TPHCM cần tăng tốc hoàn thành số hóa dữ liệu trong 2 năm tới

07/11/2020 - 14:19

PNO - Ủy viên Bộ chính trị Nguyễn Thiện Nhân nói, TPHCM cần tăng tốc hoàn thành số hóa dữ liệu trong 2 năm tới, như số liệu chính quyền và các ngành.

Ủy viên Bộ chính trị Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong vừa tham dự Ngày hội doanh nghiệp công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo, tổ chức sáng 7/11 ở Khu đô thị Đại học Quốc gia TPHCM.  

Ủy viên Bộ chính trị Nguyễn Thiện Nhân  phát biểu trước hàng ngàn sinh viên tại sự kiện về trí tuệ nhân tạo do UBND TPHCM chủ trì tổ chức
Ủy viên Bộ chính trị Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại sự kiện về trí tuệ nhân tạo sáng 7/11/2020

Sự kiện có chủ đề Trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số: Nền tảng và giá trị mớido UBND TPHCM chủ trì tổ chức. Tại sự kiện này, Hội đồng tư vấn Chương trình “Nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại TPHCM giai đoạn 2020-2030” đã được ra mắt. Hội đồng gồm 18 thành viên là các nhà khoa học hàng đầu về AI trong và ngoài nước. Trong ngày hội, lãnh đạo TPHCM cũng đã gặp gỡ sinh viên tiêu biểu trong nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo.

Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Thiện Nhân nói: "Chúng ta đang sống ở giai đoạn có nhiều thay đổi. Nếu như 2 năm trước, nói về trí tuệ nhân tạo thì có lẽ hơi khó, có vẻ không được mạch lạc lắm. Nhưng bây giờ, chúng ta thấy rõ ràng hơn những gì phải làm. TPHCM tuy đã khởi động nhưng vẫn đi sau so với thế giới về trí tuệ nhân tạo. Đề nghị TPHCM phải có chương trình tăng tốc hoàn thành số hóa dữ liệu trong 2 năm tới như về số liệu chính quyền và các ngành”.

Ủy viên Bộ chính trị Nguyễn  Thiện Nhân đã tham quan tất cả các gian triển lãm các sản phẩm về trí tuệ nhân tạo tại sự kiện
Ủy viên Bộ chính trị Nguyễn Thiện Nhân tham quan tất cả các gian triển lãm sản phẩm về trí tuệ nhân tạo tại sự kiện

Ông Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ sự vui mừng khi trong Hội đồng tư vấn Chương trình “Nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại TPHCM giai đoạn 2020-2030” có đến 12 người là giáo sư uy tín trong các lĩnh vực của công nghệ thông tin trong và ngoài nước. 

Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, TPHCM đã có sẵn các nguồn lực để phát triển trí tuệ nhân tạo. Bài toán để phát triển AI là phải tạo nên sự tương tác giữa các lĩnh vực như nghiên cứu - đào tạo - cung cấp giải pháp - quản lý nhà nước và thị trường tài chính. Đặc biệt, ông đưa ra nhận định, có thể vào tháng 12/2020, Thường vụ Quốc hội sẽ thông qua đề án thành lập thành phố Thủ Đức, khi đó nếu xem TPHCM là thành phố thông minh thì thành phố Thủ Đức là thành phố sáng tạo tương tác cao. 

Một robot dùng trí tuệ nhân tạo ứng dụng trong y tế, có thể nhảy múa giúp giảm căng thẳng cho bệnh nhân
Một robot dùng trí tuệ nhân tạo ứng dụng trong y tế, có thể nhảy múa giúp giảm căng thẳng cho bệnh nhân

Theo nhận định của GS. Nguyễn Thanh Thủy - Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước ngành công nghệ thông tin, TPHCM đang dẫn đầu và dẫn dắt cả nước về ứng dụng trí tuệ nhân tạo phục vụ chuyển đổi số và xây dựng thành phố thông minh.

Theo giáo sư Thủy, doanh thu từ lĩnh vực trí tuệ nhân tạo trên toàn thế giới khoảng 15.000 tỷ USD. Bất cứ quốc gia nào có chiến lược về trí tuệ nhân tạo thì sẽ luôn có cơ hội để tăng lợi nhuận. Trí tuệ nhân tạo gắn với một nền kinh tế mới, trong đó dữ liệu được xem như dầu mỏ với lợi nhuận tăng trưởng rất rất cao. Vì thế ông đưa ra một số kiến nghị với lãnh đạo TPHCM như phải làm sao tài nguyên dữ liệu của Việt Nam phải được lưu giữ, sử dụng tại Việt Nam và bởi người Việt Nam. Phải phát triển trí tuệ nhân tạo theo chiều dọc khi cung cấp trọn gói các dịch vụ cho các doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với lãnh đạo ĐHQG TPHCM và các doanh nghiệp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo sáng 7/11/2020
Ông Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với lãnh đạo Đại học Quốc gia TPHCM và các doanh nghiệp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo sáng 7/11/2020

Nguồn nhân lực trí tuệ nhân tạo của Việt Nam, theo GS. Nguyễn Thanh Thủy là khoảng 1.600 cán bộ nghiên cứu cả trong và ngoài nước, trong đó có khoảng 700 người  đang làm việc ở Việt Nam (có 300 chuyên gia).

Nguồn nhân lực trí tuệ nhân tạo có 3 mức: chuyên gia (phân tích, thiết kế, lựa chọn giải pháp công nghệ, kỹ thuật AI, khoa học dữ liệu và học máy); kỹ sư dữ liệu (tích hợp giải pháp, phát triển hệ thống thông minh); kỹ thuật viên (lập trình, thực hiện mô hình học máy, kỹ thuật phân tích dữ liệu). Các đặc tính quan trọng của một nhân lực AI gồm: tố chất sáng tạo mở, tinh thần khát vọng, dấn thân; khả năng tiếp cận, nghiên cứu và triển khai; năng lực phát hiện vấn đề, lựa chọn kỹ thuật công nghệ, tìm dữ liệu; kiến thức và kỹ năng chuyên môn về AI, học máy, học thống kê, khoa học dữ liệu - theo GS. Nguyễn Thanh Thủy.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI