Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, TPHCM cần nhanh chóng có phương án tiếp theo sau quá trình thực hiện Nghị quyết 54 để áp dụng vào sự đặc thù của TPHCM.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM cho rằng, năm 2022 Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM cần tập trung chuẩn bị nghị quyết thay thế cho Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố.
|
Đại biểu Trần Hoàng Ngân |
Theo ông Trần Hoàng Ngân, tại TPHCM, sau khi thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù, các địa phương khác đã lần lượt đi theo. Hiện, các địa phương này đều rất quan tâm đến việc tổng kết quá trình thực hiện thí điểm này của TPHCM.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM cũng cho rằng sau khi hoàn thành việc tổng kết, đánh giá, TPHCM cần chuẩn bị sẵn đề án để thay thế cho Nghị quyết 54, hoặc thành phố có thể xin tiếp tục thí điểm thêm 2 năm do vừa qua, toàn thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 dẫn đến ảnh hưởng nhiều tiến độ công việc.
Cạnh đó, ông Trần Hoàng Ngân chia sẻ, qua công tác giám sát, công tác phòng, chống dịch, thành phố gặp nhiều vướng mắc về cơ chế và đây là cơ sở để địa phương đề xuất Quốc hội có một Nghị quyết về chính sách đặc thù mạnh hơn Nghị quyết 54. Ví dụ, việc hợp nhất các phường, thành lập TP. Thủ Đức vừa qua còn vướng rất nhiều về cơ chế. Công tác phòng, chống dịch cũng nổi lên một số vấn đề về nhân sự, biên chế tại phường, xã trong bối cảnh thành phố là một đô thị đặc biệt, có dân số đông.
“Thành phố có thể chủ động đặt hàng Ủy ban Pháp luật Quốc hội trong việc xây dựng các Nghị quyết mới hoặc xây dựng luật đô thị đặc biệt để thay thế Nghị quyết 54” - ông Trần Hoàng Ngân đề xuất và cho rằng TPHCM cần làm ngay việc này từ bây giờ để đến kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XV là kịp thời, phù hợp để xin một nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 hay kéo dài và bổ sung thêm một số nội dung cho Nghị quyết 54.
Đồng tình, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Phó giám đốc Sở Tư pháp TPHCM nhận định Nghị quyết 54 là “sản phẩm” có đóng góp chất xám lớn của Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM trong xin cho TPHCM về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển. Do đó, sau thời gian thí điểm, thành phố cần phải tập trung để vạch ra các phương án tiếp theo.
|
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM chủ trì hội nghị chiều 17/12. |
Theo các đại biểu, sau gần bốn năm triển khai thực hiện, đến nay Nghị quyết 54 đã giúp TPHCM chủ động hơn trên một số lĩnh vực. Trong đó, thành phố chủ động quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Song song, thành phố quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm A sử dụng ngân sách thành phố theo quy định của Luật Đầu tư công và đã chuyển được năm dự án. Cùng với đó, ban hành Nghị quyết về mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp trên địa bàn TP, một năm thu 48.230 tỉ đồng thay vì trước đây là 8 tỉ đồng/năm.
Đặc biệt, UBND quận, huyện được thực hiện 28 nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND TPHCM trên các lĩnh vực kinh tế, ngân sách, dự án, giao thông, văn hoá, xã hội, khoa học và nội vụ. Từ đó, UBND quận, huyện đưa ra bảy nội dung quy định các nhiệm vụ, quyền hạn UBND quận, huyện được uỷ quyền cho Chủ tịch UBND cấp xã. Hay chính sách thu nhập tăng thêm đối với cán bộ, công chức, viên chức cũng đã tạo không khí làm việc tốt hơn, phần nào giữ được nhân tài cho thành phố.
Tại hội nghị, đại biểu Trần Kim Yến - Bí thư Quận ủy quận 1, mong rằng trong thời gian tới, thông qua hoạt động giám sát và tham mưu, Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM sẽ giải quyết dứt điểm các vấn đề bức xúc của người dân, đặc biệt các vụ việc kéo quá dài. Từ việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri, các đại biểu có thể làm việc thêm với các cơ quan chuyên ngành để tìm phương hướng giải quyết. Bà nhắn nhủ: “Hàng ngày, chúng tôi vẫn nhận được nhiều đơn thư, tin nhắn phản ánh từ người dân. Nếu các vấn đề của người dân vẫn kéo dài, các đại biểu Quốc hội sẽ có điều gì đó còn trăn trở”. |
Tuyết Dân