Điểm sáng kinh tế - xã hội năm 2023
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2023, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan nhìn nhận, trong năm 2023 TPHCM chịu tác động của các bất ổn kinh tế, chính trị thế giới và những khó khăn chung từ nền kinh tế trong nước.
Tuy nhiên, với sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, GRDP thành phố trong quý I tăng 0,7% (cả nước tăng 3,28%). Trước tính hình đó, thành phố đã triển khai quyết liệt các giải pháp qua đó đã tạo chuyển biến tích cực. GRDP Thành phố quý II tăng 5,87% (cả nước tăng 5,33%); sang quý III, GRDP thành phố tăng 6,71%. Tiếp bước đà tăng trưởng của quý III, GRDP Thành phố trong quý IV/2023 có mức tăng trưởng bứt phá với mức tăng 9,62% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP năm 2023 ước đạt tăng 5,81% so với năm 2022.
|
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan báo cáo tại hội nghị |
Về đầu tư nước ngoài, thu hút được khoảng 5,85 tỉ USD, tăng 48,5% so với cùng kỳ. Về tình hình thực hiện vốn đầu tư công, thành phố đã giao và phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công là hơn 68.634 tỉ đồng. Theo số liệu báo cáo của Kho bạc Nhà nước TPHCM, tính đến ngày 30/12/2023, tổng vốn kế hoạch đầu tư công đã giải ngân là hơn 42.931 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 63% tổng số vốn giao. Ước đến ngày 31/1/2024, giải ngân đạt 71% so với tổng số vốn được giao.
Triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM của Nghị quyết số 98. Hoạt động chuyển đổi số đạt nhiều kết quả tích cực, đứng thứ 2 cả nước về Chỉ số chuyển đổi số. Công tác đối ngoại tiếp tục đẩy mạnh, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác nhiều mặt...
Ông Võ Văn Hoan đánh giá, dù TPHCM đã làm tốt mục tiêu ngăn chặn đà suy giảm, việc triển khai kịp thời các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện chủ đề công tác năm 2023 cơ bản đã hoàn thành theo Kế hoạch. Chuyển động bộ máy chính quyền Thành phố có nhiều tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, thành phố vẫn còn tồn tại những khó khăn hạn chế, nhiều chỉ tiêu thành phần dự kiến không đạt (08/21 chỉ tiêu), tiến độ một vài công việc tồn đọng còn chậm, tốc độ giải ngân chưa đạt như kỳ vọng. Vẫn còn những quy trình, thủ tục chưa kịp thời, một số điểm nghẽn chậm được tháo gỡ.
Nhiều giải pháp gỡ điểm nghẽn
Bàn về các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2024, ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM - cho rằng, TPHCM phải tập trung giải phóng các nguồn lực đang có, quan tâm tiếp tục khơi thông nhu cầu từ nước ngoài thông qua mở ra các thị trường mới, thực hiện các giải pháp kích cầu trong nước nhằm tăng khả năng hấp thụ vốn.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa xác định đầu tư công vẫn là then chốt quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế, thời gian tới TPHCM đẩy mạnh các dự án đầu tư công, tạo điều kiện cho doanh nghiệp dự thầu, vay vốn kích cầu, tận dụng thời cơ để đón dòng chuyển vốn từ các nước. Sớm ban hành giá đất các khu công nghiệp mới, chuyển đổi các khu công nghiệp, công nghệ cao.
|
Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM cho rằng, thành phố phải thực hiện các giải pháp kích cầu trong nước nhằm tăng khả năng hấp thụ vốn |
Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch - Chủ tịch Hội đồng tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 đề nghị, Chính phủ tạo điều kiện, sớm gỡ các điểm nghẽn, khó khăn. TPHCM có nguồn lực doanh nghiệp nhà nước rất lớn, có thể tổ chức lực lượng này để cùng với Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TPHCM tạo thành công cụ để dẫn dắt đầu tư.
"Về mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 là 7,5-8%, đây là thách thức rất lớn, khó nhưng không có nghĩa là không thể làm được. Tôi nghĩ TPHCM cần có bộ hệ thống quy định những nội dung mở rộng phân cấp, phân quyền rõ ràng ở một số lĩnh vực thì mới gỡ được các khó khăn, nhất là đầu tư công. Cái khó nhất của TPHCM là những việc mới chưa làm hết nhưng cái cũ còn tồn tại quá nhiều, các công trình bị vướng. Đề nghị Chính phủ hỗ trợ từng cái một, chứ bây giờ chỉ lo cái cũ không thì sao làm cái mới được" - tiến sĩ nhấn mạnh.
|
Quang cảnh hội nghị |
Bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM đề xuất, trong năm 2024 TPHCM phải tổ chức quán triệt, nâng cao năng lực, trách nhiệm của các chủ đầu tư, thủ trưởng các sở, ngành, chủ tịch địa phương trong triển khai thực hiện dự án.
"Gắn kết quả giải ngân đầu tư với công tác đánh giá thực hiện nhiệm vụ thi đua và công tác cán bộ. Rút ngắn ít nhất 30% thời gian giải quyết hồ sơ trong toàn bộ quy trình thủ tục đầu tư từ lúc bắt đầu đến kết thúc xong dự án. Các cơ quan quản lý nhà nước phải chủ động hướng dẫn cụ thể cho chủ đầu tư ngay từ giai đoạn lập các hồ sơ, tránh sửa đổi bổ sung nhiều lần để tiết kiệm thời gian, chi phí. Chủ động trong bố trí, điều hành vốn, kiên quyết cắt giảm vốn các dự án chậm. Đặc biệt, ưu tiên bố trí vốn các dự án có tác động lan tỏa để nâng cao hiệu quả đầu tư" - Bà Lê Thị Huỳnh Mai kiến nghị.
Tú Ngân