|
Ngành y tế TPHCM đang rất nỗ lực để đẩy lùi dịch bệnh |
Theo đó, tính đến 12g trưa 16/6, Việt Nam có tổng cộng 9.831 ca ghi nhận trong nước và 1.649 ca nhập cảnh, số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 8.261 ca, trong đó có 1.765 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Số lượng xét nghiệm từ 29/4 đến nay, đã thực hiện 2.171.076 mẫu cho 4.818.269 lượt người.
24 tỉnh gồm Yên Bái, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Nam Định, Hòa Bình, Tuyên Quang, Sơn La, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hải Phòng, Tây Ninh, Gia Lai, Bạc Liêu, Điện Biên, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Trà Vinh, Đà Nẵng đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới.
Riêng TPHCM, ngày 18/5, dịch COVID-19 bùng phát trở lại với bệnh nhân thứ 4.514 (ở chung cư Sunview Town, TP. Thủ Đức) là nhân viên của một công ty kiểm toán tại quận 3. Bệnh nhân từ Hải Phòng về TPHCM ngày 5/5, sau đó xuất hiện triệu chứng ho, sốt nên đi khám và được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2.
TPHCM tiếp tục phát hiện bệnh nhân thứ 4.583 (ở quận 7) là đồng nghiệp với bệnh nhân 4.514, làm việc trong một văn phòng. Qua điều tra, truy vết, khoanh vùng dịch tễ có 193 người tiếp xúc gần, 1.380 người tiếp xúc khác, đã được cách ly y tế, 9.113 người được lấy mẫu xét nghiệm mở rộng tại các khu vực liên quan. Đến nay chưa phát hiện thêm người mắc bệnh.
Kết quả giải trình tự gen hai bệnh nhân có cùng một nguồn lây do biến chủng B.1.617.2 (biến chủng Ấn Độ).
Ngày 20/5, hẻm 287 và 289 đường Nguyễn Đình Chiểu phường 5, quận 3 phải phong tỏa do phát hiện người bán bánh canh mắc COVID-19 với mã số 4.780. Sau khi khoanh vùng, điều tra dịch tễ, cách ly và thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 cho những người tiếp xúc gần với bệnh nhân 4.780, cơ quan chức năng phát hiện thêm bệnh nhân: 4.781, 4.782, 5.329, 5.463.
Sáng 2/6, bệnh nhân 5.463 (là con gái của bệnh nhân 4.780) tử vong với chẩn đoán mắc COVID-19 tiến triển nặng biến chứng nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm khuẩn trên nền bệnh nhân suy tim, tăng huyết áp, suy thận mạn tính giai đoạn cuối, mắc COVID-19. Tổng cộng có 174 người tiếp xúc gần, 835 người tiếp xúc khác, mở rộng xét nghiệm cho 1.382 người với 2.391 mẫu xét nghiệm. Đến nay chưa phát hiện thêm người mắc bệnh.
Kết quả giải trình tự gen các bệnh nhân trong chuỗi lây nhiễm này là biến chủng B.1.1.7 (biến chủng Anh).
Đến ngày 26/5, số lượng bệnh nhân COVID-19 tại TPHCM bắt đầu bùng phát khi phát hiện một bệnh nhân là thành viên của điểm nhóm truyền giáo Phục hưng tại một con hẻm ở quận Gò Vấp. Nhóm truyền giáo có 55 thành viên nhưng có đến 40 người sống tại 16/22 quận huyện của TPHCM mắc bệnh. Từ đây, ngành y tế phối hợp với cơ quan chức năng lập tức phong tỏa tòa nhà được xem là nơi sinh hoạt của điểm nhóm truyền giáo Phục hưng.
Với nỗ lực kiểm soát dịch, ngành y tế đã liên tục phát hiện ca mắc COVID-19 từ hội viên của nhóm qua lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2, kêu gọi thành viên và những người liên quan khai báo y tế, sàng lọc tại các bệnh viện trong Thành phố...; từ khi phát hiện bệnh nhân COVID-19 đầu tiên đến nay đã có 476 trường hợp dương tính, chiếm gần 50% số ca mắc tại TPHCM.
Khi giải trình tự gen virus SARS-CoV-2, các chuyên gia phát hiện hầu hết thành viên thuộc nhóm truyền giáo mang biến chủng Ấn Độ.
Nhận thấy chuỗi lây nhiễm nhóm truyền giáo Phục hưng quá nhiều nguy cơ bùng phát dịch tại TPHCM, trong ngày 29/5, Thành phố huy động tổng lực, với sự góp sức của nhân viên y tế tại các bệnh viện đã tập trung lấy mẫu xét nghiệm cho 50.000 người tại phường 3, phường 11, phường 14 và phường 15 của quận Gò Vấp. Hàng trăm nhân viên, công an, dân phòng... chia thành 8 điểm, trắng đêm lấy mẫu xét nghiệm giám sát dịch cho người dân. TPHCM lúc này có gần 100 điểm phong tỏa, kiểm soát dịch.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, ngày 31/5, TPHCM đã phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15/CT-TTg, riêng tại quận Gò Vấp nơi được xem là ổ dịch phải giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg.
Cũng ngay trong ngày 31/5, UBND quận Gò Vấp đã lập 12 chốt kiểm dịch để giám sát, kiểm soát chặt, quyết tâm không để dịch bệnh từ đây lây sang các quận huyện.
|
Lấy mẫu xét nghiệm tại phường 15, quận Gò Vấp - Ảnh: HCDC |
Sở Y tế TPHCM cũng đưa ra các phương án ứng phó với tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn. Trong đó tình huống cao nhất là dịch bùng phát trong cộng đồng với số ca bệnh dao động từ 1.000-5.000 người. Tổng cộng các bệnh viện có công năng điều trị COVID-19 trên địa bàn Thành phố có 5.000 giường, trong đó có 1.000 giường hồi sức, 66 giường đặt trong buồng áp lực âm, 1.000 máy thở, 16 máy ECMO...
Tuy nhiên, ngày 5/6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM được thông báo một cư dân tại tầng 9, block A3 chung cư Ehome 3 quận Bình Tân có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Trung tâm Y tế quận Bình Tân và lực lượng chức năng đã phong tỏa block A3, A4 chung cư Ehome 3, lấy mẫu tầm soát COVID-19 cho toàn bộ cư dân trong khu vực phong tỏa, bệnh nhân được Bộ Y tế công bố với mã số 8.737 vào ngày 6/6.
Sáng 7/6, kết quả sàng lọc, lấy mẫu xét nghiệm ghi nhận có một trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 sống cùng tòa nhà, cùng tầng với bệnh nhân 8.737.
Trưa 8/6, Bộ Y tế công bố bệnh nhân với mã số bệnh nhân 9.096.
Từ bệnh nhân 9.096, cơ quan chức năng đã rà soát, phát hiện nhiều bệnh nhân khác, buộc phải phong tỏa, lấy mẫu toàn bộ cư dân của chung cư Ehome 3.
Trong số bệnh nhân thuộc chuỗi lây chung cư Ehome 3, ngày 9/6, vợ của bệnh nhân 9.497 được xác định dương tính với SARS-CoV-2, chị làm việc tại Công ty Pouyuen nên nơi đây được phong tỏa một phần.
|
Lực lượng chức năng lấy mẫu xét nghiệm tại chung cư Ehome 3 |
Càng khó khăn hơn khi đến ngày 12/6, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM tạm phong tỏa do phát hiện nhân viên làm việc tại bệnh viện mắc COVID-19. Qua điều tra dịch tễ, các chuyên gia xác định nguồn lây nhiễm cho nhân viên của bệnh viện nhiều khả năng có mối liên quan đến các ca nhiễm ở chung cư Ehome, quận Bình Tân - nơi phát sinh chuỗi lây nhiễm với 8 người dương tính mà ngành y tế vừa phát hiện, đang điều tra dịch tễ.
Qua xét nghiệm cho toàn bộ 924 nhân viên, tính đến nay, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM phát hiện 55 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, thuộc 13 khoa, phòng, bộ phận. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cùng Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM đã trực tiếp đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM để chỉ đạo chống dịch.
Sở Y tế TPHCM thông báo triển khai thêm hai bệnh viện gồm Bệnh viện điều trị COVID-19 Củ Chi và Đơn vị điều trị COVID-19 của Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch hoạt động nhằm "chia lửa" cho Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM.
Dịch COVID-19 liên tục tấn công các bệnh viện như Bệnh viện Nhân dân Gia Định TPHCM cũng phát hiện 2 nhân viên liên quan đến bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM. Bệnh viện Nhi đồng 1 với 1 trường hợp nhiễm tại khoa sơ sinh, cư trú ở huyện Hóc Môn, có tiếp xúc với người nhà mắc bệnh. Nhân viên khoa xét nghiệm tại Trung tâm Y tế quận Bình Tân...
Trước tình huống không mong muốn này, ngày 14/6, UBND TPHCM đã quyết định thành lập thêm một bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 tại tại xã Nhơn Tây, huyện Củ Chi, trực thuộc Sở Y tế với quy mô 500 giường, trưng dụng cơ sở hạ tầng của Bệnh viện huyện Củ Chi để sử dụng. Đồng thời, TPHCM cũng đưa thêm Bệnh viện Trưng Vương vào hoạt động với 1.000 giường.
|
Khu vực điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM |
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM Nguyễn Trí Dũng cho biết các chuỗi lây nhiễm cao như điểm nhóm truyền giáo Phục hưng, chung cư Ehome 3, xưởng cơ khí Hóc Môn… đã được khoanh vùng, các trường hợp nhiễm mới được phát hiện tại khu cách ly hoặc khu vực đã phong tỏa.
Lý giải về số bệnh nhân COVID-19 tăng mạnh ở TPHCM, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cho hay đặc điểm lớn nhất của các chuỗi lây nhiễm trong đợt dịch này là sự xuất hiện của biến chủng B.1.617.2 (biến chủng Delta, phát hiện lần đầu tại Ấn Độ). Đây là biến chủng lây nhiễm mạnh trong gia đình, hàng xóm, nơi làm việc, đặc biệt là các tòa nhà văn phòng.
Sự lây nhiễm từ gia đình vào nơi làm việc và từ nơi làm việc về nhà đã làm cho dịch lan tỏa rất nhanh và rộng tại thành phố. Tuy tổng số đang thực hiện cách ly trong thành phố là 31.502 người, trong đó 11.362 người đang cách ly tập trung, 20.140 trường hợp đang cách ly tại nhà, nơi lưu trú, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đánh giá hiện nay mầm bệnh có thể vẫn lây lan trong cộng đồng.
Để sớm có kết quả xét nghiệm giám sát COVID-19, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cũng yêu cầu lực lượng chức năng trong vòng 2 giờ đồng hồ sau khi xác định ca nghi nhiễm phải truy cho được hết các F1, nhất là ngay lập tức xác định các F1 có tiếp xúc rất gần như thành viên trong gia đình. Đẩy nhanh việc xét nghiệm trong 6-10 giờ phải có kết quả xét nghiệm của F1 thay vì 24 giờ.
Nhận thấy dịch COVID-19 vẫn còn phức tạp tại TPHCM, ngày 14/6, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong quyết định tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội thêm 14 ngày theo Chỉ thị 15/CT-TTg, Gò Vấp cũng được hạ giãn cách từ Chỉ thị 16/CT-TTg xuống Chỉ thị 15 cho đến 0g ngày 29/6.
Phạm An