gòn - thừa nhận, hiện nay tỷ lệ giáo viên tại TPHCM chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục 2019 còn quá lớn. Thế nhưng, tại 2 trường đại học đào tạo sư phạm là ĐH Sư phạm TPHCM và ĐH Sài Gòn, số chỉ tiêu nâng chuẩn được quy định hàng năm rất ít, chỉ 20% chỉ tiêu. Riêng ĐH Sài Gòn, chỉ tiêu nâng chuẩn đào tạo mỗi năm chỉ là 180.

"ĐH Sài Gòn đã có công văn gửi UBND TPHCM, đồng thời xin thêm 800 chỉ tiêu mỗi năm để đáp ứng nhu cầu nâng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên thành phố trong thời gian tới", ông Võ Văn Thật chia sẻ.

Quốc Trung 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI