TPHCM cần sớm giảm, bỏ các ưu đãi đầu tư

22/03/2021 - 07:04

PNO - Chuyên đề TPHCM cải thiện môi trường đầu tư - một yêu cầu cấp thiết được Báo Phụ Nữ TPHCM khởi đăng trên các số ra ngày 17 và 19/3 đã nhận được sự quan tâm lớn của độc giả. Trả lời phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM về các giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tiến sĩ Đinh Thế Hiển - chuyên gia kinh tế - cho rằng cần sớm giảm, bỏ các ưu đãi đầu tư.

Phóng viên: Theo ông, bên cạnh ưu đãi thuế, phí, cần bổ sung điều gì để thu hút nhà đầu tư?

Tiến sĩ Đinh Thế Hiển: Về môi trường đầu tư, kinh doanh, trước hết phải nói rằng, tính minh bạch về thuế của chúng ta đang ngày càng cao, thu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập DN đang có sự tiến bộ rất lớn, DN ngày càng có ý thức về nghĩa vụ nộp thuế. Nếu công tác quản lý thu thuế không tốt, sẽ có một số DN không nộp thuế đàng hoàng, dẫn đến môi trường kinh doanh không sòng phẳng. DN trốn thuế bán giá thấp, DN nộp thuế nghiêm chỉnh phải bán giá cao, đó là sự bất bình đẳng.

Tiến sĩ Đinh Thế Hiển
Tiến sĩ Đinh Thế Hiển

Về chính sách, theo tôi, cần giảm các ưu đãi đầu tư càng nhiều càng tốt. Tất cả các DN phải cùng hưởng một môi trường đầu tư như nhau. Các chính sách ưu đãi đầu tư về thuế, đất đai chỉ phù hợp với thời kỳ nền kinh tế bắt đầu mở cửa, mang tính thí điểm. Chẳng hạn như, Trung Quốc lập ra đặc khu kinh tế Thâm Quyến, áp dụng các ưu đãi để thăm dò, đánh giá hiệu quả các chính sách thu hút đầu tư. Việt Nam đã trải qua mấy chục năm thực tiễn, đã khẳng định một nền kinh tế thị trường tốt, ngày càng hội nhập sâu. Vì vậy, cần bỏ những chính sách không còn cần thiết để tạo sự cạnh tranh và môi trường đầu tư bình đẳng. Tất cả DN đều hưởng những lợi ích như nhau. DN nước ngoài cũng không đòi hỏi gì hơn, họ chỉ cần sự minh bạch về thủ tục. Một nền kinh tế thị trường lành mạnh là không có ưu đãi, không tạo ra sự khác biệt, cá biệt. 

Nhân đây, tôi cũng kiến nghị ngưng tôn vinh các DN đạt thương hiệu quốc gia hay thương hiệu Việt vì khi công nhận, tôn vinh một thương hiệu, ta đã mặc nhiên triệt tiêu những DN cùng ngành nghề đang cố gắng vươn lên. Hơn nữa, nếu những DN được chứng nhận thương hiệu quốc gia đó gặp sự cố nghiêm trọng, khủng hoảng, sẽ ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế. Cần tư duy theo hướng không cần các thương hiệu quốc gia mà cần cái lớn hơn, đó là uy tín của quốc gia, được xây dựng từ những sản phẩm tốt do các DN Việt Nam làm ra dưới sự giám sát nghiêm ngặt về chất lượng của Nhà nước, khiến người tiêu dùng quốc tế quan tâm đến nguồn gốc, tin tưởng vào nơi sản xuất ra các sản phẩm đó là Việt Nam. Điều đó sẽ đem lại lợi ích chung cho các DN. 

* Ý ông là, chúng ta cần thay đổi quan điểm một nền kinh tế mạnh phải có những thương hiệu mạnh, như Hàn Quốc có Samsung, Hyundai?

- Chúng ta phải lựa chọn giữa một nền kinh tế với những tập đoàn mạnh như Hàn Quốc hay một nền kinh tế mềm như Đài Loan? Đó là một câu hỏi lớn. Theo tôi, cần tạo ra cái mà tất cả có thể hòa vào. Cách phát triển của Hàn Quốc cũng bộc lộ điểm yếu là không tạo ra sự sáng tạo đồng đều. Đặc điểm của nền kinh tế Việt Nam khá giống Đài Loan. Mặc dù thoạt nhìn, Đài Loan không đình đám bằng Hàn Quốc với những thương hiệu khổng lồ nhưng thực ra, năng lực công nghệ sáng tạo của Đài Loan là rất kinh khủng, tạo ra GDP rất lớn. Nền kinh tế theo cách Đài Loan ít rủi ro hơn so với Hàn Quốc vì các DN sẽ dễ chuyển đổi, dễ cạnh tranh. Theo cách của Hàn Quốc thì nhà nước phải dồn tài lực cho một số DN với hy vọng sẽ trở thành những thương hiệu lớn, dẫn đến quy mô khổng lồ, khó chuyển đổi.

* Là người có nhiều kinh nghiệm trong việc hỗ trợ DN thực hiện các dự án đầu tư, ông thấy các nhà đầu tư trong nước đang vướng mắc gì nhất và họ muốn được Nhà nước hỗ trợ, tháo gỡ ra sao?

- DN luôn cần vốn và luôn mong muốn Nhà nước tạo thuận lợi để họ vay vốn dễ hơn, với lãi suất thấp. DN cũng muốn thuận lợi về thủ tục hành chính, giấy tờ pháp lý khi thực hiện dự án. Một vấn đề rất quan trọng mà các DN rất cần là Nhà nước phải bảo hộ cho các DN trước nạn vi phạm sở hữu trí tuệ, ăn cắp bản quyền, chống hàng gian, hàng giả. Ở bất cứ nền kinh tế nào, nếu chính quyền làm tốt những vấn đề này thì nền kinh tế đó sẽ mạnh, mọi chuyện khác cứ để thị trường lo. Làm không tốt việc bảo hộ sản phẩm, bản quyền, chống hàng gian, hàng giả sẽ gây ra tình trạng “cá lớn nuốt cá bé” và nhất là nhà sáng tạo không bán được sản phẩm.

* Xin cảm ơn ông.

Quốc Ngọc (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI