PNO - UBND TPHCM chọn chủ đề năm 2021 là xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư. Cải thiện môi trường đầu tư là nội dung được quan tâm nhiều nhất tại kỳ họp thứ 23 HĐND TPHCM khóa IX, diễn ra từ ngày 7-9/12.
HĐND, UBND TPHCM xác định, trong năm 2021, sẽ tiếp tục thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế”. Trong khi đó, trong năm 2020, thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài, đang chậm lại. Năm 2020, đầu tư nước ngoài vào TPHCM giảm 51,98% so với năm 2019. Tính chung trong giai đoạn 2016-2019, vốn đầu tư nước ngoài vào một dự án tại TPHCM bình quân đạt 2 triệu USD, nhưng trong năm 2020, con số này chỉ còn 500.000 USD.
Một trong những lý do khiến việc thu hút đầu tư của TPHCM khó khăn là chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) có xu hướng giảm, trong đó, môi trường đầu tư là điều khiến các doanh nghiệp lo ngại. Điển hình là việc giải quyết thủ tục hành chính chậm chạp, gây phiền nhiễu, khó khăn cho doanh nghiệp. Theo đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, chỉ số tiếp cận đất đai của TPHCM hiện cũng quá thấp. Đơn cử, năm 2012, HĐND TPHCM thông qua nghị quyết về xóa, giảm các dự án treo do không có năng lực triển khai thực hiện. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nghị quyết, UBND TPHCM chủ yếu hướng đến việc xử lý các trường hợp xây dựng trái phép, không phép, không quan tâm đến việc xóa tình trạng “treo”. Điều này dẫn đến không phát huy được nguồn lực đất đai cho đầu tư phát triển, trong khi người dân cũng không làm được gì với khu đất đó.
Liên quan đến chỉ số PCI, đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm phân tích, từ năm 2016-2018, thứ hạng PCI của TPHCM lần lượt là 8-8-10 và năm 2019, vượt khỏi top 10, tụt xuống vị trí thứ 14. Thừa nhận điều này, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TPHCM - nói: “Để TPHCM đạt chỉ tiêu vào nhóm năm địa phương đứng đầu cả nước về chỉ số PCI là rất khó khả thi”. Theo ông Phong, không phải TPHCM không nỗ lực, mà do các địa phương khác làm tốt hơn. Từ đó, PCI của TPHCM vẫn cứ tụt hạng.
Cải cách hành chính ở TPHCM đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa đáp ứng mong mỏi của người dân - Ảnh: Đỗ Minh
Việc cải thiện môi trường đầu tư, phương thức quản lý và xúc tiến đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài vào TPHCM hiện là nội dung cấp bách, nhưng trách nhiệm dẫn đến tụt dốc trong thời gian qua lại không biết thuộc về tập thể, cá nhân nào. Liên quan đến nội dung này, cách đây vài hôm, ông Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, phụ trách theo dõi và chỉ đạo Đảng bộ TPHCM cho đến kết thúc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII - cho rằng do có sự chồng chéo trong công tác quản lý, chưa có cải cách, đột phá trong quản lý và xúc tiến đầu tư. Ông Nhân cho rằng, TPHCM phải phấn đấu tiến đến quy trình thủ tục đáp ứng năm yêu cầu khi giải quyết hồ sơ cho nhà đầu tư: có thời gian, có địa chỉ người chịu trách nhiệm, có sự tham gia ý kiến của doanh nghiệp, có sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc và HĐND, có chế tài và khen thưởng.
Quy trách nhiệm cho người đứng đầu
“Cải thiện môi trường đầu tư là đòi hỏi rất bức thiết của TPHCM” - ông Nguyễn Thành Phong nhận định. Ông cho biết, tới đây, TPHCM sẽ thực hiện nhiều giải pháp. Trước mắt, TPHCM đẩy mạnh rà soát các doanh nghiệp gặp khó khăn để tháo gỡ tất cả khâu sản xuất, kinh doanh, đầu tư, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ khi loại hình doanh nghiệp này chiếm đến 98% tổng số doanh nghiệp tại TPHCM. Đối với các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh trong những tháng qua, TPHCM đã triển khai gói hỗ trợ với số tiền 611 tỷ đồng, gia hạn 8.800 tỷ đồng tiền thuế cho doanh nghiệp. Mới đây, UBND TPHCM đã lấy ý kiến về việc thực hiện gói hỗ trợ thứ hai, dự kiến sẽ hỗ trợ tín dụng với mức lãi suất 0% cho doanh nghiệp khó khăn thuộc một số nhóm ngành với kinh phí dự kiến hơn 4.000 tỷ đồng.
Tiếp đến, TPHCM chú trọng tập trung phát triển những sản phẩm chủ lực, có giá trị gia tăng cao và phát triển theo chiều sâu trên nền tảng công nghiệp công nghệ cao và chuyển đổi số, kinh tế số, đồng thời chuyển đổi hướng phát triển phù hợp trong tình hình dịch bệnh, như sẽ thúc đẩy du lịch nội địa thông qua kết nối với các địa phương như 13 tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và với các tỉnh Tây Bắc, miền Trung… Trong nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, TPHCM cũng đã thành lập các hội đồng phát triển theo từng ngành với sự tham gia của Nhà nước, chuyên gia và doanh nghiệp để nắm bắt cụ thể các khó khăn và đưa ra định hướng phát triển riêng.
Ông Phong nói: “TPHCM sẽ đề cao trách nhiệm người đứng đầu các sở, ngành, quận, huyện trong tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Nơi nào bị doanh nghiệp phản ánh thì người đứng đầu nơi đó phải chịu trách nhiệm, nhất là chủ tịch UBND các quận, huyện”. Ông yêu cầu các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư; cải cách thủ tục hành chính có liên quan đến công tác đầu tư của doanh nghiệp; tiếp tục kêu gọi đầu tư theo từng giai đoạn, lĩnh vực ưu tiên và có sự ưu tiên mời gọi các nhà đầu tư sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ mới với hàm lượng chất xám cao. “UBND TPHCM kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi làm ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư” - ông Phong khẳng định.
TP.HCM chưa thu hút được chuyên gia giỏi
Tháng 7/2019, UBND TPHCM đã ban hành quyết định về chính sách thu hút và phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt đối với các lĩnh vực mà thành phố có nhu cầu, giai đoạn 2019-2022. Tuy nhiên, đến nay, chính sách trên vẫn chưa thu hút được chuyên gia nào. Trăn trở này được các đại biểu nêu ra tại kỳ họp thứ 23 HĐND TPHCM khóa IX.
Ông Huỳnh Thanh Nhân - Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM - cho biết đến nay, các lĩnh vực đang cần người tài là văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và một số đơn vị như Ban Quản lý Khu công nghệ cao, Viện Khoa học công nghệ nhưng chưa có người nào đầu quân. Ông Nhân bày tỏ: “Đây là đề án mới nên cần nhiều thời gian và ngân sách phù hợp”.
Người dân vẫn tiếp tục “đi tới đi lui” làm thủ tục
Đại biểu Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM - cho biết thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc được Thành ủy TPHCM giao nhiệm vụ khảo sát sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của các đơn vị. Mặt trận Tổ quốc đã gặp người dân, doanh nghiệp để gửi phiếu đánh giá, ghi nhận ý kiến sau khi họ được các sở, ngành, UBND các cấp giải quyết thủ tục hành chính. “Chúng tôi nhận thấy, có dấu hiệu người dân phải đi lại nhiều lần hơn” - bà Châu nói. Bà đơn cử, đến ngày trả kết quả giải quyết hồ sơ nhưng cán bộ đưa ra các lý do chưa giải quyết khiến người dân, doanh nghiệp đành phải quay về. Thậm chí có khi, gần đến ngày nhận kết quả thì họ bị trả hồ sơ, yêu cầu làm lại từ đầu.
UBND TPHCM có thêm hai phó chủ tịch
Chiều 8/12, các đại biểu dự kỳ họp thứ 23 HĐND TPHCM khóa IX đã bầu bổ sung hai phó chủ tịch UBND TPHCM nhiệm kỳ 2016-2021. Kết quả, bà Phan Thị Thắng - Phó chủ tịch HĐND TPHCM - và ông Lê Hòa Bình - Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM - trúng cử với tỷ lệ phiếu bầu lần lượt là 76% và 80%.
Nhận nhiệm vụ, bà Phan Thị Thắng cam kết sẽ tập trung thực hiện các giải pháp cho các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao; triển khai chiến lược phát triển du lịch TPHCM đến năm 2030; kêu gọi đầu tư vào hạ tầng du lịch; tăng cường mối quan hệ liên kết vùng nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tạo cơ hội cho doanh nghiệp du lịch phục hồi nhanh; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài chính công, ngân sách đáp ứng yêu cầu phát triển của TPHCM. Còn ông Lê Hòa Bình cam kết thúc đẩy việc thu hút các nguồn lực để giải quyết các vấn đề cấp bách như phát triển nhà ở, chỉnh trang đô thị; thu hút đầu tư xây dựng khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông, khu đô thị Thủ Thiêm, khu đô thị lấn biển Cần Giờ; khắc phục tình trạng chậm trễ về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư…
Chiều 6/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp mặt, biểu dương Đội tuyển bóng đá nam quốc gia sau khi đội tuyển giành chức vô địch ASEAN Mitsubishi Electric Cup™ 2024.