TPHCM bổ sung Tổ COVID-19 dựa vào cộng đồng để theo dõi F0 điều trị ở nhà

27/08/2021 - 17:02

PNO - Ngày 27/8, Sở Y tế TPHCM có văn bản hướng dẫn gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0, bổ sung "Tổ COVID-19 dựa vào cộng đồng", giảm danh mục thuốc dành cho F0 xuống còn 2 loại.

 

Nhân viên y tế quận 11 chăm sóc F0 tại nhà
Nhân viên y tế quận 11 chăm sóc F0 tại nhà

Theo văn bản hướng dân gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0 (phiên bản 1.5) của Sở Y tế TPHCM giám đốc các bệnh viện, Trung tâm y tế TP Thủ Đức và các quận, huyện phải bổ sung loại hình "Tổ COVID-19 dựa vào cộng đồng" theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế, phải tổ chức thực hiện đảm bảo an toàn, hiệu quả cho người mắc COVID-19.

Sở Y tế cho biết, F0 phải có số điện thoại của nhân viên y tế để liên hệ khi cần tư vấn, hỗ trợ (tổng đài 1022, số điện thoại trạm y tế, trạm y tế lưu động hoặc tổ phản ứng nhanh phường, xã, thị trấn, quận, huyện, TP. Thủ Đức). "Trạm Y tế lưu động” và “Tổ COVID dựa vào cộng đồng” tổ chức thăm khám, phát ngay gói thuốc điều trị COVID-19 tại nhà cho người F0. Theo dõi sức khỏe tại nhà, kịp thời phát hiện các trường hợp F0 có triệu chứng chuyển nặng, các trường hợp F0 thuộc nhóm nguy cơ cao trên địa bàn như người già neo đơn, người có bệnh lý tâm thần,... để kịp thời đưa đến các cơ sở cách ly điều trị.

Người F0 khi có dấu hiệu chuyển nặng như khó thở biểu hiện bằng thở hụt hơi, thở nhanh trên 30 lần/phút, li bì, lừ đừ, tím tái môi, đầu chi, SpO2 dưới 95% thì gọi ngay số điện thoại của "Trạm Y tế lưu động”, "Tổ COVID-19 dựa vào cộng đồng", tổ phản ứng nhanh, phường, xã, quận, huyện hoặc gọi 115 để được cấp cứu và vận chuyển đến bệnh viện điều trị kịp thời.

Về bổ sung khám bệnh và theo dõi sức khỏe “Trạm Y tế lưu động” và “Tổ COVID dựa vào cộng đồng”, các lực lượng này quản lý danh sách các trường hợp F0 đang cách ly tại nhà trên địa bàn được phân công phụ trách.

“Trạm Y tế lưu động” và “Tổ COVID dựa vào cộng đồng” tổ chức thăm khám, phát ngay gói thuốc điều trị COVID-19 tại nhà cho người F0 và theo dõi sức khỏe tại nhà, kịp thời phát hiện các trường hợp F0 có triệu chứng chuyển nặng, các trường hợp F0 thuộc nhóm nguy cơ cao trên địa bàn (người già neo đơn, người tâm thần…) để kịp thời đưa đến các cơ sở cách ly điều trị.

Hướng dẫn người F0 khai báo tình hình sức khỏe mỗi ngày qua ứng dụng khai báo y tế điện tử, lập phiếu theo dõi sức khỏe, kịp thời phát hiện các trường hợp có triệu chứng nặng để phối hợp với tổ phản ứng nhanh của phường, xã, quận, huyện vận chuyển người bệnh tới các bệnh viện quận, huyện để điều trị.

Hướng dẫn người F0 gọi tổng đài “1022", bấm số “3” hoặc số “4” để được tư vấn và hướng dẫn tự chăm sóc sức khỏe tại nhà, khi cần. Cập nhật thông tin về tình trạng sức khỏe người F0 hàng ngày vào phần mềm “Hệ thống quản lý người cách ly và người bệnh COVID-19”.

Cách sử dụng 3 gói thuốc điều trị COVID-19 tại nhà (dành cho người trên 18 tuổi)

Thuốc điều trị COVID-19 tại nhà gồm 3 gói A, B, C. Gói thuốc A là những thuốc thông dụng bao gồm thuốc hạ sốt và thuốc nâng cao thể trạng. Gói thuốc B là thuốc kháng viêm và thuốc chống đông chỉ sử dụng trong tình huống đặc biệt. Gói thuốc C là thuốc kháng virus được sử dụng theo chương trình can thiệp cộng đồng có kiểm soát của Bộ Y tế.

GÓI THUỐC A (dùng trong 7 ngày)

1. Paracetamol 500mg

Uống 1 viên khi sốt trên 38,5°C, có thể lặp lại mỗi 4 giờ đến 6 giờ nếu vẫn còn sốt.

2. Các loại vitamin (vitamin tổng hợp hoặc vitamin C)

Uống ngày 2 lần: sáng 1 viên, chiều 1 viên.

GÓI THUỐC B (dùng trong 3 ngày)

Gồm hai loại trên và thêm:

3. Dexamethasone 0,5mg

Uống ngày 1 lần: sáng 12 viên sau khi ăn (tương đương 6mg/ngày).

hoặc Methylprednisolone 16mg

Uống ngày 2 lần: sáng 1 viên, chiều 1 viên sau khi ăn (tương đương 32mg/ngày).

Hoặc Prednisolone 5mg

Uống ngày 1 lần: sáng 8 viên sau khi ăn (tương đương 40 mg/ngày).

4. Rivaroxaban 10mg

Uống ngày 1 lần: sáng 1 viên.

Hoặc Apixaban 2,5 mg

Uống ngày 2 lần: sáng 1 viên, chiều 1 viên.

Lưu ý:

- Thuốc số 3 và thuốc số 4 KHÔNG sử dụng trong các trường hợp sau: Phụ nữ có thai và phụ nữ đang cho con bú, người có mắc một trong những bệnh sau: viêm loét dạ dày tá tràng, suy gan, suy thận, các bệnh lý dễ gây chảy máu đường tiêu hóa, đường tiết niệu và các bệnh lý dễ gây chảy máu khác.

- Hướng dẫn người bệnh khi cảm thấy khó thở (thở hụt hơi, khó thở tăng lên khi vận động, nhịp thở khi nghỉ ngơi trên 20 lần/phút hoặc đo SpO2 dưới 95%) phải liên hệ ngay với bác sĩ để được hỗ trợ.

- Nếu chưa liên hệ được bác sĩ, người bệnh có thể uống thêm thuốc kháng viêm (thuốc số 3) và thuốc chống đông (thuốc số 4), thời gian tự uống KHÔNG QUÁ 3 NGÀY.

- Trong thời gian này người bệnh cần tiếp tục liên hệ bác sĩ để được hỗ trợ, tùy tình trạng sức khỏe của người bệnh, bác sĩ sẽ quyết định dùng tiếp các thuốc này hay không.

GÓI THUỐC C (dùng trong 5 ngày)

Đây là thuốc kháng virus được chỉ định đối với trường hợp F0 có triệu chứng nhẹ, thuốc này được Bộ Y tế cung cấp trong chương trình can thiệp cộng đồng có kiểm soát.

Các cơ sở y tế cần hướng dẫn cho người F0 ký “Phiếu chấp thuận tham gia chương trình sử dụng thuốc Molnupiravir có kiểm soát tại cộng đồng cho người mắc COVID-19 nhẹ” trước khi cấp phát và sử dụng.

5. Molnupiravir viên 200mg hoặc viên 400mg

Uống ngày 2 lần: sáng 800mg, chiều 800mg, uống 5 ngày liên tục.

Lưu ý:

- Thuốc số 5 KHÔNG sử dụng trong các trường hợp sau: Phụ nữ đang mang thai và cho con bú, người suy gan, viêm gan siêu vi cấp, suy thận, viêm tụy cấp hoặc mạn.

- Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, đối với người bệnh đang sử dụng thuốc Molnupiravir nếu cần phải uống thuốc kháng viêm và chống đông theo hướng dẫn như trên thì NGƯNG sử dụng thuốc Molnupiravir.

Phạm An - Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI