TPHCM bứt tốc về đích Chương trình giáo dục phổ thông 2018

04/03/2024 - 20:37

PNO - Các trường học, địa phương tại TPHCM đang nỗ lực để về đích Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 trong năm học tới.

Sáng tạo vượt khó

Suốt 4 năm thực hiện Chương trình GDPT 2018, sĩ số của Trường tiểu học Ngô Quyền (quận Bình Tân) luôn dao động trên dưới 5.000 học sinh. Năm học 2023-2024 sĩ số toàn trường là 5.200 học sinh, với 109 lớp - được xem là trường có quy mô lớn nhất TPHCM và cả nước. 

Tuy nhiên, trong 4 năm thực hiện chương trình mới, 100% học sinh của trường đều được học tiếng Anh, tin học. Tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày của trường đạt 50%, còn lại là học 7 buổi/tuần. Trường đủ 100% giáo viên đứng lớp thực hiện chương trình. 

Các trường học tại TPHCM đang nỗ lực để về đích Chương trình GDPT 2018 trong năm học tới
Các trường học tại TPHCM đang nỗ lực để "về đích" Chương trình GDPT 2018 trong năm học tới- Ảnh: Q.Tr

Đằng sau những số liệu đó, thầy Võ Phương Bình - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Quyền cho biết từ năm 2017, nhà trường đã sớm xây dựng lộ trình tuyển dụng giáo viên tiếng Anh, tin học, trang bị cơ sở vật chất từ phòng máy vi tính cho đến thiết bị giảng dạy mỗi lớp học. Đến nay, 100% các lớp học của trường đều có máy chiếu, ti vi. Toàn trường hiện có 15 giáo viên tiếng Anh, 4 giáo viên tin học phụ trách 4 phòng máy.

“Áp lực lớn nhất của trường khi thực hiện Chương trình GDPT 2018 là sĩ số. Hiện nay, sĩ số trung bình mỗi lớp là gần 48 học sinh, vượt xa chuẩn quy định. Để thực hiện tốt việc dạy và học theo Chương trình GDPT 2018, nhà trường linh hoạt sắp xếp thời khóa biểu, đảm bảo dù học sinh lớp 1 buổi hay 2 buổi cũng đều được học thêm nhiều kỹ năng mà chương trình mới yêu cầu” - thầy Bình nói. 

Đặc biệt, nhìn nhận sự đồng hành, chia khó của phụ huynh với nhà trường là yếu tố tiên quyết giúp trường triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018, thầy Bình cho biết trong 2 năm nay trường đẩy mạnh mô hình “trường học xanh, lớp học mở”.

Phụ huynh được cùng tham gia trải nghiệm các hoạt động giáo dục, học tập cùng con ở trường, từ đó có sự thấu hiểu, chia sẻ, chung tay cùng nhà trường “gỡ” những vấn đề còn đang vướng mắc trong quá trình triển khai. Từ mô hình lớp học mở, giáo viên cũng tự tin, vững tay hơn rất nhiều trong đổi mới phương pháp, đổi mới tư duy dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

Là địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh, hàng năm quận Tân Phú chịu nhiều áp lực về sĩ số học sinh, khiến việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 gặp nhiều khó khăn. Trong 4 năm thực hiện chương trình mới, tỷ lệ học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày trên địa bàn quận chỉ đạt gần 30%. Trước khó khăn này, quận đã vận dụng linh hoạt việc tổ chức dạy học trên 5 buổi/tuần, kết hợp dạy học trực tiếp và trực tuyến, giúp không chỉ thực hiện nội dung chương trình giáo dục mà còn gia tăng trải nghiệm thực tế cho học sinh ở các hoạt động giáo dục.

Ông Phan Sĩ Đạt - Trưởng phòng GD-ĐT quận Tân Phú chia sẻ, thời điểm đầu thực hiện việc dạy trực tuyến kết hợp trực tiếp cũng gặp một số rào cản từ phía giáo viên, phụ huynh. Nhiều giáo viên cho rằng đang thêm việc, còn phụ huynh thì phản ứng khi cho rằng hết dịch rồi, việc dạy trực tuyến là thiếu hiệu quả với học sinh tiểu học. Từng chút một, nhà trường vừa làm công tác truyền thông, tư tưởng cho phụ huynh, vừa nỗ lực giúp phụ huynh nhận thấy hiệu quả của mô hình dạy học kết hợp

Ông Phan Sĩ Đạt hồ hởi cho biết:“Với sự mạnh dạn đổi mới tư duy, sáng tạo trong cách thức triển khai, đến nay mô hình kết hợp dạy trực tiếp với trực tuyến đã không chỉ giúp quận khắc phục khó khăn, thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT 2018 mà còn là đòn bẩy để các trường thực hiện chuyển đổi số giáo dục một cách mạnh mẽ, đồng bộ…

Tăng tốc về đích

Nỗ lực đổi mới dạy học và kiểm tra đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực phẩm chất học sinh theo mục tiêu Chương trình GDPT 2018 hướng tới, từ năm học này, các tổ bộ môn Trường THPT Phan Đăng Lưu (quận Bình Thạnh) đã triển khai các dự án học tập trong môn học. Nhiều giáo viên trước giờ chưa dám “bước ra ngoài vùng an toàn” thì nay khi được động viên, khích lệ đã chủ động thực hiện các dự án học tập lớn.

Lần đầu giáo viên trong tổ Lịch sử mạnh dạn thực hiện một dự án học sinh khối 10 tìm hiểu về di sản văn hoá Việt Nam, thầy Lê Trúc Hưng- Tổ trưởng tổ Lịch sử, Trường THPT Phan Đăng Lưu phấn khởi: “Năm thứ 2 thực hiện chương trình mới, cả tổ mới dám mạnh dạn thực hiện một dự án môn học vì… sợ, vì ngại. Không phải vì ngại đổi mới mà vì sợ sai, giáo viên chưa dám tự tin, sợ không “tròn trịa”. Năm nay, khi được hiệu trưởng động viên, đội ngũ như được tiếp lửa để sáng tạo, tự tin hơn để bước về đích trong năm học sau”.

Học sinh lớp 10 Trường THPT Phan Đăng Lưu tự tin tham gia dự án môn lịch sử
Học sinh lớp 10 Trường THPT Phan Đăng Lưu tự tin "lên đồng" trong dự án môn lịch sử- Ảnh:Q.Tr

Trung bình mỗi năm, quận Bình Tân có khoảng 120 ngàn học sinh ở các bậc học từ mầm non đến THCS, bằng tổng số học sinh 3 quận 6, 11 và quận 5 gộp lại. Riêng năm học 2024-2025, quận ước đón khoảng 11.000 học sinh lớp 1. Xác định rào cản trường lớp không theo kịp sĩ số học sinh là khó khăn khi thực hiện Chương trình GDPT 2018, quận Bình Tân đã quyết tâm xây dựng mới hàng loạt ngôi trường.

Ông Ngô Văn Tuyên - Trưởng phòng GD-ĐT quận Bình Tân thông tin, năm học 2024-2025, quận sẽ đưa vào sử dụng 7 trường học mới theo hướng chuẩn quốc gia, gồm 5 trường tiểu học, 1 trường mầm non và 1 trường THCS. Với tổng số 204 phòng học mới được đưa vào sử dụng sẽ nâng chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học (từ 3-18 tuổi) trên địa bàn quận lên 295 phòng (tính riêng hệ công lập). Nếu tính thêm các trường ngoài công lập, chỉ tiêu này vượt xa mốc 300 phòng học.

Việc đưa vào sử dụng thêm 5 trường tiểu học mới trong năm học tới sẽ giúp quận kéo giảm được sĩ số học sinh/lớp từ 45 em xuống còn 35 em; những trường có trên 50 lớp sẽ được kéo xuống còn 30 lớp; tăng tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày, giúp thực hiện tốt nhất mục tiêu Chương trình GDPT 2018…

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI