TP. Thủ Đức gắn tên cho 20 tuyến đường

25/04/2021 - 10:47

PNO - Sáng 25/4, Thành ủy - HĐND - UBND TP. Thủ Đức tổ chức lễ đặt và gắn tên cho 20 tuyến đường thuộc địa bàn, gắn với tên các danh nhân, nhân vật lịch sử tiêu biểu của đất nước. Trong đó, có tuyến đường mang tên Thầy thuốc nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ, Anh hùng lao động Nguyễn Thiện Thành.

Tuyến đường Nguyễn Thiện Thành có điểm đầu ở Đại lộ vòng cung - điểm cuối ở đường vòng quanh khu 2C (đường hiện hữu là Đường ven sông Sài Gòn R3). 

Lễ gắn tên đường Nguyễn Thiện Thành
Lễ đặt tên đường Nguyễn Thiện Thành

Tuyến đường Tố Hữu có lý trình từ nút giao C1 (giao lộ đường Lương Định Của và Trần Não) đến nút giao đường ven sông Sài Gòn R3 và đường vòng quanh khu 2C.

Các tuyến đường còn lại gồm đường Trần Quý Kiên, Trần Bạch Đằng, Bùi Thiện Ngộ, Trần Văn Sắc, Thái Ly, Hồ Thị Nhung, An Tư Công chúa, Lưu Đình Lễ, Trần Đức Thảo, Nguyễn Thị Thích, Nguyễn Thị Diệp...

Tại buổi lễ, ông Hoàng Tùng - Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức cho biết: “Việc triển khai đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống giao thông trọng điểm gắn với quy hoạch đô thị là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của TP. Thủ Đức”.

Đặt tên đường góp phần giúp TP. Thủ Đức thực hiện tốt công tác quản lý đô thị, quản lý hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong các hoạt động giao dịch kinh tế, văn hóa - xã hội trên địa bàn; tạo tiền đề cho thành phố mới phát triển theo hướng nhanh, bền vững, trở thành đô thị thông minh, hiện đại, có chất lượng sống tốt.

Việc đặt tên đường tại TP. Thủ Đức được thực hiện theo Nghị quyết số 86/NQ-HĐND ngày 9/12/2020 của HĐND TPHCM về bổ sung Quỹ tên đường và đặt tên đường trên địa bàn thành phố. Trên cơ sở đó, TP. Thủ Đức được xét đặt tên cho 20 tuyến đường huyết mạch và các khu dân cư mới gắn với tên các danh nhân, nhân vật lịch sử qua các thời kỳ. “Đây là niềm vinh dự của TP. Thủ Đức, là tâm nguyện, tấm lòng của người dân TPHCM nói chung, TP. Thủ Đức nói riêng trong sự tri ân, trân trọng, giữ gìn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống thông qua các danh nhân, nhân vật lịch sử, địa danh được đặt tên đường” - ông Tùng cho hay.

Tuyến đường mang tên Giáo sư Nguyễn Thiện Thành

Thầy thuốc nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ, Anh hùng lao động Nguyễn Thiện Thành sinh năm 1919 tại tỉnh Trà Vinh. Cuộc đời và sự nghiệp của ông là một quá trình phấn đấu, cống hiến không mệt mỏi cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, cho sự phát triển của ngành y Việt Nam. Tháng 10/1945, sau tốt nghiệp bác sĩ, ông tình nguyện gia nhập quân đội và vào Nam chiến đấu, giữ nhiều cương vị khác nhau như phụ trách Quân y khu 5, Trưởng đoàn phẫu thuật đặc trách phía Bắc mặt trận Thừa Thiên…

Năm 1952, ông vinh dự được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam; năm 1954, GS làm nghiên cứu sinh tại Viện Thần kinh cao cấp thuộc viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô; năm 1960 được giao nhiệm vụ Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu y học quân sự. Đến năm 1964, ông xung phong vào chiến trường B2 chống Mỹ, giữ chức vụ Phó chủ nhiệm Quân y B2 kiêm Viện trưởng Quân Y viện K71, đặc trách sức khỏe Quân ủy, Thường vụ Trung ương Cục miền Nam.

Đường Nguyễn Thiện Thành
Đường Nguyễn Thiện Thành là tên mới của Đường ven sông Sài Gòn R3

Khi đất nước vừa bước ra khỏi chiến tranh, ông trở thành nhà khoa học với nhiều công trình tầm cỡ được ứng dụng thiết thực và hiệu quả trong công tác phòng và chữa bệnh; với nhiều cương vị như Phó chủ nhiệm Ủy ban Y tế xã hội Quốc hội (khóa VI); Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Kỹ thuật Quốc hội (khóa VII); Chủ tịch Hội đồng Bảo vệ, Chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương; Phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất…

GS.TS Nguyễn Thiện Thành đã được Đảng, Nhà nước, quân đội tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý với 16 huân, huy chương, danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc. Năm 1980, ông được Nhà nước phong tặng học hàm Giáo sư, là đợt phong học hàm đầu tiên của Nhà nước. Năm 1985, được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Năm 1989, tiếp tục được Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân… cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Ông là cha ruột của nguyên Bí thư thành ủy TPHCM, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM Nguyễn Thiện Nhân.

Niềm tự hào của gia đình

Tại buổi lễ, đại diện cho gia đình, ông Trần Quyết Chiến - con trai út của nhà cách mạng Trần Quý Kiên bày tỏ sự xúc động. Ông nói: “Đây là giây phút vô cùng thiêng liêng với gia đình chúng tôi. Chúng tôi vô cùng vinh dự và tự hào khi người dân và thành phố đã chọn tên cha tôi - một cán bộ cách mạng lão thành để đặt cho một tuyến đường tại TP. Thủ Đức. Đó là sự ghi nhận những hy sinh của cả một thế hệ cống hiến hết mình cho cách mạng, cho độc lập dân tộc. Ngày mai kia, con cháu chúng tôi sẽ rảo bước trên chính con đường mang tên ông cha mình, đó là một niềm tự hào không thể đong đếm được. Từ niềm vinh dự ấy, chúng tôi sẽ giáo dục cho con cháu mình sống sao cho xứng đáng với những cống hiến, hi sinh của thế hệ đi trước và với sự ghi nhận của Đảng, nhà nước và người dân thành phố đã trao cho”.

Tuyến đường mang tên nhà cách mạng Trần Qúy Kiên có lý trình từ điểm đầu giao với đường Mai Chí Thọ và điểm cuối giao với đường Nguyễn Thanh Sơn, dài 1.745m, lộ giới 25-30
Tuyến đường mang tên nhà cách mạng Trần Qúy Kiên có lý trình từ điểm đầu giao với đường Mai Chí Thọ và điểm cuối giao với đường Nguyễn Thanh Sơn, dài 1.745m, lộ giới 25-30

Nhà cách mạng Trần Qúy Kiên (1911-1965) tên thật là Đinh Xuân Nhạ - Nguyên Ủy viên Thường vụ xứ ủy Bắc Kỳ, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Bí thư tỉnh Quảng Yên (Quảng Ninh), Bí thư Đảng ủy Dân chính Đảng Trung ương, Phó ban Tổ chức Trung ương, Thứ trưởng Bộ Thủy Lợi. Ông vào Đảng CSVN từ tháng 5/1930 và thuộc lớp lãnh đạo sớm của Đảng.

Tháng 10/1930 ông bị thực dân Pháp bắt và kết án 10 năm tù giam. Cuối năm 1936 ông được ân xá ra tù. Về Hà Nội, ông cùng với các ông Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Văn Minh thành lập Ủy ban sáng kiến, đây là cơ quan lãnh đạo lâm thời Xứ ủy Bắc kỳ. Đồng thời khôi phục lại Thành ủy Hà Nội, Thành ủy Hải Phòng và các tổ chức đảng ở một số địa phương.

Năm 1938 ông là Bí thư Thành ủy Hà Nội và được bầu vào Ban Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ cùng hai đồng chí Hoàng Văn Thụ và Lương Khánh Thiện. Trong giai đoạn 1930-1940, ông là Bí thư Hà Nội duy nhất thoát được máy chém của thực dân Pháp.

Ông bị thực dân Pháp bắt lần thứ 1 vào tháng 6/1940 và bị luân chuyển qua 5 nhà tù khác nhau tại miền Bắc. Tháng 3/1945 Nhật đảo chính Pháp, ông vượt ngục và được cử làm Bí thư khu ủy Chiến khu Quang Trung. Tháng 10 cùng năm, ông có công lãnh đạo giải phóng và thành lập chính quyền cách mạng đầu tiên của tỉnh Sơn La và huyện Quỳnh Nhai (Lai Châu).

Sau Cách mạng tháng Tám, ông giữ nhiều trọng trách: Bí thư tỉnh Quảng Yên (Quảng Ninh); Khu ủy viên Liên khu III phụ trách hai tỉnh Hải Dương, Hưng Yên sau phụ trách Thái Bình, Kiến An; Trưởng ban căn cứ địa Trung ương Việt Bắc năm 1949.

Từ năm 1950 đến 1958, ông giữ chức Phó văn phòng Thủ tướng (Thủ tướng lúc đó là Hồ Chí Minh), Bí thư Đảng ủy Dân chính Đảng Trung ương, Phó ban tổ chức Trung ương.

Từ năm 1958 ông giữ chức Bí thư Đảng, Thứ trưởng Thứ nhất Bộ Thủy Lợi.

Trong quá trình hoạt động cách mạng, ông được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất. Năm 2018, ông được Nhà nước truy tặng huân chương Sao Vàng.

Tuyết Dân

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI