TPHCM bác thông tin xuất hiện ca mắc bệnh bạch hầu

11/07/2024 - 18:42

PNO - “Hiện nay, trên mạng xã hội có tin đồn bệnh bạch hầu xuất hiện ở TPHCM, tuy nhiên tôi khẳng định thành phố chưa ghi nhận ca nào” - ông Nguyễn Hồng Tâm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết.

Tại buổi họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn TPHCM chiều 11/7, ông Nguyễn Hồng Tâm cho biết, hiện TPHCM chưa xuất hiện ca mắc bệnh bạch hầu mới nào như nhiều thông tin lan truyền trên mạng xã hội. Ca bệnh bạch hầu xuất hiện tại thành phố gần đây nhất là vào năm 2020 và bệnh nhân ở tỉnh khác đến.

Theo ông, bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục.

Triệu chứng của bệnh này là xuất hiện màng màu trắng đóng trên vòm họng kèm ho, sốt, khó thở, chán ăn, da hơi xanh, sổ mũi một bên hoặc hai bên có thể lẫn máu... Bệnh gây biến chứng bít tắc đường hô hấp, suy tim, suy đa cơ quan, biến chứng nhiễm độc thần kinh gây tử vong.

Ông Nguyễn Hồng Tâm thông tin tại họp báo - Ảnh: Thành Nhân
Ông Nguyễn Hồng Tâm thông tin tại họp báo - Ảnh: Thành Nhân

Theo đại diện HCDC, bệnh bạch hầu rất dễ lây lan từ người này sang người khác qua đường hô hấp, nếu có tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc tiếp xúc với đồ vật bị ô nhiễm chất tiết của người bệnh. Để tránh lây lan, bệnh nhân cần được cách ly.

“Hiện nay, trên mạng xã hội có tin đồn bệnh bạch hầu xuất hiện ở TPHCM, tuy nhiên tôi khẳng định thành phố chưa ghi nhận ca nào” - ông Nguyễn Hồng Tâm nhấn mạnh.

Giám đốc HCDC khuyến cáo người dân tiêm chủng phòng bệnh bạch hầu. Hiện trẻ em được tiêm miễn phí vắc xin bạch hầu gồm 3 mũi cơ bản lúc trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi và 1 mũi nhắc lại lúc trẻ đủ 18 tháng tuổi.

Người lớn và trẻ lớn chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm nhắc nên đến cơ sở tiêm chủng để được tư vấn và tiêm chủng đầy đủ.

Người dân cần giữ vệ sinh mũi, họng, tay chân, vệ sinh nhà ở thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Đảm bảo ăn chín, uống sôi. Hạn chế tiếp xúc với người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Khi có triệu chứng nghi ngờ phải đến ngay cơ quan y tế để được khám chữa kịp thời.

Khuê Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI