|
Toàn cảnh Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI - lần thứ 10 (mở rộng) |
Hội nghị diễn ra trong chiều 1/12 và cả ngày 2/12 nhằm xem xét, thảo luận, cho ý kiến về các dự thảo: Tình hình kinh tế - xã hội năm 2021 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2022; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TPHCM giai đoạn 2022 - 2025; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; Nhiệm vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội TPHCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Báo cáo kết quả công tác xây dựng Đảng, chính quyền, công tác dân vận năm 2021 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2022; cùng một số nội dung, báo cáo khác trình tại Hội nghị.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu khai mạc và gợi ý các vấn đề thảo luận tại Hội nghị - mở ra bước khởi đầu mới cho sự phát triển của TPHCM trong giai đoạn "bình thường mới".
Về nhóm vấn đề kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch COVID-19, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đánh giá từ cuối tháng 9/2021, TP đã cơ bản kiểm soát dịch bệnh, từng bước chuyển sang trạng thái “bình thường mới”. Với những tổn thất nặng nề, các mặt của đời sống, kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng, Hội nghị cần phân tích, đánh giá sâu sắc tình hình, những kinh nghiệm mang tính thực tiễn và khoa học để có thể vận dụng vào quá trình “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” với trụ cột là chiến lược y tế (trước mắt và lâu dài).
“Nhất là bàn sâu và kỹ những bài học lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy, vận hành cơ chế, tổ chức phòng, chống dịch từ TP đến cơ sở; bài học về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, phát huy vai trò to lớn có tính quyết định của các tầng lớp nhân dân, không phân biệt thành phần tôn giáo và vai trò của cộng đồng doanh nghiệp; bài học về tuân thủ nguyên tắc, chuyên môn y tế và chuẩn bị sẵn sàng chiến lược, kế hoạch, kịch bản, phương tiện, trang thiết bị y tế, vắc xin, thuốc điều trị theo phương châm “5 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ; chỉ huy tại chỗ; vật tư, trang thiết bị tại chỗ; thuốc men, thiết bị tại chỗ và nhiệm vụ tại chỗ), chủ động ứng phó kịp thời với mọi tình huống khi dịch bệnh xảy ra”, người đứng đầu Đảng bộ TPHCM nhấn mạnh.
Về các nhóm vấn đề kinh tế - xã hội, ông Nguyễn Văn Nên cho biết lần đầu tiên trong lịch sử của TP, từ giai đoạn đổi mới, có tăng trưởng âm 6,78% (trong khi kế hoạch đề ra là tăng trưởng 6%). Các vấn đề trình Hội nghị hôm nay có ý nghĩa rất quan trọng cho giai đoạn phục hồi sau đại dịch, cần thống nhất chủ trương sát hợp, giải pháp đồng bộ, biện pháp linh hoạt, mạnh mẽ, quyết liệt và hiệu quả. Trong đó, cần tập trung sâu vào thảo luận, đánh giá khách quan, toàn diện tình hình kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách trong năm 2021, dự báo cho năm 2022 và những năm tiếp theo…
Đặc biệt là cho ý kiến về các nhóm giải pháp, nhiệm vụ, quyết sách có thể tạo đột phá ngay và tìm kiếm xung lực mới cho tăng trưởng kinh tế, ổn định đời sống nhân dân, cải thiện môi trường đô thị và điều kiện sống người lao động, bảo đảm thích ứng an toàn với đại dịch COVID-19; biện pháp hỗ trợ nguồn lực cho các ngành kinh tế, tạo động lực tăng trưởng đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu lấy đà trở lại; các giải pháp triển khai cụ thể hóa chiến lược y tế - chiến lược trụ cột trong giai đoạn bình thường mới…
Theo ông Nguyễn Văn Nên, TP rất quyết tâm xây dựng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TPHCM giai đoạn 2022 - 2025 trong bối cảnh “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, cần được tập trung thảo luận đánh giá sâu sát, toàn diện trong điều kiện dịch bệnh còn nhiều rủi ro, phức tạp và nguy cơ bùng phát các đợt dịch mới.
Bên cạnh đó, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định thành công thực hiện mục tiêu Đại hội Đảng bộ TPHCM lần XI. TP thống nhất không thay đổi các mục tiêu, chỉ tiêu cơ bản nhưng trong bối cảnh “bình thường mới”, cần có tư duy mới, giải pháp mới, cơ chế mới và kế hoạch phù hợp.
Ông Nguyễn Văn Nên cũng đề nghị các đại biểu xem xét, cho ý kiến các vấn đề trọng tâm về quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc và nội dung quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội TP thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp tình hình thực tế và đáp ứng yêu cầu phát triển của TP.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đặc biệt nhấn mạnh việc tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch, quy hoạch: “Chủ trương, nghị quyết, chương trình hành động không thiếu, song tổ chức thực hiện luôn là khâu yếu. Cần tìm phương cách, cơ chế tổ chức, điều phối như thế nào để tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả và bảo đảm các nhiệm vụ, giải pháp đề ra đều đi vào thực tiễn và giữa các chương trình, kế hoạch, quy hoạch phải được liên thông, liên kết chặt chẽ, không tách rời nhau”.
Với nhóm vấn đề về công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, công tác dân vận, ông Nguyễn Văn Nên cho rằng qua công tác ứng phó với dịch bệnh đã giúp hệ thống nhìn thấy rõ những hạn chế bất cập của bộ máy và cán bộ mà bình thường khó thấy được - phía sau những tấm gương tận tụy vẫn còn những trường hợp né tránh, ngại khó. Từ đó, đề nghị các đại biểu thảo luận sâu các giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập; cho ý kiến về chủ đề năm công tác xây dựng Đảng. Đồng thời đề xuất giải pháp, biện pháp, cách làm sáng tạo và hiệu quả nhất để đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống; nâng cao chất lượng công tác tư tưởng trong toàn Đảng bộ; đổi mới thực sự công tác dân vận, nâng cao hiệu quả công tác dân vận chính quyền, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh tổng hợp của nhân dân; xây dựng hệ thống chính trị, nhất là hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới.
Tam Bình