TPHCM bàn giải pháp phục hồi kinh tế: "Nóng" chuyện nhà ở cho công nhân

16/10/2021 - 12:20

PNO - Một trong những giải pháp mang tính bền vững phục hồi và phát triển của kinh tế TPHCM, theo các chuyên gia, là đảm bảo nhà ở cho người lao động.

Hội thảo phục hồi và phát triển kinh tế do UBND TPHCM tổ chức sáng 16/10
Hội thảo phục hồi và phát triển kinh tế do UBND TPHCM tổ chức sáng 16/10

Sáng 16/10, UBND TPHCM tổ chức Hội thảo khoa học Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TPHCM giai đoạn 2022-2025. Tại đây, các chuyên gia, nhà khoa học đã đóng góp, thảo luận nhiều giải pháp để trong điều kiện phòng chống dịch, TP vẫn có thể phục hồi, bứt phá phát triển kinh tế - xã hội.

Mạnh dạn phục hồi kinh tế

PGS.TS. Đỗ Văn Dũng, Trường đại học Y Dược TPHCM, cho rằng để sống chung an toàn và bền vững với COVID-19, thì phải có được miễn dịch cộng đồng và muốn duy trì miễn dịch cộng đồng thì phải sống chung với COVID-19.

“Gần 100% người dân đã được tiêm ngừa và 72% người dân đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, TPHCM đã đạt được miễn dịch cộng đồng một phần, nghĩa là ngoại trừ những người đã tiêm vắc xin sẽ được bảo vệ, những người chưa tiêm vắc xin cũng được bảo vệ một phần do giảm nguy cơ bị lây nhiễm từ những người xung quanh, mà đa số những người này đã được tiêm ngừa” - PGS.TS. Đỗ Văn Dũng khẳng định.

PGS.TS. Đỗ Văn Dũng - Trường đại học Y Dược TPHCM
PGS.TS. Đỗ Văn Dũng - Trường đại học Y Dược TPHCM

TPHCM chưa đạt được miễn dịch cộng đồng hoàn toàn song đã từng bị dịch bệnh lưu hành nên sẽ có khả năng đạt được miễn dịch cộng đồng tốt hơn. Khi nới lỏng giãn cách để phục hồi kinh tế, số ca mắc sẽ gia tăng nhưng không nhanh.

Qua đó, PGS.TS. Đỗ Văn Dũng mong muốn TP tiếp tục các quy định phòng chống dịch tại các cơ quan, tổ chức, xí nghiệp và chấp nhận số ca mắc COVID-19 gia tăng miễn là tình hình dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát. Cùng với đó, mạnh dạn xây dựng, thực hiện kế hoạch phục hồi kinh tế nhằm tranh thủ thời cơ.

Nối lại các chuỗi đứt gãy

Theo TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn Chính phủ, trước tiên TP phải xác định những trụ cột cần có giải pháp thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi tăng trưởng. Theo đó, hành chính công và quản trị công là nhóm giải pháp ít tốn kém nhất, nhưng hiệu quả nhất để giúp doanh nghiệp tự phục hồi phát triển theo quan hệ thị trường và giúp người dân tự tạo ra sinh kế cho mình.

Cũng theo TS. Trần Du Lịch, UBND TP cần chủ động quan hệ với các địa phương, khai thông hệ thống vận tải, chấm dứt tình trạng chia cắt theo ranh giới hành chính gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Đồng thời, có kế hoạch phối hợp với các địa phương hỗ trợ lao động quay lại làm việc; nghiên cứu cơ chế phối hợp chung giữa TPHCM với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt với 3 địa phương là Long An; Bình Dương; Đồng Nai…

TS. Trần Du Lịch - Thành viên Tổ tư vấn Chính phủ phát biểu tại hội thảo
TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn Chính phủ, phát biểu tại hội thảo

PGS.TS. Hoàng Công Gia Khánh, Đại học Kinh tế - Luật TPHCM, nhấn mạnh sự đứt gãy về lao động, biện pháp khắc phục. Theo đó, chỉ số sử dụng lao động trong tháng 8/2021 tại TPHCM rất thấp, với 36,7%, trong khi Bình Dương 75,2%; Tây Ninh: 69,4%; Long An: 88,9%. Số lao động tạm thời mất việc hoặc mất việc sau 5 tháng giãn cách là 1.046.676, chiếm 41,2% lao động tham gia BHXH.

“Với mức độ tổn thất nghiêm trọng, cung và cầu thị trường nội địa đều sẽ phục hồi hết sức chậm chạp, do đó cơ hội việc làm sẽ vẫn còn tiếp tục khó khăn” - PGS.TS. Hoàng Công Gia Khánh khẳng định và cho hay, một lượng lớn dòng lao động về quê trong thời gian qua, dự báo chậm quay trở lại TP sẽ gây nên tình trạng thiếu hụt lao động.

Cùng với đó, giãn cách thời gian dài đã bẻ gãy liên kết kinh tế giữa TPHCM với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, chuỗi cung ứng bị gián đoạn; nguyên liệu thiếu hụt… sẽ đẩy doanh nghiệp vào tình trạng thiếu hụt dòng tiền, suy giảm khả năng trả lãi vay, có thể khiến nền kinh tế đối mặt với nguy cơ nợ xấu gia tăng.

PGS.TS. Hoàng Công Gia Khánh cho rằng, tốc độ hồi phục kinh tế sau dịch phụ thuộc lớn vào tốc độ tái tạo việc làm. Một trong những giải pháp là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tái khởi động cần nhắm đến mục tiêu giúp doanh nghiệp hạn chế sa thải lao động, tuyển dụng trở lại số lao động đã nghỉ việc/nghỉ không lương trước đây, thu hút lao động có tay nghề.

Nhà ở cho người lao động thu nhập thấp - giải pháp bền vững

Một trong những giải pháp mang tính bền vững cho việc phục hồi và phát triển của kinh tế TPHCM, theo PGS.TS. Hoàng Công Gia Khánh, là phát triển chương trình nhà ở giá hợp lý giúp tăng khả năng tiếp cận nhà ở của người lao động thu nhập thấp.

“Việc phát triển nhà ở giá hợp lý thành công cùng với cải tạo nhà ở dưới chuẩn của các khu dân cư lao động nghèo, nhà ven kênh rạch sẽ góp phần quan trọng để đảm bảo yêu cầu chống dịch, tạo điều kiện thu hút lao động quay trở lại TPHCM và góp phần chỉnh trang đô thị” - PGS.TS. Hoàng Công Gia Khánh nói.

Cải tạo nhà ven kênh không chỉ chỉnh trang đô thị mà còn là một giải pháp giúp kinh tế TPHCM phát triển
Cải tạo nhà ven kênh không chỉ chỉnh trang đô thị mà còn là một giải pháp giúp kinh tế TPHCM phát triển

TS. Dư Phước Tân, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, cũng cho rằng: “Vấn đề về nhà ở cho công nhân, người lao động nghèo trở nên bức xúc hơn trong và sau đại dịch”.

TS. Dư Phước Tân phân tích, khi đại dịch xảy ra, có 3 đối tượng bị tác động rõ nét nhất: 1- doanh nghiệp sản xuất trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp; 2- lao động trong các doanh nghiệp nói chung; 3- người dân nghèo, lao động thu nhập thấp, sinh sống trong các khu nhà lụp xụp và tạm bợ, nhất là sống trên và ven kênh rạch.

Đối với đối tượng (1) và (2), do chưa thể an cư lạc nghiệp lâu dài tại các nhà lưu trú công nhân (hiện chỉ đáp ứng khoảng 16,6% trong tổng số nhu cầu), và chỗ dựa chính vẫn là các nhà trọ trong dân, với tiêu chuẩn nhà ở không đảm bảo, dễ tạo nguồn lây nhiễm dịch bệnh. Đây cũng là đối tượng chịu áp lực về thu nhập trong dịch dẫn đến hàng loạt lao động rời bỏ TP về quê nương náu.

Đối tượng (3) là những hộ sinh sống trong các khu lụp xụp, nhất là các căn hộ trên và ven kênh rạch, đã gặp nhiều khó khăn trong đại dịch, do môi trường ô nhiễm, điều kiện sống chật chội, dịch bệnh lây lan khiến một số địa phương buộc phải bố trí di dời tạm những hộ này đến sinh sống tại các nhà khách, các chung cư còn trống.

Nguyên nhân chính của tình trạng này là, do chương trình chỉnh trang đô thị, giải tỏa di dời, tổ chức lại cuộc sống cho những hộ trên và ven kênh rạch triển khai còn quá chậm, với nhiều lý do khác nhau, kể cả chương trình nhà ở cho người thu nhập thấp của TPHCM vẫn chưa có lối ra. Ước tính, TPHCM có lượng nhà lụp xụp trên địa bàn vẫn còn khá lớn, trong đó nhà trên và ven kênh rạch còn đến hơn 19.000 căn, là môi trường có thể lây lan dịch bệnh do điều kiện sống chật chội, ô nhiễm.

“Một trong những vấn đề quan trọng nhất cần ưu tiên giải quyết trong phục hồi kinh tế TPHCM là làm thế nào để cung ứng số lượng nhà ở khang trang, sạch đẹp, an toàn và không ô nhiễm, ngăn ngừa được dịch bệnh, trong giai đoạn bình thường mới. TP cần tập trung giải quyết rốt ráo vấn đề nhà ở cho lao động nghèo, người thu nhập thấp và công nhân lao động trên địa bàn” - TS. Dư Phước Tân đề xuất.

Các dự án nhà ở cho người lao động thu nhập thấp cần được triển khai nhanh
Các dự án nhà ở cho người lao động thu nhập thấp, theo các chuyên gia, cần được triển khai nhanh để tạo sự an tâm cống hiến cho người lao động

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học thống nhất cao việc TPHCM đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa môi trường kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư cũng như nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc đối với hàng ngàn dự án trong 2 năm qua để khai thông mạnh mẽ các lĩnh vực thị trường.

Thêm một vấn đề hiện tại TPHCM đang đối mặt, cần có các giải pháp khắc phục, theo các chuyên gia, chính là sức khỏe tâm thần, thể chất của người dân với nhiều tổn thương khi trải qua một giai đoạn dịch bệnh chưa từng có này.

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI