TPHCM: Cấp tốc ngăn chặn bệnh sởi bùng phát

14/08/2024 - 05:59

PNO - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, từ đầu năm đến nay có 346 ca được chẩn đoán mắc bệnh sởi trong số 597 ca sốt phát ban nghi sởi được ghi nhận tại cộng đồng và các cơ sở y tế.

Bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 khám cho bệnh nhi mắc bệnh sởi
Bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 khám cho bệnh nhi mắc bệnh sởi

Nhiều trường hợp nặng

Liên tục vào ra phòng cấp cứu tại Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM), chị Nguyễn Kim Mai thấp thỏm không yên hướng mắt về giường bệnh của con gái mình - bé P.T.T. (hơn 1 tuổi, ở tỉnh Kiên Giang). Bé T. được chẩn đoán bệnh sởi biến chứng nặng chỉ sau 3 ngày nhập viện. Hiện bé vẫn sốt cao, li bì, được các bác sĩ theo dõi liên tục.

Trước đó, bé T. bị sốt nhẹ, ho, đàm nhiều, đi bác sĩ gần 10 ngày nhưng các cơn ho, sốt vẫn tái đi tái lại. “Mấy ngày trước, con đột ngột sốt cao, ho sặc sụa, không chịu ăn uống, chỉ nằm ngủ…, tôi liền nói chồng đưa con thẳng đến Bệnh viện Nhi Đồng 1” - chị Mai kể. Khi vừa đến bệnh viện, khắp người bé T. phát ban, kèm sốt cao, thở mệt, các bác sĩ lập tức thăm khám, xét nghiệm. Kết quả, bé T. bị sởi giai đoạn nặng, biến chứng viêm phổi phải nhập viện. Theo chị Mai, khi mới sinh, bé T. liên tục mắc bệnh về hô hấp, nên gia đình chưa thể tiêm vắc xin ngừa sởi cho bé.

Còn bé M.N.T. (11 tháng tuổi, ở huyện Hóc Môn, TPHCM) được bác sĩ ngày đêm thăm khám, chăm sóc mới kiểm soát được bệnh sởi. Trước đó, bé bị sốt xuất huyết, nằm bệnh viện điều trị nửa tháng mới hết bệnh. Về nhà mới được 1 tuần, bé lại bị sốt ho, sổ mũi. Nghĩ bé chỉ cảm thông thường, gia đình tự mua thuốc cho bé uống. 2 ngày sau, bé nổi ban đỏ khắp người, khó thở, nên gia đình đưa trở lại bệnh viện cấp cứu.

Bà Nguyễn Thị Tuyền - bà ngoại bé - cho biết: “Gần nhà không ai bị sởi nên gia đình không nghĩ bé mắc bệnh này. Lúc bé hơn 8 tháng, cha mẹ cũng dự định chờ đủ ngày sẽ cho tiêm vắc xin ngừa sởi. Nhưng tới ngày tiêm, bé bị bệnh cảm, viêm phế quản nên hoãn lại. Từ 1 tháng tuổi, bé bị bệnh đường ruột, sau đó viêm tiểu phế quản, bị bệnh vặt… nên chưa kịp tiêm ngừa thì đã mắc sởi”. Hơn 10 ngày nhập viện, bé N.T. vẫn còn phải thở ô xy, bác sĩ tiếp tục theo dõi sát sức khỏe của bé.

Bệnh sởi đã xảy ra tất cả các mùa trong năm

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Dư Tuấn Quy - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 - trước đây sởi chỉ xuất hiện vào mùa đông xuân, tuy nhiên hiện nay bệnh sởi đã xảy ra tất cả các mùa. Chỉ riêng Khoa Nhiễm - Thần kinh đã có 52 trẻ nhập viện do sởi, trong đó, có 8 ca nặng. Đa số trẻ nhập viện điều trị chưa được tiêm vắc xin ngừa sởi, hoặc đã tiêm 1 mũi, nhưng cha mẹ quên, trì hoãn mũi thứ hai. “Thời gian tới, dự báo số ca sởi vẫn sẽ còn tăng. Vì vậy, phụ huynh hãy cho con em mình tiêm ngừa vắc xin sởi” - ông nói.

Đáng lo ngại, người dân thường tự mua thuốc điều trị cho trẻ cho đến khi trẻ thở mệt, nổi ban nhiều nơi mới đưa vào bệnh viện. Điều này làm trẻ bị trễ điều trị khá dài (từ 5-7 ngày). Chưa kể thuốc tự mua ngoài có kháng sinh hay có thành phần corticoid.

“Bản thân bệnh sởi đã làm suy giảm miễn dịch của trẻ. Một trong những phương pháp điều trị sởi là không được dùng corticoid vì sẽ suy giảm miễn dịch nặng hơn, rất dễ bội nhiễm vi trùng và các tác nhân khác, khiến bệnh càng nặng hơn. Thực tế, đã có trẻ bị biến chứng hô hấp, nhiễm trùng máu, viêm não, biến chứng ruột, thậm chí suy dinh dưỡng sau này…” - bác sĩ Dư Tuấn Quy chia sẻ.

Vì vậy, nếu phát hiện trẻ sốt, phát ban kèm ho, sổ mũi, mắt đỏ… phải nghĩ ngay đến sởi. Cha mẹ bình tĩnh cách ly trẻ bệnh với trẻ lành; tắm rửa sạch sẽ, mặc đồ thoáng mát cho trẻ, kiểm tra diễn tiến bệnh, nếu trẻ bị sốt nhẹ, cho uống thuốc hạ sốt. Phụ huynh chia nhiều cữ ăn, bổ sung vitamin A đảm bảo trẻ đủ dinh dưỡng. Trường hợp trẻ sốt trên 3 ngày, diễn tiến bệnh nặng hơn hay cha mẹ không đánh giá được tình hình bệnh, hãy đưa con đến bệnh viện.

Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, sởi là bệnh lây qua đường hô hấp do vi rút. Mức độ lây của sởi cao, dữ dội hơn COVID-19. Trung bình 1 ca mắc bệnh sởi có thể lây cho 12-18 ca khác, còn 1 ca COVID-19 chỉ lây từ 2-5 người. Vì vậy, ngành y tế và người dân không nên chủ quan với sởi.

Tiêm bù, tiêm bổ sung vắc xin sởi

Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, do đại dịch COVID-19, nguồn cung ứng vắc xin ngừa sởi bị đứt gãy nên sự bao phủ vắc xin giảm, vì vậy mà sởi quay trở lại. Sởi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng như các bệnh về vi rút khác, đa phần sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, những trẻ thuộc nhóm bệnh suy giảm miễn dịch, bệnh mạn tính, ung thư… mắc sởi sẽ rất dễ bị diễn tiến nặng. Một trong những vấn đề cần tập trung là kiểm soát dịch bệnh trong cộng đồng, bằng cách nâng cao độ bao phủ vắc xin. Nếu đạt 95% độ bao phủ, thành phố sẽ kiểm soát hoàn toàn sởi.

Sở Y tế TPHCM đang tích cực triển khai các biện pháp phòng ngừa, điều trị hiệu quả sởi. Đặc biệt là tiêm bù mũi vắc xin ngừa sởi cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng nhưng chưa tiêm đủ. Đồng thời, triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin cho trẻ từ 1-5 tuổi, bao gồm cả trường hợp trẻ mắc bệnh mạn tính. Trung tâm y tế các quận, huyện rà soát lập danh sách tất cả trẻ từ 1-5 tuổi hiện sinh sống trên địa bàn, chú ý các trẻ tại mái ấm, cơ sở bảo trợ. Các bệnh viện lập danh sách trẻ bị bệnh mạn tính, bệnh nền đang được bệnh viện quản lý và tư vấn tiêm chủng tại bệnh viện cho trẻ nếu đủ điều kiện, trẻ mắc bệnh mạn tính không có chống chỉ định tiêm vắc xin.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI