TPHCM: 2 cây xanh lớn tại trường THPT bật gốc trong trận mưa đầu mùa

10/05/2023 - 14:35

PNO - Ông Nguyễn Hữu Trí - Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền - xác nhận, trong trận mưa lớn vào chiều 8/5, 1 cây me tây và 1 cây phượng lớn trong khuôn viên trường đã bị bật gốc, gãy đổ. May mắn không ảnh hưởng đến học sinh, giáo viên, nhân viên… trong trường.

“Trước mùa mưa bão, nhà trường đã mé nhánh cây, song trận mưa lớn vẫn khiến cây me tây ở khu vực giữa sân trường và cây phượng bên cạnh hàng rào gãy đổ” - ông Nguyễn Hữu Trí thông tin.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, nhà trường đã rà soát lại toàn bộ hệ thống cây xanh trong trường cũng như cơ sở vật chất để xử lý, hạn chế thấp nhất các nguy cơ mất an toàn cho học sinh, giáo viên trong mùa mưa bão.

Hiệu trưởng này cho biết thêm, vào dịp hè hàng năm trường đều phối hợp với đơn vị dịch vụ công ích quận 7 để kiểm tra, tỉa nhánh, cành, đốn hạ cây xanh có nguy cơ gãy đổ. 

Cây me tây trong khuôn viên Trường THPT Ngô Quyền bật gốc, gãy đổ vào chiều 8/5
Cây me tây trong khuôn viên Trường THPT Ngô Quyền bật gốc, gãy đổ vào chiều ngày 8/5

Thời gian qua, sau vụ việc cây me tây tại Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1) gãy đổ bật gốc hồi đầu tháng 4/2023 làm học sinh, phụ huynh và người đi đường bị thương, TPHCM đã “siết” chặt công tác quản lý cây xanh trong trường học.

Ông Dương Trí Dũng - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM - yêu cầu các trường nhanh chóng thực hiện giải pháp đảm bảo an toàn hệ thống cây xanh trong trường học.

Trong đó, nhà trường cần phối hợp với cơ quan chuyên môn tại địa phương khẩn trương rà soát, kiểm tra toàn diện về tình hình sinh trưởng, phát triển và khả năng đảm bảo an toàn của xây xanh. Đồng thời, có biện pháp xử lý kịp thời, phù hợp đối với những cây xanh có nguy cơ gãy đổ gây mất an toàn. Ngoài ra, xây dựng kế hoạch phối hợp với cơ quan chuyên môn rà soát kiểm tra định kỳ cây xanh trong trường học hàng năm, đặc biệt là vào đầu năm học mới và trước mùa mưa bão. 

Các trường cũng cần khẩn trương rà soát, thay thế những cây không được phép trồng theo quy định. Hướng dẫn học sinh về các quy tắc an toàn trong mùa mưa bão khi sinh hoạt, vui chơi ở khu vực có nhiều cây xanh, đặc biệt là cây có kích thước lớn, cây cổ thụ.

“Hạng mục cây xanh trong trường học là một nội dung chuyên môn sâu. Lãnh đạo các trường phải có kế hoạch đánh giá tình hình cây xanh trong nhà trường để có kế hoạch chỉ đạo các bộ phận liên quan, nhất là công tác phối hợp với các cơ quan có chức năng về cây xanh, đánh giá hệ thống cây xanh trong trường, đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên, phụ huynh…” - ông Dương Trí Dũng nhấn mạnh.

Ngay sau đó, hàng loạt trường đã “đốn hạ” các cây xanh “có vấn đề” trong khuôn viên trường sau khi đơn vị chức năng kiểm tra, thẩm định, rà soát.

Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1) đốn cùng lúc 3 cây phượng có tuổi đời trên 50 năm, trong đó có những cây mục ruỗng thân dù cành lá vẫn tươi xanh, hoa vẫn nở đỏ rực. Hiệu trưởng nhà trường cho biết sẽ thay thế 3 cây này bằng những cây dây leo để tạo mảng xanh và cảnh quan trong khuôn viên trường. Trường THPT Thủ Đức (TP Thủ Đức) cũng đốn hạ 1 cây phượng có tuổi đời 20 năm, chiều cao vượt quá mức.

Hiệu trưởng 1 trường THPT tại quận 5 cho biết, hiện nay, các trường công lập gặp khó khăn về kinh phí trong vấn đề quản lý, chăm sóc cây xanh trong trường. Để phối hợp với các đơn vị có chuyên môn nhằm rà soát, kiểm tra, thẩm định, chăm sóc cây xanh cần kinh phí rất lớn, có khi lên đến cả trăm triệu đồng.

Quốc Trung 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI