TPHCM bắt đầu chiến dịch tiêm vắc xin ngừa sởi

31/08/2024 - 14:45

PNO - Trong chiến dịch đợt này, mục tiêu của các trạm y tế là tiêm phủ ít nhất 1 mũi vắc xin sởi cho trẻ kể cả trẻ thường trú và tạm trú.

Sáng 31/8, TPHCM đã bắt đầu chiến dịch tiêm vắc xin sởi đồng loạt trên toàn địa bàn, ở đợt này Sở Y tế TPHCM đã tổ chức 3 đoàn kiểm tra, giám sát công tác tiêm chủng, đảm bảo an toàn tốt nhất cho các bé.

Trong đợt này, tất cả 22 quận, huyện tại TPHCM sẽ tiêm ngừa cho trẻ 5 tuổi trở xuống. Chiến dịch dự kiến kết thúc vào ngày 31/10.

Phụ huynh đưa trẻ đến tiêm ngừa tại trạm y tế phường An Lạc, quận Bình Tân
Phụ huynh đưa trẻ đến tiêm ngừa tại trạm y tế phường An Lạc, quận Bình Tân

Vừa biết tin hôm nay sẽ tiêm vắc xin sởi, nhiều phụ huynh tại phường An Lạc, quận Bình Tân đã đến trạm y tế trên địa bàn để tiêm ngừa. Chờ đến lượt vào khám sàng lọc trước tiêm, bà Trần Thị Tuyết Mai (71 tuổi) cho biết bé Lý Khả Hân (4 tuổi, cháu nội bà Mai) còn thiếu 1 mũi vắc xin sởi, nên bà đến đăng ký cho bé. Theo bà Mai, các cháu của bà đều đến trạm y tế để tiêm theo hướng dẫn, đợt này đợi tiêm hơi lâu: “Càng gần năm học mới, tôi càng lo lắng bởi hiện nay đã nhiều bé bị sởi rồi. May mắn, đợt này bác sĩ ở trạm đã mời lên tiêm, gia đình cũng yên tâm hơn để cháu đi học”.

Bé Dương Thanh Ngọc (5 tuổi) cũng thiếu 1 mũi vắc xin ngừa sởi nhắc lại. Anh Dương Trực Quang (44 tuổi, cha bé Ngọc) nói: “Đúng ra là bé phải được tiêm ngừa lâu rồi, nhưng do dịch COVID-19, con tôi bị hoãn nhiều lần nên chỉ tiêm được 1 mũi cho đến nay. Vì vậy, ngay khi nhận được tin nhắn của trạm y tế về chiến dịch tiêm ngừa, tôi tranh thủ đưa con lên sớm để kịp thời tiêm ngừa phòng dịch”.

Nhân viên y tế kiểm tra lịch sử tiêm ngừa cho trẻ
Nhân viên y tế kiểm tra lịch sử tiêm ngừa cho trẻ

Bên cạnh các bé được tiêm ngừa, một số bé phải quay về vì đã tiêm chủng đầy đủ. Anh Lê Thanh Luân (40 tuổi) đứng ngồi không yên khi năm học mới bắt đầu, tuy nhiên, khi nhân viên y tế rà soát sổ tiêm chủng, các bé đã tiêm ngừa đầy đủ 2 mũi vắc xin sởi. Anh Luân chia sẻ do thấy sởi đang tăng nhanh, sợ con không đủ miễn dịch nên đưa bé đi tiêm thêm vì không nhớ con đã tiêm đủ mũi vắc xin chưa. “Trước đây cứ đến ngày tiêm ở trạm y tế tôi lại bận việc nên không đưa con đi tiêm được, chỉ chủ động đưa bé đi tiêm dịch vụ. Hôm nay bác sĩ nói con đã tiêm đầy đủ các loại vắc xin ngừa bệnh theo độ tuổi nên tôi đã bớt lo lắng” - anh Luân nói.

Giám sát buổi tiêm ngừa, bà Lê Thị Ngọc Dung - Phó chủ tịch UBND quận Bình Tân - cho biết, ngay khi ghi nhận ca bệnh sởi trên địa bàn vào tháng Sáu, quận đã quyết liệt tổ chức tiêm bù, tiêm vét khoảng 2.000 mũi vắc xin ngừa sởi cho trẻ để phòng ngừa dịch bệnh. Hiện tại, còn khoảng gần 3.000 trẻ trên địa bàn tiêm thiếu mũi vắc xin sởi.

Trong đợt tiêm ngừa này, các trạm y tế đặt mục tiêu phải tiêm ngừa ít nhất 1 mũi cho các trẻ trên địa bàn
Trong đợt tiêm ngừa này, các trạm y tế đặt mục tiêu phải tiêm ngừa ít nhất 1 mũi cho trẻ trên địa bàn

“Trong sáng nay, hoạt động tiêm chủng được tổ chức ở 10 trạm y tế trên địa bàn quận và xuyên suốt những ngày lễ. Dự kiến, mỗi buổi sẽ có 30-60 trẻ được tiêm ngừa ở từng điểm tiêm. Quận Bình Tân sẽ tiếp tục rà soát tất cả trẻ cư trú trên địa bàn, kể cả trẻ vừa theo cha mẹ đến sinh sống, lập danh sách và mời tiêm chủng tránh tình trạng bỏ sót trẻ” - bà Lê Thị Ngọc Dung chia sẻ.

Theo bác sĩ Nguyễn Duy Long - Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TPHCM, để đảm bảo an toàn tiêm chủng cho trẻ, mỗi điểm tiêm có 3 lực lượng bác sĩ sẵn sàng rà soát, cấp cứu khi xảy ra phản ứng sau tiêm, bao gồm đội tiêm, ê kíp cấp cứu tại điểm tiêm, bệnh viện gần nhất. Trung tâm Cấp cứu 115 TPHCM cũng phân công lực lượng trực tổng đài để tiếp nhận thông tin, ê kíp cấp cứu ngoại viện sẵn sàng chi viện khi có tình huống nguy cấp.

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM - cho hay, hiện nay 2 nhiệm vụ quan trọng nhất là tăng miễn dịch trong cộng đồng, đảm bảo tiêm ngừa vắc xin sởi cho tất cả trẻ, nhằm đạt độ bao phủ miễn dịch trên 95% cho cộng đồng, và bảo vệ trẻ thuộc nhóm nguy cơ như trẻ mắc bệnh mãn tính, suy giảm miễn dịch… bằng cách hạn chế lây lan trong cộng đồng và trong bệnh viện. Chiến dịch đợt này đảm bảo tất cả trẻ được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin sởi. Ngoài ra, các quận huyện cần lập danh sách tất cả trẻ trên địa bàn (cả thường trú và tạm trú) nếu chưa tiêm đủ mũi vắc xin phòng bệnh sẽ được tiêm ngay.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI