"TPHCM cái gì cũng có, nhưng thiếu sản phẩm có thương hiệu riêng"

10/08/2024 - 17:40

PNO - Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Nguyên Phương – Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM - tại chương trình cà phê doanh nhân, với chủ đề “Xây dựng thương hiệu Việt phát triển vươn ra thế giới”, do Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (Huba) tổ chức ngày 8/8.

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, thời gian qua, UBND TPHCM giao cho Sở Công Thương phối hợp với Sở Nông nghiệp TPHCM tìm cách xây dựng thương hiệu nông sản cho thành phố. Tại đây, cái gì cũng có, nhưng để du khách mua sản phẩm thương hiệu riêng của TPHCM để làm quà, tạo ra sản phẩm khẳng định thương hiệu riêng cho TPHCM, thì lại chưa.

Sở Công Thương đã rà soát rất nhiều, và thấy tại huyện Cần Giờ có nhiều sản phẩm tiềm năng để xây dựng thương hiệu riêng cho TPHCM, nhưng đa phần doanh nghiệp (DN) làm ra sản phẩm còn quá nhỏ lẻ.

Sở có triển khai và kêu gọi các DN lớn cùng tham gia, nhưng không DN nào hưởng ứng. Nếu các DN chịu “đi cùng nhau” xây dựng được thương hiệu riêng cho TPHCM thay vì tự xây dựng thương hiệu một mình, thì sẽ khai thác và thu về được các giá trị to lớn cho TPHCM và cả DN.

Phải làm sao để Việt Nam có những thương hiệu thật sự của Việt Nam. Ảnh chụp tại Hội chợ hàng tiêu biểu xuất khẩu năm 2024 - Ảnh: Thanh Hoa
Phải làm sao để Việt Nam có những thương hiệu thật sự của Việt Nam. Ảnh chụp tại Hội chợ hàng tiêu biểu xuất khẩu năm 2024 - Ảnh: Thanh Hoa

Bà Võ Thị Liên Hương – Tổng giám đốc Secoin – cho biết, uy tín về chất lượng sản phẩm, uy tín về thương hiệu Việt Nam ở trên thị trường thị thế giới còn rất thấp.

Cách đây 15-20 năm, khi DN đưa sản phẩm vào các kênh phân phối tại nước ngoài, thì được đánh giá chất lượng sản phẩm rất tốt, nhưng nếu nghe sản phẩm “Made in Việt Nam”, thì các đối tác nước ngoài chưa sẵn sàng đón nhận. Các kênh phân phối sản phẩm của Secoin cố gắng không nói về nguồn gốc sản phẩm, hoặc có nói thì sẽ nói dù ghi là “Made in Việt Nam”, nhưng được thiết kế bởi Mỹ, châu Âu hoặc ở một quốc gia nào đó cao cấp hơn.

Bên cạnh đó, còn có một thực trạng là các thương hiệu Việt Nam rất thành công, nhưng sau đó đều bị các đối tác nước ngoài mua lại.

Bà Liên Hương cho rằng, cần phải tạo ra sản phẩm mà những nơi khác không có được. Sản phẩm phải giống như thời trang, mỗi ngày phải phải thay đổi, đòi hỏi DN phải lao ra thị trường đó, lang thang suốt ngày tại các hội chợ, showroom để gặp gỡ khách hàng, để cảm nhận thị hiếu của thị trường đó như thế nào.

Theo bà Phan Thị Tuyết Mai – Phó Chủ tịch Hội nữ Doanh nhân TPHCM (Hawee) - nói đến cà phê Trung Nguyên hay nói đến Vinamilk là nghĩ đến Việt Nam. Cụm từ “Việt Nam” được dẫn dắt vị trí địa lý đi theo nhãn hiệu thì mới thành công.

Khi làm một sản phẩm đem ra nước ngoài, hãy suy nghĩ đó không phải là sản phẩm mà là tác phẩm, mang cả tấm lòng, bản sắc văn hóa, trái tim của Việt Nam đem ra nước ngoài.

Trong thế vận hội mua đông tại Nhật Bản năm 2020, sản phẩm Socola do bà Mai làm ra được đặt hàng làm quà tặng. Bà Mai từng hỏi Chủ tịch Hội đồng Olympic châu Á rằng, nguyên liệu socola do bà mua ở Việt Nam, bao bì làm ở Việt Nam, hình ảnh trên bao bì do tôi vẽ ra, thì DN có thể ghi trên bao bì là “Product of Việt Nam” chứ không để là “Made in Việt Nam” được không, thì họ đồng ý.

Bà Mai khẳng định, nếu muốn tự hào về sản phẩm Việt Nam, sản phẩm được lấy hoàn toàn từ Việt Nam, thì DN hãy mạnh dạn ghi “Product of Việt Nam” để khẳng định thương hiệu mạnh hơn.

Ở phân khúc sản phẩm du lịch, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐTQT Vietravel Group – cho rằng, khách du lịch quay lại Việt Nam lần thứ hai không chỉ dựa vào độ dày, độ sâu của sản phẩm du lịch, mà hệ sinh thái du lịch phải tốt.

Theo ông Kỳ, nếu các sở ngành để chợ Bến Thành (quận 1, TPHCM) tiếp tục phát triển theo cách hiện tại, thì sẽ có lỗi với tiền nhân. Khách du lịch nói chung, người dân TPHCM nói riêng, thích mua sắm và tiêu tiền vào ban đêm, nhưng chợ Bến Thành lại đóng cửa rất sớm, xung quanh chợ không phát triển kinh doanh thêm các sản phẩm đặc trưng nào của TPHCM thì rất uổng phí vị trí khu đất vàng.

Còn với việc định vị sản phẩm quà tặng nông nghiệp của TPHCM, các DN từng hiến kế cho TPHCM xây dựng phố ẩm thực tại đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận, TPHCM), khu ẩm thực cao cấp tại Thảo Điền (TP Thủ Đức, TPHCM), nhưng các sở ngành làm không đến nơi đến chốn.

“Toàn bộ món ngon vật lạ từ các nơi đều hội tụ về TPHCM, nếu không quy hoạch tập trung và để phân tán như hiện nay là không ổn. Chúng ta đã có Nghị quyết 98, nhưng đến nay vẫn còn loay hoay câu chuyện có làm đúng luật hay không.

Tôi dẫn chứng để thấy quy định của chúng ta rất nặng nề, vô tình làm cho các DN ngại đóng góp. Các sở ngành nên tính toán lại, tìm ra giải pháp, giảm bớt các quy định để DN đóng góp nhiều hơn cho TPHCM. Nếu cứ để như thế này rồi muốn xây dựng thương hiệu ra quốc tế sẽ rất lâu” – ông Nguyễn Quốc Kỳ đề xuất.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI