TPHCM cần chuẩn bị gì để trở thành Trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN?

19/10/2023 - 16:30

PNO - TPHCM không chỉ là trung tâm kinh tế, tài chính, đổi mới sáng tạo, mà còn là trung tâm y tế, chăm sóc sức khỏe khu vực phía Nam và cả nước.

Ngày 19/10, tại TPHCM, Bộ Y tế phối hợp với báo Tiền Phong tổ chức Hội thảo “Giải pháp hướng tới mục tiêu trở thành Trung tâm chăm sóc sức khỏe Khu vực ASEAN”.

Hội thảo có sự tham dự của phó giáo sư tiến sĩ Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Anh Dũng, cùng các lãnh đạo Sở Y tế ở tỉnh thành khu vực Đông Nam bộ, Đồng bằng Sông Cửu Long, lãnh đạo các bệnh viện công tập, tư nhân… 

Nâng cao chất lượng nguồn lực và chất lượng khám chữa bệnh

Tại hội thảo, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực y tế cùng lãnh đạo Bộ Y tế đã đưa ra các giải pháp quan trọng nhằm góp phần vào củng cố hệ thống y tế, đưa TPHCM sớm đạt được mục tiêu trở thành Trung tâm Chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN.

PGS. TS Lương Ngọc Khuê cho biết TPHCM không chỉ là trung tâm kinh tế, tài chính, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, mà còn là một trung tâm y tế, chăm sóc sức khỏe khu vực phía Nam nói riêng và cả nước nói chung. 

PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế phát biểu tại hội thảo
PGS. TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế - phát biểu tại hội thảo

“Chính vì vậy, ngành y tế TP cần tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nhân lực y tế chuẩn quốc tế và liên kết quốc tế; liên tục nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh; phát triển cơ sở hạ tầng y tế đồng bộ, hiện đại; hoàn thiện, thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Khám bệnh chữa bệnh và đột phá về y tế chuyên sâu, nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế, chuyển đổi số y tế”, ông Ngọc Khuê cho hay.

Để thực hiện được, ngành y tế TPHCM cũng cần hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh; phát triển chiến lược, cơ chế thu hút bệnh viện quốc tế, nguồn lực xã hội, hợp tác với các trường đại học y khoa uy tín, thu hút nguồn nhân lực chất lượng trong và ngoài nước để nâng cao hệ thống y tế và sức khỏe…

Theo PGS. TS. BS Lâm Việt Trung - Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, hợp tác quốc tế phát triển y tế chuyên sâu sẽ tạo thế mạnh cạnh tranh cao, xu hướng hợp tác quốc tế trong y tế cũng là xu hướng tất yếu cho sự phát triển hiện đại và y tế chuyên sâu.

Từ tháng 10/2018, Trung tâm HECI ra mắt đánh dấu cho sự hợp tác song phương giữa Bệnh viện Chợ Rẫy và Đại học Quốc tế Sức khỏe và Phúc lợi (IUHW) Nhật Bản đã duy trì chương trình đào tạo định kỳ cho nhân viên trung tâm với các chuyên gia Nhật Bản khi huấn luyện trực tiếp hoặc trực tuyến từ giao tiếp đến chuyên môn. Từ đó nâng cao trình độ chuyên môn, tính chuyên nghiệp và đồng bộ cho đội ngũ nhân viên nhất là trong lĩnh vực GPB, CĐHA, nội khoa, nội soi… thúc đẩy hơn nữa các quan hệ Hợp tác quốc tế thiết thực mang lại sự tiến bộ và phát triển y tế chuyên sâu. 

“Nền y tế Việt Nam đủ sức nâng tầm phát triển y tế chuyên sâu cạnh tranh với khu vực”, bác sĩ Việt Trung cho biết.

Người dân khám sức khỏe tại Trung Tâm Kiểm Tra Sức Khỏe Chợ Rẫy Việt Nhật – HECI.
Người dân khám sức khỏe tại Trung tâm Kiểm tra sức khỏe Chợ Rẫy Việt Nhật - HECI

Xây dựng đề án, hệ thống y tế hiện đại

Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Anh Dũng cho biết xuất phát từ mục tiêu phục vụ người dân ngày càng tốt hơn, ngành y tế TPHCM đang tập trung phát triển và xây dựng hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại, ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao, phát triển một số lĩnh vực tiếp cận trình độ thế giới, hướng đến mục tiêu đưa TPHCM trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của khu vực ASEAN.

“Khi xây dựng đề án phát triển TPHCM trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của khu vực ASEAN theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị, Sở Y tế đã đề xuất lãnh đạo thành phố chấp thuận phân chia cụm thống y tế thành 3 cụm, bao gồm cụm y tế trung tâm, cụm y tế Tân Kiên và cụm y tế Thủ Đức”, ông Nguyễn Anh Dũng nói thêm.

Ngoài ra, hệ thống y tế tư nhân của thành phố cũng ngày càng lớn mạnh, tạo thuận lợi cho người dân có thêm nhiều lựa chọn về dịch vụ chăm sóc sức khỏe, góp phần giảm tải cho các cơ sở y tế công lập và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. 

Trung tâm chuyên sâu phẫu thuật và can thiệp tim mạch trẻ em tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM với nhiều trang thiết bị hiện đại
Trung tâm chuyên sâu phẫu thuật và can thiệp tim mạch trẻ em tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM với nhiều trang thiết bị hiện đại

Theo ông Nguyễn Anh Dũng, hiện nay, TPHCM có 66 bệnh viện tư nhân trên tổng số 335 bệnh viện tư nhân trên toàn quốc (chiếm tỷ lệ gần 20% số), và chiếm khoảng 10% tổng số giường bệnh toàn thành phố. Trong đó, nhiều bệnh viện đã triển khai thành công kỹ thuật chuyên sâu trong chẩn đoán, điều trị và chăm sóc người bệnh, đạt được các chuẩn quốc tế về chất lượng bệnh viện và có khả năng tiếp nhận bệnh nhân là người nước ngoài có nhu cầu chữa trị và chăm sóc sức khỏe 

Đồng thời, 8 trường đại học đào tạo nhân lực y tế như Đại học Y dược TPHCM, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Khoa Y Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Nguyễn Tất Thành, Đại học Quốc tế Hồng Bàng… và 20 trường dạy nghề đào tạo điều dưỡng, kỹ thuật viên… là điều kiện thuận lợi để thành phố xây dựng chương trình phát triển nguồn nhân lực y tế chất lượng cao.

Bên cạnh đó, để thực hiện hiệu quả các giải pháp đưa TPHCM sớm trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe trong khu vực ASEAN, thành phố đã và đang xây dựng, triển khai một loạt dự án y tế, bao gồm: Đề án y tế thông minh giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến 2030; Đề án “Phát triển sức khỏe cộng đồng nhằm bảo vệ, chăm sóc nâng cao sức khỏe nhân dân TPHCM giai đoạn 2021 - 2030”; Đề án “Tăng cường tổ chức và nâng cao năng lực Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố”; Đề án “Phát triển y tế chuyên sâu Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn đến năm 2025 và những năm tiếp theo”….

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI