TPHCM: Chăm lo mọi mặt, tri ân sâu sắc người có công

25/04/2025 - 06:45

PNO - Trong những ngày tháng Tư lịch sử, hướng đến 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, lòng biết ơn với những người, những gia đình có công với đất nước càng trở nên sâu đậm. Tại TPHCM, công tác đền ơn đáp nghĩa được thực hiện bền bỉ từ nhiều năm qua, nay càng trở nên thiết thực.

Chăm lo cho những người còn sống

Dù đã 10 tháng trôi qua, nhưng bà Nguyễn Thị Chua (phường Tân Thuận Đông, quận 7, TPHCM) - thân nhân liệt sĩ - vẫn chưa hết cảm giác hạnh phúc được ở trong ngôi nhà mới khang trang. Trước đó, cả nhà bà chen chúc trong căn nhà cũ xập xệ, ẩm thấp, mưa là ngập tràn, không dám mơ đến ngày sửa sang được căn nhà.

Ngôi nhà mới được hoàn thành không chỉ nhờ vào nguồn kinh phí từ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của quận, mà còn là kết tinh của tình làng nghĩa xóm: người góp gạch, người cho xi măng, người góp ngày công… Mỗi bàn tay, mỗi tấm lòng đã cùng nhau làm nên mái ấm cho thân nhân những người đã hy sinh máu xương cho Tổ quốc. Bà Chua xúc động: “Thấy nhà cửa tươm tất, tôi mừng, mừng lắm!”.

Sau những trận chiến khốc liệt ở biên giới Tây Nam, ông Nguyễn Văn Lực (ngụ quận 3) xuất ngũ, trở về cuộc sống đời thường với thương tật lên đến 81%. Không còn khả năng lao động, điều khiến ông trăn trở nhất là tương lai của 2 con gái đang tuổi học hành.

Nhưng rồi, chính sách chăm lo người có công như một bàn tay nâng đỡ ông và gia đình. Ông Lực được hưởng trợ cấp và phụ cấp hằng tháng với số tiền 10,5 triệu đồng, giúp gia đình trang trải các chi phí sinh hoạt cơ bản. Khoản hỗ trợ ấy không chỉ giúp gia đình ông vơi bớt gánh nặng kinh tế, mà còn khơi dậy niềm tin rằng: người có công với đất nước sẽ không bị bỏ lại phía sau. Các con ông cũng được hưởng chế độ ưu đãi về giáo dục, đào tạo.

“Con tôi đi học được miễn phí hoàn toàn, từ học phí cho đến bảo hiểm y tế. Nhờ sự quan tâm của chính quyền thành phố, gia đình tôi mới có thể vượt qua những tháng ngày chật vật, lo cho tương lai các con” - ông Lực xúc động.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những thương binh sống giữa thời bình vẫn phải vượt qua một cuộc chiến khác - đó là nỗi đau về thể xác, khó khăn trong việc mưu sinh và cả những tổn thương tinh thần. Chính vì vậy, việc chăm lo đời sống cho thương binh nặng, thân nhân liệt sĩ được chính quyền TPHCM xác định là nhiệm vụ trọng tâm với nhiều chính sách đặc thù, đồng bộ và thiết thực.

Theo Sở Nội vụ, TPHCM đang quản lý hơn 279.000 hồ sơ người có công, trong đó chi trả trợ cấp hằng tháng cho 34.746 lượt với kinh phí hơn 73 tỉ đồng. Trong 12.930 thương binh hưởng trợ cấp có 1.700 thương binh nặng và 101 thương binh đặc biệt nặng (tỉ lệ thương tật trên 81%). Sở cũng vận động xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” hơn 188 tỉ đồng, góp phần nâng cao đời sống cho các gia đình chính sách.

Bên cạnh chính sách hỗ trợ theo quy định của trung ương, Nghị quyết 126/2016/NQ-HĐND do HĐND TPHCM ban hành bổ sung nhiều khoản hỗ trợ từ ngân sách thành phố, như: thương binh, bệnh binh đặc biệt nặng và một số đối tượng khó khăn được hưởng 2 triệu đồng/tháng/người; hỗ trợ cấp bù kinh phí trang bị phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình cho người có công và thân nhân của người có công.

Tri ân những người đã nằm xuống

Không chỉ chăm lo người còn sống, việc tri ân những người đã nằm xuống cũng luôn được quan tâm. Hiện nay trên địa bàn thành phố có 7 nghĩa trang liệt sĩ. Công tác quản lý, tôn tạo, duy trì, bảo dưỡng, nâng cấp các nghĩa trang, đền đài luôn được chú trọng.

Được thành lập vào tháng 12/1977, Nghĩa trang Liệt sĩ TPHCM (TP Thủ Đức) có diện tích trên 293.000m2, là nơi an nghỉ của hơn 14.000 anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và bảo vệ Tổ quốc sau năm 1975.

Ai đã một lần đặt chân đến đồi không tên đều ấn tượng với bức tượng Bà mẹ Việt Nam nâng niu trên tay lá cờ Tổ quốc. Đó là hình tượng người phụ nữ Việt Nam chịu nhiều mất mát, những người mẹ đã hy sinh chồng, con, cháu và cả bản thân mình cho đất nước.

Các cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia chiến dịch mùa xuân 1975 từ các tỉnh, thành trong cả nước  về thăm TPHCM sau 50 năm thống nhất, theo lời mời của chính quyền TPHCM
Các cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia chiến dịch mùa xuân 1975 từ các tỉnh, thành trong cả nước về thăm TPHCM sau 50 năm thống nhất, theo lời mời của chính quyền TPHCM

Nhiều thân nhân liệt sĩ từ các tỉnh xa mỗi lần vào TPHCM thăm viếng người thân đều canh cánh nỗi lo: ở đâu, ăn uống thế nào giữa thành phố đắt đỏ? Hiểu được nỗi lo ấy, Ban quản lý Nghĩa trang Liệt sĩ TPHCM đã chủ động xây 9 phòng lưu trú miễn phí với tiện nghi cơ bản để người thân liệt sĩ nghỉ ngơi. Ngoài ra, nghĩa trang còn vận động tạo bếp ăn miễn phí, giúp người thân đỡ một phần chi phí.

“Chúng tôi chỉ mong người thân liệt sĩ khi đến với nghĩa trang sẽ thấy lòng mình ấm áp hơn, không chỉ cảm thấy yên tâm, thuận tiện, mà còn cảm nhận được tình cảm của chính quyền và nhân dân thành phố mang tên Bác” - ông Hồ Văn Nghĩa - Phó ban phụ trách nghĩa trang - chia sẻ.

Chính sự quan tâm ấy đã chạm đến trái tim của những người như ông Phan Quốc Kiều - thân nhân liệt sĩ Phan Thanh Cảnh, quê ở Can Lộc, Hà Tĩnh. Hơn 20 năm trước, gia đình ông Kiều nhận được tin báo tìm thấy phần mộ người anh ruột tại Nghĩa trang Liệt sĩ TPHCM. Kể từ đó, hằng năm, gia đình ông Kiều đều đặn vào thăm viếng.

Ông Kiều nói: “Cảnh quan ở đây rất đẹp, mộ phần cao ráo, sạch sẽ. Các cán bộ quản trang đón tiếp tận tình, chu đáo. Nhà lưu trú mát mẻ, đầy đủ tiện nghi. Phải nói là rất tuyệt vời, không nơi nào làm tốt như TPHCM”.

Trong dòng chảy tri ân bền bỉ, công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ thiêng liêng và trọng tâm của hoạt động đền ơn đáp nghĩa.

Nhiều năm qua, UBND TPHCM đã thường xuyên chỉ đạo các ban, ngành, nòng cốt là Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (nay là Sở Nội vụ), phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư lệnh thành phố cùng các đơn vị, địa phương như Bình Dương, Đồng Nai… để tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ.

Từ năm 2014-2024, TPHCM đã tổ chức an táng trang trọng cho 189 hài cốt liệt sĩ, trong đó 139 trường hợp có danh tính, 50 trường hợp chưa xác định được thông tin. Mỗi lễ truy điệu, mỗi ngôi mộ mới là một nén tâm nhang mà chính quyền và nhân dân thành phố gửi tới những người đã yên nghỉ, cũng là lời hồi đáp cho những thân nhân mỏi mòn ngóng đợi.

Tuy nhiên, quá trình xác minh hài cốt liệt sĩ gặp không ít khó khăn khi chiến tranh và những bất cập trong lưu trữ đã làm mất đi không ít hồ sơ, dấu tích; nhiều bia mộ không còn rõ thông tin; nhân chứng thì ngày càng lớn tuổi, trí nhớ hao mòn. Đặc biệt, do chôn cất quá lâu, phần lớn hài cốt nay đã mủn nát, phân hủy, rất khó khăn cho công tác xác minh.

Để từng bước khắc phục, năm 2024, UBND TPHCM đã ban hành kế hoạch triển khai việc thu nhận mẫu ADN của thân nhân liệt sĩ chưa xác định danh tính. Đồng thời, xây dựng quy chế phối hợp giữa Sở Nội vụ và Công an thành phố để rà soát, bổ sung dữ liệu.

Ngày 18/4 vừa qua, Công an TPHCM phối hợp Sở Nội vụ tổ chức thu mẫu ADN cho thân nhân liệt sĩ chưa xác định danh tính.

Thượng tá Hồ Thị Lãnh - Phó trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06), Công an TPHCM - cho hay, trong đợt này, các đơn vị thu nhận mẫu ADN cho 64 thân nhân họ ngoại của 33 liệt sĩ chưa xác định được danh tính. Trong đó có 1 trường hợp là Mẹ Việt Nam anh hùng, 31 trường hợp là mẹ đẻ của liệt sĩ và 32 trường hợp là thân nhân họ ngoại.

Đây là một trong những nỗ lực tìm lại tên tuổi, để đưa các anh hùng liệt sĩ trở về với gia đình, đồng đội và nhân dân, góp phần tri ân sự hy sinh lớn lao, xoa dịu nỗi đau âm ỉ suốt nhiều năm của biết bao gia đình liệt sĩ.

Hoàn thành cải thiện 346 căn nhà tình nghĩa trước 30/4/2025

Theo Sở Nội vụ TPHCM, tính đến ngày 31/3/2025, thành phố hoàn thành cải thiện nhà ở cho 342/346 căn nhà tình nghĩa, đạt tỉ lệ 98,84%. 4 căn còn lại sẽ hoàn thành trước ngày 30/4/2025.

Song song đó, công tác chỉnh trang các nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm, đền thờ và nhà bia ghi tên liệt sĩ cũng được đẩy mạnh. Thành phố đã hoàn thành 88/98 công trình với tổng kinh phí hơn 258 tỉ đồng. 10 công trình còn lại đang được tiếp tục hoàn thiện.

Đặc biệt, chính quyền thành phố còn tổ chức chu đáo việc mời và đón tiếp các đoàn đại biểu là cán bộ, chiến sĩ và những người trực tiếp tham gia cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 từ các tỉnh, thành trong cả nước về thăm TPHCM.

Phạm Luận

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI