PNO - Nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế - văn hóa - xã hội TP.HCM năm 2022 do HĐND TP.HCM khóa X (nhiệm kỳ 2021-2026) thông qua tại kỳ họp thứ tư đề ra mục tiêu đạt mức tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GRDP) 6 - 6,5%, được cho là khá cao. Báo Phụ Nữ TPHCM đã ghi nhận những góp ý, hiến kế của các chuyên gia để thành phố có thể hoàn thành mục tiêu này.
* Tiến sĩ Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương: Chuyển mạnh sang kinh tế số
Để đạt được các mục tiêu đề ra, TPHCM phải chuyển mạnh sang kinh tế số, phát huy vai trò trung tâm khoa học - công nghệ, trung tâm tài chính - ngân hàng, đầu mối xuất nhập khẩu và logistics của vùng Tây và Đông Nam bộ, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, từng bước giảm xuất khẩu các sản phẩm thô, nâng cao tỷ lệ chế biến sâu. TPHCM phải trở thành trung tâm công nghiệp chế biến của toàn vùng.
Lợi thế của TPHCM là có khu vực kinh tế tư nhân năng động, kết nối hiệu quả với kinh tế khu vực và thế giới, do vậy, chính quyền cần tạo điều kiện để nâng cao tỷ lệ doanh nghiệp (DN) trên 1.000 dân, nâng cao tỷ lệ DN lớn bằng cách thúc đẩy liên kết giữa các hộ kinh tế gia đình, hình thành các DN lớn, hiện đại; tiếp tục cải cách và tái cơ cấu DN nhà nước, đẩy mạnh cổ phần hóa DN nhà nước, nâng cao hiệu quả của khu vực kinh tế quan trọng này.
Để chuyển mạnh sang kinh tế số, TPHCM cần phát triển các dịch vụ chuyển đổi số, thiết kế các mô hình chuyển đổi số trong nông nghiệp, thủy sản, kết nối tốt DN với viện, trường, ngân hàng. TP.HCM cần đi đầu trong xây dựng mô hình giáo dục - đào tạo số, học tập online, khám bệnh online, chuyển mạnh sang ngân hàng số, cho phép thực hiện tất cả các giao dịch qua mạng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho lưu chuyển dòng vốn, vận dụng kinh tế số vào logistics để nâng cao hiệu quả vận chuyển, giảm chi phí về thời gian và tiền bạc trong dịch vụ vận chuyển hàng hóa, thực phẩm từ các vùng về TPHCM và các sản phẩm công nghiệp từ TPHCM đi các vùng (Đông và Tây Nam bộ).
Khâu mấu chốt là chuyển mạnh sang Chính phủ điện tử, công khai, minh bạch, tạo điều kiện để người dân và DN tiếp cận các dịch vụ qua mạng, giải quyết các đề nghị của người dân và DN trong thời gian ngắn nhất, nâng cao hiệu quả của bộ máy nhà nước, cải cách tài chính nhà nước, thực hành tiết kiệm, bảo vệ môi trường, chống ngập úng, ứng phó với biến đổi khí hậu.
* Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM: Đầu tư cho y tế, khôi phục kinh tế tư nhân
Tăng trưởng của TPHCM lúc nào cũng gấp 1,2 - 1,5 lần bình quân chung của cả nước nên TPHCM đạt tốc độ tăng trưởng GRDP trên 7% là bình thường. Nhưng trong hai năm qua, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tốc độ tăng trưởng của TPHCM thấp hơn cả nước: trong năm 2020 chỉ tăng 1,39%, trong năm 2021 giảm 6,78% - mức giảm sâu nhất trong lịch sử.
Để đạt tăng trưởng GRDP trong năm 2022 từ 6 - 6,5%, chỉ cần một điều kiện duy nhất là chuyển sang giai đoạn thích ứng linh hoạt, an toàn và kiểm soát được dịch bệnh hiệu quả, đưa TPHCM trở lại bình thường như trước đây. Muốn vậy, nhiệm vụ quan trọng và tiên quyết là phải tập trung đầu tư nhiều cho hệ thống y tế, nâng cao năng lực y tế cơ sở, có thêm biên chế cho đội ngũ y tế cơ sở, hoàn thành việc tiêm vắc-xin mũi 3, chuẩn bị thuốc điều trị COVID-19, nâng cao năng lực điều trị cho các bệnh viện. Trong tương lai, có thể xuất hiện nhiều biến chủng mới của vi-rút SARS-CoV-2, thậm chí nhiều đại dịch nguy hiểm khác, nên cần phải thực hiện tốt công tác dự báo để xây dựng các kịch bản “phòng thủ từ xa”, tránh bị động.
Các DN tư nhân đóng góp 60 - 70% GRDP của TPHCM, do đó, cần tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, có chính sách hỗ trợ cụ thể để giúp DN tư nhân phục hồi. Hiện nay, Quốc hội đang thảo luận về gói tài khóa, tiền tệ hỗ trợ kinh tế, an sinh xã hội, UBND TP.HCM nên tranh thủ các gói này, tiếp nhận, triển khai một cách nhanh nhất để chăm lo cho DN, các gia đình chính sách, người lao động khó khăn.
UBND TPHCM đã triển khai các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế từ tháng 10/2021. Chúng ta đã đi trước các tỉnh, nên cần triển khai một cách cụ thể, hiệu quả các chương trình này, trong đó cần chú trọng giải ngân vốn đầu tư công theo đúng kế hoạch. Trong năm 2021, tổng kế hoạch vốn mà Trung ương giao cho TPHCM là hơn 33.000 tỷ đồng nhưng tính đến hết tháng 12/2021, chỉ mới giải ngân hơn 18.330 tỷ đồng, chỉ bằng 55% tổng kế hoạch vốn giao. Trong năm 2022, TPHCM bố trí vốn đầu tư công hơn 44.900 tỷ đồng, gấp 1,3 - 1,4 lần năm 2021. Như vậy, phải tập trung tháo gỡ điểm nghẽn, các khó khăn từ nguyên nhân khách quan, chủ quan để đầu tư một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất.
TPHCM cần phải đẩy mạnh cơ cấu ngành nghề theo hướng công nghệ và đổi mới sáng tạo, giảm thâm dụng lao động, bám sát định hướng xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh, kinh tế số. Bên cạnh đầu tư hạ tầng giao thông, cần tăng cường hạ tầng thông tin, viễn thông…
* Tiến sĩ Nguyễn Thanh Trọng - Đại học Kinh tế - Luật, thuộc Đại học Quốc gia TPHCM: Huy động các nguồn lực trong xã hội
Để thu hút được nguồn lực này, chính quyền TPHCM phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho DN. Nếu không tiếp tục cắt giảm thời gian phê duyệt dự án đầu tư, các thủ tục liên quan đến giao đất, xây dựng hạ tầng thì rất khó thu hút các nguồn vốn này. Đặc biệt, cần tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận các nguồn lực cho sự phát triển như hỗ trợ tiếp cận đất đai, bảo lãnh vay vốn, tiếp cận thị trường, liên kết chuỗi sản phẩm. Yếu tố quan trọng nhất là phải huy động được các nguồn lực trong xã hội để gia tăng nguồn vốn đầu tư phát triển. Nếu không, tổng vốn đầu tư sẽ không thể đạt được yêu cầu để thúc đẩy tăng trưởng. Có ba nguồn lực cần tập trung huy động: nguồn vốn đầu tư công, nguồn vốn tư nhân trong nước, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Sự tăng trưởng và phát triển kinh tế của TPHCM có mối quan hệ tương hỗ với các tỉnh, thành lân cận trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với kinh tế Việt Nam và thế giới. Do đó, cần có sự quan tâm hỗ trợ từ Trung ương trong việc gia tăng kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giải quyết các nút thắt về hạ tầng, kết nối kinh tế với các vùng, các tỉnh, thị trường lớn trong nước và thế giới. Giải quyết nút thắt hạ tầng có ý nghĩa về trung và dài hạn nhưng nên xem đây là mục tiêu cần tập trung giải quyết sớm trong năm 2022.
* Tiến sĩ Đinh Thế Hiển - chuyên gia kinh tế: Các chính sách cần phải nhất quán
Muốn phát triển kinh tế, TPHCM phải có chính sách nhất quán, tập trung vào ưu điểm riêng và phát triển có nền tảng. Những việc đương nhiên phải làm và làm tốt là chính quyền minh bạch, giảm thủ tục hành chính, đảm bảo an toàn giao thông.
Nếu các chính sách nhất quán, xuyên suốt thì không cần phải đặt lại mục tiêu phát triển kinh tế hằng năm mà chỉ cần dựa vào các chính sách trong 5 - 10 năm đã được thông qua. TPHCM cần phải cải thiện thủ tục hành chính, cải thiện môi trường, giao thông, trở thành “thành phố xanh”. Muốn TPHCM trở thành trung tâm thương mại, tài chính, chỉ cần đạt được 70% đường phố sạch sẽ như Singapore. Môi trường xanh, sạch, văn minh là trách nhiệm xuyên suốt, đương nhiên phải làm chứ không phải là trách nhiệm đột phá. Mỗi quận phải có phó chủ tịch phụ trách nhiệm vụ này, ai không làm được thì cách chức hoặc từ chức, để người giỏi hơn làm.
Môi trường hạ tầng và môi trường dịch vụ phải xuyên suốt chính sách. Điều mà người dân quan tâm là rút ngắn thủ tục hành chính, giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến, đường sá sạch sẽ… Làm được điều này thì mới cải thiện được đời sống người dân. Tăng trưởng chất lượng thực sự sẽ tạo ra giá trị gia tăng giúp nâng cao năng lực kinh doanh, đời sống người dân.
Phải nhận diện TPHCM khác hẳn các thành phố khác và tập trung phát triển những dịch vụ cao cấp, trở thành trung tâm dịch vụ chất lượng cao mà các thành phố khác không làm được, như đào tạo và chữa bệnh. TPHCM cần phát triển chất lượng dịch vụ bệnh viện, có nguồn nhân lực giỏi, tay nghề cao. Xây dựng được bệnh viện chất lượng cao thì người dân có thu nhập cao sẽ đến TPHCM chữa bệnh thay vì sang Singapore. Tương tự, tại sao TPHCM không xây dựng trường học chất lượng cao để thu hút con em gia đình khá giả từ các tỉnh?
Bên cạnh đó, TP.HCM cần tái cấu trúc nguồn lao động, tập trung vào công nhân giỏi, có tay nghề cao, để những công nhân trình độ thấp, chuyên lắp ráp về các tỉnh làm việc. Thay vì tập trung các nhà máy lắp ráp, chính quyền TP.HCM cần tạo điều kiện phát triển các trung tâm kiểm định, trung tâm giống, trung tâm thiết kế… đòi hỏi chất xám và trở thành lõi của các cơ sở sản xuất.
Giá vàng trong nước và thế giới quay đầu giảm, giá vàng trong nước giảm 400.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên liền trước.
Ngày 16/1, Nutifood đã đồng hành với Hội LHPN TPHCM trong chương trình 'Xuân yêu thương-Tết nghĩa tình', trao 530 suất quà sữa NutiMilk với tổng giá trị gần 50 triệu đồng.
Liên bộ Công Thương - Tài chính quyết định tăng 320 đồng/lít với xăng E5RON 92 lên 20.750 đồng/lít; trong khi đó, giá xăng RON95 tăng lên 21.220 đồng/lít.