TPHCM cần cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ các tuyến đường sắt

29/09/2020 - 06:00

PNO - Ban quản lý Đường sắt đô thị vừa có báo cáo gửi Cục Đường sắt Việt Nam về việc thực hiện chính sách phát triển giao thông vận tải đường sắt đô thị tại TPHCM.

Theo quyết định số 568/QĐ-TTg về điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, hệ thống đường sắt đô thị tại TPHCM gồm 8 tuyến xuyên tâm và vành khuyên nối các trung tâm chính thành phố; 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray. Tổng chiều dài của toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị khoảng 220 km, tổng vốn đầu tư ước tính gần 25 tỷ USD.

Theo báo cáo của Ban quản lý Đường sắt đô thị, việc triển khai xây dựng các tuyến đường sắt đô thị tại TPHCM hiện nay đang chậm lại. Nguyên nhân chính do phát sinh các điều chỉnh liên quan về hợp đồng, điều chỉnh khối lượng công việc, nhà thầu, đơn vị tư vấn… Các khó khăn, vướng mắc đều vượt thẩm quyền của TP và phải xin ý kiến Chính phủ, các Bộ liên quan dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện.

Việc triển khai dự án các tuyến đường sắt đô thị TPHCM gặp nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến chậm tiến độ, chưa thấy được hiệu quả khó thu hút nhà đầu tư
Việc triển khai dự án các tuyến đường sắt đô thị TPHCM gặp nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến chậm tiến độ, khó thu hút nhà đầu tư

Bên cạnh đó, công tác xác định pháp lý đất đai, đơn giá bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư phức tạp. Các quy định hướng dẫn bồi thường việc di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật hiện hữu như lưới điện, ống cấp nước, viễn thông chưa cụ thể. Quy định hướng dẫn cấp phép xây dựng cho người dân trong hành lang an toàn đường sắt đô thị chưa kịp thời. Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến tiến độ do chuyên gia nước ngoài không thể nhập cảnh vào Việt Nam, thiệt bị, máy móc không thể nhập khẩu. 

Các dự án đường sắt đô thị có vai trò quan trọng trong hệ thống hạ tầng giao thông, tuy nhiên chỉ phát huy hiệu quả rõ nét khi được đầu tư và phát triển đồng bộ. Nhưng hiện nay chỉ có tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) và tuyến số 2 (Bến Thành – Tham Lương) đang triển khai thực hiện. Ban quản lý Đường sắt đô thị đã làm việc với nhiều nhà đầu tư tìm cơ hội hợp tác, tuy nhiên kết quả đạt được còn hạn chế do các nhà đầu tư chưa nhìn thấy hiệu quả khi đầu tư dự án ở thời điểm hiện tại cũng như một số khó khăn về cơ chế chính sách trong đầu tư.

Ngoài ra, sự phối hợp với các Sở ngành TP và Bộ ngành Trung ương chưa phát huy hiệu quả cao; chưa có sự thống nhất giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với Bộ Tài chính về loại tiền tệ áp dụng cho việc xác định giá trị vốn cấp phát lại của dự án tuyến Bến Thành - Suối Tiên; chưa có cơ sở xác định giá trị phân chia vay lại, cấp phát đối với từng nguồn vốn vay cũ và mới cho dự án Bến Thành - Tham Lương.

Việc phát triển đường sắt đô thị phải phù hợp với quy hoạch phát triển địa phương, tạo động lực cho quá trình phát triển đô thị, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác… Tuy nhiên, các dự án này có vốn đầu tư lớn hàng tỷ USD, thuộc dự án quan trọng quốc gia do Thủ tướng phê duyệt. Do đó, thủ tục trình duyệt phải qua nhiều cấp, có thể dẫn đến chậm trễ triển khai. Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kiến nghị cần nghiên cứu cơ chế, chính sách đặc thù để phân cấp, phân quyền cho UBND cấp tỉnh trong việc quyết định phê duyệt các dự án đường sắt đô thị.

Tình hình thực hiện đầu tư các dự án đường sắt đô thị TPHCM

Tuyến số 1 (Bến Thành – Suối Tiên): hiện dự án đã thực hiện được 76,3% khối lượng công việc, phấn đấu cuối năm 2020 đạt 85%, mục tiêu đưa vào vận hành, khai thác vào cuối năm 2021. 

Tuyến số 2 (Bến Thành – Tham Lương): hiện công tác giải phóng mặt bằng cơ bản đã hoàn tất thủ tục, đạt 96,02 %. Ban quản lý đã trình kế hoạch lựa chọn nhà thầu trong công tác di dời hạ tầng kỹ thuật nằm trong phạm vi ảnh hưởng. Đã triển khai thi công và hoàn tất gói thầu xây lấp đầu tiên – gói thầu CP1 (Xây dựng toà nhà văn phòng và các công trình phụ trợ depot Tham Lương).

Tuyến số 5 (Ngã tư Bảy Hiền – Bến xe Cần Giuộc mới), giai đoạn 1; Ngã tư Bảy Hiền – Cầu Sài Gòn: có nguồn vốn ODA từ 4 nhà tại trợ dự kiến là Chính phủ Tây Ban Nha, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng đầu tư châu Âu (EIB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) và vốn đối ứng trong nước. Giai đoạn 2: đoạn Ngã tư Bảy Hiền - Đại học Y Dược huy động nguồn vốn từ Ngân hàng xuất khẩu Hàn Quốc (KEXIM), đoạn Đại học Y Dược – Bến xe Cần Giuộc đang tìm nguồn vốn còn thiếu.

Các tuyến đường sắt đô thị còn lại theo quy hoạch, gồm: tuyến số 2, giai đoạn 2 (Bến Thành – Thủ Thiêm và đoạn Tham Lương – Bến xe Tây Ninh), giai đoạn 3 (Bến xe Tây Ninh – Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi); tuyến số 3a (Bến Thành – Tân Kiên); tuyến số 3b (Ngã sáu Cộng Hoà – Hiệp Bình Phước); tuyến số 4 (Thạnh Xuân – khu đô thị Hiệp Phước); tuyến số 6 (Bà Quẹo – Vòng xoay Phú Lâm); tuyến xe điện mặt đất; tuyến monorail số 2, số 3 và tuyến số 4b (Công viên Gia Định – Lăng Cha Cả) đang xúc tiến kêu gọi đầu tư nguồn vốn, chưa xác định dự kiến tiến độ thực hiện.

Bích Trần

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI