Sáng 16/12, Công an TPHCM đã phối hợp với Sở Y tế TPHCM tổ chức Hội thảo khoa học Tăng cường công tác đảm bảo an ninh, trật tự tại các cơ sở y tế trên địa bàn TPHCM với sự tham dự của thiếu tướng, tiến sĩ Lê Hồng Nam, Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an TPHCM; Phó giáo sư - tiến sĩ bác sĩ Tăng Chí Thượng, Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cùng đại diện các cơ quan chức năng, bệnh viện trong thành phố.
|
Thiếu tướng-tiến sĩ Lê Hồng Nam phát biểu trong hội thảo |
Thiếu tướng Lê Hồng Nam cho biết, TPHCM cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội của thành phố, ngành y tế đã có đóng góp công sức to lớn với những kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19.
Hiện nay, TPHCM là nơi tập trung các bệnh viện, cơ sở y tế hàng đầu của cả nước, phục vụ, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân với hệ thống y tế bao gồm bệnh viện trực thuộc trung ương, các bộ, ban ngành, bệnh viện đa khoa, chuyên khoa cấp thành phố, tuyến quận, huyện, bệnh viện tư nhân, phòng khám… Chính vì vậy, công tác đảm bảo an ninh trật tự tại các cơ sở y tế luôn được chú trọng nhằm đem lại sự an toàn cho các cơ sở y tế nói chung và cho người dân nói riêng.
Qua đó, Công an thành phố và Sở Y tế thành phố đã thực hiện quy chế phối hợp số 07/QCPH-CATP-SYT về công tác đảm bảo an ninh, trật tự trong lĩnh vực y tế trên địa bàn. Hiện nay, sự phối hợp này đã đạt được những kết quả nhất định trong công tác phối hợp đảm bảo an ninh trật tự, tình trạng quá tải, tập trung đông người tại các bệnh viện, cơ sở y tế.
|
Phó chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức (ngồi bên trái, hàng trên cùng) cùng ban giám đốc Sở Y tế TPHCM trong buổi hội thảo |
Qua rà soát, thống kê các vụ việc mất an ninh, trật tự nghiêm trọng xảy ra tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thành phố từ năm 2017 đến nay ghi nhận 341 vụ việc. Cụ thể 2 vụ giết người, 6 vụ cố ý gây thương tích, 244 vụ gây rối trật tự công cộng, 13 vụ đối tượng “cò mồi” dịch vụ khám chữa bệnh gây rối trật tự công cộng, 59 vụ trộm cắp tài sản, 2 vụ làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức, 7 vụ hủy hoại tài sản, cưỡng đoạt tài sản, 8 vụ đòi nợ.
Ngoài ra, do lượng bệnh nhân từ các tỉnh thành lân cận đổ về thành phố khám chữa bệnh liên tục gia tăng dẫn đến tình trạng quá tải, chất lượng khám chữa bệnh không được đảm bảo tại một số cơ sở y tế. Một bộ phận người dân bức xúc, thiếu kiềm chế đã hành hung cán bộ, nhân viên y tế, đập phá tài sản bệnh viện.
“Các vụ việc xảy ra đã làm ảnh hưởng đến hoạt động khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế và tác động đến sức khỏe, tinh thần của nhân viên y tế, gây hoang mang, bức xúc dư luận xã hội. Vì vậy, tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự tại các cơ sở y tế trên địa bàn TPHCM là một yêu cầu khách quan, cấp thiết”, thiếu tướng Lê Hồng Nam nói thêm.
Theo tiến sĩ Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, không chỉ ngành y tế tại Việt Nam mà cả thế giới, nhân viên y tế, nhất là nhân viên làm việc tại khoa cấp cứu ở các bệnh viện bị bạo hành nhiều nhất. Theo thống kê của thế giới, số vụ bạo hành nhân viên y tế tăng nhanh từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra cả về vũ lực và bạo hành lời nói cao gấp 6 lần so với ngành nghề khác.
Nguyên nhân phổ biến nhất là nhiều bệnh viện công không đủ nhân viên y tế. Đặc biệt, bác sĩ khám và điều trị cho bệnh nhân, nhân viên y tế không có đủ thời gian giao tiếp, tương tác với bệnh nhân, làm cho người nhà và bệnh nhân không hài lòng, thiếu tin tưởng hệ thống y tế.
|
Các đại biểu thuộc Công an TPHCM tham dự hội thảo |
Ông Nguyễn Anh Dũng cho biết: “Ngành y tế đang đứng trước nhiều thách thức về an ninh trật tự, ngoài bạo hành nhân viên y tế, tình trạng “cò” dẫn dụ người bệnh đến cơ sở tư nhân trá hình, giả danh người thăm bệnh trộm cắp tài sản bệnh viện, người bệnh, bán hàng rong, lợi dụng hoạt động từ thiện, giả danh cơ sở khám chữa bệnh, hoạt động chui, “vẽ tiền” người dân. Thậm chí còn giả danh cả thanh tra Sở Y tế TPHCM để tống tiền, hứa hẹn xử lý nhẹ…
Vì vậy, ngành y tế đang tăng cường nhiều phương pháp xử lý, giải quyết như tập huấn kỹ năng xử lý tình huống, nâng cao nghiệp vụ cho nhân viên y tế. Triển khai nhiều hơn những những phương án hiệu quả như nút Code Grey, camera giám sát an ninh… Đặc biệt trong thời gian tới, các cơ sở y tế nên tiếp tục chia sẻ những mô hình hay để các cơ sở học hỏi lẫn nhau, quan tâm thực hiện khen thưởng, biểu dương tấm gương cách làm hay của nhân viên y tế để khuyến khích, phát huy nhằm góp phần nâng cao an ninh trật tự trong bệnh viện”.
Cuối hội thảo, phó chủ tịch Ủy ban nhân dân TPHCM Dương Anh Đức cho biết thành phố luôn đánh giá cao nỗ lực trong thời gian qua của ngành y tế và công an trong sự phối hợp để phục vụ người bệnh tại địa bàn thành phố và bệnh nhân ở khu vực phía Nam. Mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực và đạt được những thành tựu nhất định nhưng vẫn còn nhiều vấn đề thực tiễn phát sinh. Vì vậy, công an TP và Sở Y tế cần xem xét, điều chỉnh để tăng cường hiệu quả hơn nữa, nếu không sẽ xảy ra nhiều vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người dân.
Ông Dương Anh Đức hy vọng từ năm 2023 Công an TP và Sở Y tế sẽ rà soát, điều chỉnh, nâng cấp sự phối hợp để phục vụ sức khỏe người dân, an ninh trật tự sẽ có những bước chuyển đáng kể, hiệu quả hơn nữa và nhận được sự tin tưởng từ người dân. Về quản lý các cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt là các cơ sở có yếu tố nước ngoài, nếu xử lý nửa vời, không quyết tâm liên tục thì sẽ không thể giải quyết các vấn đề tồn động.
"Nếu công an TP và Sở Y tế phối hợp tốt, tôi tin thời gian tới chúng ta có thể ngăn cản, triệt tiêu các mặt tiêu cực ở các cơ sở để đảm bảo sự an toàn về sức khỏe, đời sống, tinh thần và kể cả vật chất của người dân. Chúng ta hãy tận dụng ưu thế về nhân lực, công nghệ để đặt ra những cơ chế thật thông suốt, nhuần nhuyễn để giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn", ông Dương Anh Đức nói thêm.
Phạm An