TPHCM: Cảnh báo bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết vào cao điểm

12/07/2023 - 07:00

PNO - Từ cuối tháng Sáu đến đầu tháng 7/2023, TPHCM ghi nhận có hơn 1.000 ca mắc bệnh tay chân miệng, tăng gấp 2 lần so với 4 tuần trước. Trong đó, quận 8, quận 6, Bình Tân, Tân Phú, huyện Bình Chánh có số ca tay chân miệng cao. Bên cạnh đó, có 167 ca mắc sốt xuất huyết, phần lớn ở các quận 1, 8, Bình Thạnh, Bình Tân và huyện Bình Chánh. Trước tình hình trên, TPHCM đã có cảnh báo bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết vào cao điểm.

Có trẻ mắc tay chân miệng lần thứ hai, ba

Những ngày qua, số lượng bệnh nhi mắc tay chân miệng đến khám, điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 chiếm đa số so với các bệnh khác. Trong đó, khoảng 100 bệnh nhi nhập viện mỗi tuần. Đa số trẻ mắc tay chân miệng độ 2A, một phần ba trẻ diễn tiến nặng với độ 2B, 3, 4. Một số trẻ được đưa đến bệnh viện trong tình trạng sốt cao, giật mình liên tục… Thậm chí, có trẻ mắc tay chân miệng lần thứ hai, ba.

Người thân chăm sóc cho bé gái 12 tuổi, ở TPHCM, bị sốt xuất huyết nặng điều trị tại Phòng Cấp cứu của Khoa Sốt xuất huyết - Huyết học Bệnh viện Nhi Đồng 1
Người thân chăm sóc cho bé gái 12 tuổi, ở TPHCM, bị sốt xuất huyết nặng điều trị tại Phòng Cấp cứu của Khoa Sốt xuất huyết - Huyết học Bệnh viện Nhi Đồng 1

Đang chăm con tại Khoa Nhiễm của Bệnh viện Nhi Đồng 2, chị Nguyễn Thị Nguyệt (ở tỉnh An Giang) cho biết con trai chị mới 2 tuổi nhưng đã 2 lần nhập viện vì bệnh tay chân miệng. Chị chia sẻ: “Hồi đầu năm, con tôi đã mắc tay chân miệng rồi nên khi cháu nóng sốt, tôi không nghĩ con mình mắc bệnh này mà nghi ngờ bệnh sốt xuất huyết (SXH). Thêm phần, lần này, tay chân bé không nổi bóng nước như lần trước, hạ sốt sau khi uống thuốc. Vì vậy, tôi để con ở nhà theo dõi. Đến ngày thứ ba, cháu quấy khóc, bỏ bú, giật mình liên tục khi ngủ, tôi ôm con đi bệnh viện thì bác sĩ chẩn đoán mắc tay chân miệng nặng, phải thở máy”.

Lý giải điều này, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Qui - Phó khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2 - cho biết: miễn dịch ở trẻ em đối với bệnh tay chân miệng không bền vững. Vì vậy, trẻ đã khỏi bệnh, vẫn có thể bị lây nhiễm lại. Hiện tại, bệnh tay chân miệng tăng lên rất nhiều so với năm 2022. Đa phần trẻ bệnh ở mức độ 2A, còn lại là nhóm 2B, số ít rơi vào độ 4. Trẻ càng nhỏ càng có nguy cơ trở nặng. Việc quan trọng vẫn là phòng ngừa và chăm sóc trẻ khi bị bệnh.

Khoảng 60 - 70% trẻ mắc bệnh tay chân miệng nhẹ chỉ xuất hiện hồng ban ở lòng bàn tay, chân nhưng không sốt có thể chăm sóc tại nhà. Nếu bé sốt cao liên tục 39-40 độ C kèm ói nhiều, giật mình chới với nhiều, hay trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao như béo phì, mắc bệnh nền... thì phải nhập viện theo dõi. “Triệu chứng ban đầu của bệnh tay chân miệng thường gặp là sốt từ 2-3 ngày. Sau đó, trẻ có thể bị loét miệng, bóng nước ở lòng bàn tay… Tuy nhiên, đa số cha mẹ chỉ chú ý bóng nước ở các vị trí dễ nhận thấy như lòng bàn tay, chân, trong khi một số trẻ chỉ bị loét miệng. Bỏ sót dấu hiệu quan trọng này, dễ dẫn đến tình trạng của trẻ nặng hơn”, bác sĩ Nguyễn Đình Qui nói.

Trường hợp trẻ sốt cao liên tục, lừ đừ, bỏ ăn, quấy khóc; nặng hơn nữa thường bị giật mình nhiều, lạnh tay chân, thở lõm ngực, run người, loạng choạng… cha mẹ phải đưa trẻ vào bệnh viện ngay vì khả năng mắc tay chân miệng đã tiến triển nặng.

Bệnh sốt xuất huyết đang “vào mùa”

Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đang điều trị cho hơn 30 bệnh nhi mắc SXH. Đáng lưu ý, đa số trẻ được đưa đến bệnh viện trễ nên bệnh diễn tiến nặng. Hiện có đến 8 trẻ bị sốc SXH, phải thở máy, lọc máu… 

Bác sĩ thăm khám cho bé trai 7 tháng tuổi mắc bệnh tay chân miệng tại Khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2 ẢNH: PHẠM AN
Bác sĩ thăm khám cho bé trai 7 tháng tuổi mắc bệnh tay chân miệng tại Khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2 ẢNH: PHẠM AN

Chăm con trai 10 tuổi cấp cứu tại bệnh viện, anh Trần Văn Thành (ở tỉnh Bình Dương) cho biết ban đầu con nóng sốt, than nhức đầu. Ngày thứ ba, bé được mẹ cho uống thuốc, giảm sốt, chạy chơi bình thường. Tuy nhiên qua hôm sau, bé ngủ nhiều, li bì nên vợ chồng anh đưa con đến bệnh viện địa phương. Tại đây, bé được chẩn đoán mắc SXH, người nổi ban đỏ, có dấu hiệu sốc SXH, rối loạn đông máu. Bệnh viện lập tức chuyển bé đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cấp cứu. “Trên xe, con tôi bị suy hô hấp phải thở ô xy, gia đình rất lo lắng. Đến nơi, bé được hồi sức tích cực, thở máy nhiều ngày, hiện đã qua nguy hiểm, đang được bác sĩ theo dõi”, anh Thành cho biết.

Theo tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố - trẻ nhập viện trễ dễ rơi vào sốc SXH sâu. Nguy cơ đối mặt với tổn thương giảm tưới máu ở các cơ quan như gan, thận, phổi, sốc kéo dài rối loạn đông máu… rất lớn. Lúc này, các bác sĩ phải điều trị hồi sức sốc theo phác đồ của Bộ Y tế. Tuy nhiên, bệnh diễn tiến nhanh, rất nặng, phải tiếp tục hỗ trợ về hô hấp, thở máy, vừa chống sốc vừa truyền bù máu, huyết tương, mới có thể kiểm soát bệnh.

Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện Nhi Đồng 1 cũng đang điều trị cho 11 trẻ mắc tay chân miệng nặng độ 3, 4; có 5 trẻ phải thở máy. Ngoài ra, khoa cũng đang điều trị tích cực cho 2 trẻ bị sốc SXH nặng. Theo phó giáo sư, bác sĩ Phạm Văn Quang - Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc của bệnh viện - số lượng bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng nặng cao hơn trẻ mắc SXH tại đây. Hiện tại đang là cao điểm của bệnh tay chân miệng, TPHCM và các tỉnh phía Nam lại bước vào mùa mưa, thuận lợi cho bệnh SXH tăng nhanh. Khả năng SXH và tay chân miệng sẽ trở thành vấn đề đáng lo ngại.

Trước tình hình trên, Sở Y tế TPHCM nhận định nguy cơ ca bệnh SXH, tay chân miệng có khả năng tiếp tục tăng trong thời gian tới. Ngoài chăm sóc, điều trị cho người dân tại thành phố, ca bệnh nặng từ các tỉnh, thành cũng cần được hỗ trợ. Vừa qua, các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố... cũng đã triển khai hội chẩn từ xa, cứu sống bệnh nhi mắc SXH, tay chân miệng nặng ở Long An, Bạc Liêu, 
Đồng Tháp... 

Phát hiện, cách ly sớm để giảm ca bệnh 

Cao điểm dịch SXH diễn ra trong tháng Bảy và dự báo kéo dài đến hết tháng Mười. Số ca mắc bệnh tay chân miệng và số ca nặng cũng sẽ tiếp tục gia tăng trong những tuần sắp tới.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Cố vấn chuyên môn Bệnh viện Nhi Đồng 1 - cho biết, đa số trẻ mắc tay chân miệng nặng do vi rút EV71, đặc biệt là chủng B5. Chủng này đã xuất hiện vào đợt bệnh tay chân miệng năm 2018. Hiện đã có trẻ tử vong rải rác ở các tỉnh, thành. Năm nay, với sự xuất hiện của vi rút EV71 và chủng B5, số ca nặng dự đoán vẫn sẽ còn tăng. Trước tình hình này, nếu chỉ riêng ngành y tế cố gắng sẽ khó khăn trong phòng, chống bệnh tay chân miệng, mà cần nỗ lực của tất cả các ngành, đặc biệt là người dân.

Thông thường, tỉ lệ mắc bệnh tay chân miệng nặng chiếm khoảng 10% trong tổng số trẻ mắc bệnh. Tuy nhiên, số trẻ bị bệnh trong cùng một đợt nhiều thì chắc chắn số trẻ nặng, bị biến chứng, nhập viện càng nhiều lên. Lúc này, nhân viên y tế không đủ sức để điều trị. Do đó, cần có biện pháp hạn chế thấp nhất tỉ lệ trẻ bị bệnh.

Để làm được điều này, cần theo dõi sát, phát hiện sớm bệnh tay chân miệng ở trẻ. Bên cạnh đó, cần lưu ý một số trẻ có cơ địa hoặc nhiễm vi rút có độc lực khác nhau vẫn có nguy cơ gây ra biến chứng nhanh. Phát hiện biến chứng kịp thời ở trẻ bị tay chân miệng cũng giúp ích nhiều trong cấp cứu, điều trị cho trẻ.

Ngoài ra, chủng vi rút EV71 có khả năng lây thành dịch. Do đó, với các gia đình, nhất là gia đình có con em dưới 5 tuổi phải lưu ý là các bé cũng có nguy cơ mắc tay chân miệng. Vì vậy, trong chăm sóc, cố gắng phát hiện các triệu chứng ở trẻ càng sớm càng tốt. Khi trẻ mắc bệnh nên cách ly trẻ 10 ngày tại nhà, để vi rút không phát tán ra môi trường xung quanh. Lúc đó, số ca mắc sẽ giảm.
Trường hợp gia đình có em bé bị bệnh tay chân miệng, cần lưu ý bệnh này lây qua đường ăn uống. Dù ăn sạch, uống sạch vẫn có khả năng bị lây nhiễm bởi bàn tay, nước bọt của bé chứa nhiều vi rút nhất. Vi rút cũng có thể tiềm ẩn ở bề mặt tiếp xúc như sàn nhà, tay nắm cửa, trong đồ chơi của bé… 

Người lớn chăm sóc, hay tình cờ bồng bế một em bé khác bị bệnh tay chân miệng cũng có thể mang vi rút về nhà. Nếu trong lớp có bé bị bệnh tay chân miệng cần vệ sinh toàn lớp học. Trong trường hợp đặc biệt, phải vệ sinh toàn trường nhằm tiêu diệt vi rút gây bệnh.

Chỉ có phát hiện sớm, cách ly sớm, luôn chú trọng vệ sinh, rửa tay mới giảm được bệnh tay chân miệng. 

 

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI