TP. Hồ Chí Minh sẽ thành “thành phố ánh sáng” về đêm

01/03/2021 - 06:38

PNO - Chiều tối, thấy trên “bản đồ chiếu sáng” hiển thị thông tin đã khắc phục sự cố bóng đèn ở Q.3, các nhân viên kỹ thuật liền kiểm tra hình ảnh trực tuyến đang truyền về. Vài chục phút sau đó, bản đồ hiển thị thông tin đã lần lượt kích hoạt hệ thống đèn ở tất cả các quận, huyện theo cài đặt. Cả thành phố bừng sáng trong đêm.

Những năm qua, cùng với việc xây dựng đô thị thông minh, hệ thống chiếu sáng ở TPHCM cũng được “thông minh hóa”. Sắp tới, TPHCM sẽ là “thành phố ánh sáng” với hệ thống chiếu sáng công cộng thông minh và sẽ chiếu sáng mỹ thuật, chiếu sáng trang trí ở nhiều nơi.

Xóa cảnh “trụ đèn trong trụ điện”

Chiều đầu năm 2021, từ hướng trung tâm thành phố, chị Nguyễn Thị Sương dắt hai cháu nhỏ đi bộ dọc theo đường Trương Định về nhà ở Q.3. Phía công viên Tao Đàn, ánh sáng lấp lánh phát ra dưới tán cây cổ thụ đã níu chân chị nán lại, nhìn thành phố về đêm. 

Dàn đèn trên đại lộ Võ Văn Kiệt lung linh về đêm - Ảnh: Phùng Huy
Dàn đèn trên đại lộ Võ Văn Kiệt lung linh về đêm - Ảnh: Phùng Huy

Chị Sương cho biết, hơn chục năm qua, mỗi ngày, chị đều đi và về trên đường Trương Định nên cảm nhận rõ sự thay đổi của con đường này. Đặc biệt, từ khi UBND TPHCM có chủ trương mở thông đường Trương Định xuyên qua công viên Tao Đàn (năm 2003), khu vực này đã có nhiều đổi thay.

Chị hào hứng kể: “Trước đây, trụ đèn chiếu sáng nằm bên trong trụ điện nên nơi sáng, nơi không, khiến tệ nạn xã hội có điều kiện hoành hành. Bây giờ, hệ thống dây điện đã được chôn ngầm dưới đất, trụ đèn được tách ra riêng, trông rất thẩm mỹ. Mỗi dịp đầu năm mới, công viên Tao Đàn được trang trí ánh sáng cho hội hoa xuân nên du khách rất thích thú”.

Cùng lúc thành phố lên đèn, trong một căn phòng nằm dưới tầng hầm đường đi bộ Nguyễn Huệ, các nhân viên kỹ thuật đang túc trực theo dõi hệ thống chiếu sáng trên toàn thành phố. Trung tâm điều khiển đường Nguyễn Huệ được thành lập vào năm ngoái; các chuyên gia làm việc ở đây còn có nhiệm vụ duy trì hoạt động chiếu sáng cho toàn thành phố.

Ở đây, toàn bộ hệ thống đèn chiếu sáng của TPHCM được theo dõi qua phần mềm. Dựa vào bản đồ chiếu sáng, các nhân viên kỹ thuật theo dõi được tất cả sự cố của hệ thống đèn trên toàn thành phố. Khi sự cố được khắc phục, dữ liệu cũng hiển thị trên phần mềm để nhân viên kỹ thuật theo dõi.

Một nhân viên kỹ thuật cho biết, trước đây, muốn chỉnh đèn, nhân viên phải chạy đến từng tủ điện, trụ điện. Bây giờ, nhờ phần mềm kỹ thuật, ngồi ở trung tâm, nhân viên vẫn phát hiện được vị trí bị ngắt đèn, hỏng tủ điện, giảm được nhân sự, thời gian và công sức. Hiện TPHCM đã có hệ thống cảm biến ngoài trời. Hệ thống này ghi lại dữ liệu thành giản đồ, từ đó cho ra thông số về thời gian để bật hoặc tắt hệ thống chiếu sáng công cộng theo từng thời điểm, hạn chế tình trạng lãng phí điện năng.

Những năm qua, vào mỗi buổi tối, người dân sống dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm (Q.6) lại rủ nhau ra tuyến đường dọc bờ kênh tản bộ. Cùng với việc chỉnh trang dòng kênh, hệ thống chiếu sáng cũng được nâng cấp. Nhiều tuyến đường được lắp đèn LED thay cho đèn sodium để vừa đảm bảo ánh sáng, vừa tiết kiệm được 40 - 50% điện năng.

Anh Nguyễn Đình Vũ - ở Q.Tân Phú - cho biết: “Lúc trước, trụ đèn trước nhà tôi thu hút côn trùng bay đến rất nhiều, tôi phải đóng cửa nhà nguyên buổi tối. Từ lúc thay loại đèn mới, tôi thấy khác hẳn, không còn côn trùng đặc kín nữa. Trước đây, hệ thống chiếu sáng chập chờn, người dân không dám đi bộ dọc kênh vì sợ đụng người nghiện ma túy, kẻ trộm. Khi các tuyến đường này được chỉnh trang, thay hệ thống chiếu sáng, người dân đến vui chơi nhiều hơn, tệ nạn cũng giảm”. 

Hệ thố ng chiế u sá ng đang đượ c thông minh hó a để biế n TP.HCM trở thành thành phố ánh sáng về đêm - Ả NH: NGUYỄ N TUẤ N SƠN
Hệ thống chiếu sáng đang được "thông minh hóa" để biến TPHCM trở thành "thành phố ánh sáng" về đêm - Ảnh: Nguyễn Tuấn Sơn

Lãnh đạo Sở Xây dựng TPHCM cho biết, hệ thống chiếu sáng đô thị TP.HCM gồm 184.989 bộ đèn, trong đó có 32.137 bộ đèn LED. Có 835 tủ điều khiển có khả năng kết nối để quản lý, 7.354 tủ hoạt động theo chương trình được lập trình sẵn. Từ năm 2015 đến nay, dây cấp điện chiếu sáng được ngầm hóa, đèn chiếu sáng được gắn lên trụ sắt tráng kẽm, tách khỏi hệ thống trụ điện do ngành điện quản lý, đèn HPS cũng được thay bằng đèn LED.

Ông Lê Quang Đạo - Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng TPHCM - cho biết trước đây, hệ thống chiếu sáng được lắp trên trụ điện với hệ thống dây chằng chịt. Những năm gần đây, ngành giao thông, ngành xây dựng đã cùng ngành điện chỉnh trang lại hệ thống chiếu sáng bằng cách ngầm hóa đường dây, tách trụ đèn ra khỏi trụ điện, giúp thông số về ánh sáng bảo đảm, hệ thống chiếu sáng ổn định hơn. Hiện tại, hệ thống chiếu sáng ở Q.1 và Q.3 đã cơ bản hoàn thiện và các đơn vị chức năng đang tiếp tục đề xuất thực hiện ở nhiều quận khác. “Hệ thống chiếu sáng mới giúp cải thiện mỹ quan, giảm ô nhiễm ánh sáng, tiết kiệm điện” - ông Đạo nói.

Phòng Hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng TPHCM cho biết, khi ngầm hóa và tách trụ đèn công cộng ra khỏi trụ điện, ngoài việc có xung đột công trình ngầm, điều khó nhất là thỏa thuận với người dân về vị trí đặt trụ đèn mới. Để được người dân đồng thuận, đơn vị thường phối hợp với chính quyền địa phương đến từng nhà lấy ý kiến, tuyên truyền về lợi ích của những công trình này.

Theo các chuyên gia, đèn LED giúp tiết kiệm từ khoảng 40 - 50% điện năng so với các loại đèn chiếu sáng công cộng trước đây. Nếu dùng đèn LED, TPHCM có thể tiết kiệm cả trăm tỷ đồng tiền điện, đồng thời cắt giảm được khoảng 31 tấn khí CO2 phát thải ra môi trường mỗi năm.

Phát triển “thành phố ánh sáng” ra sao?

Sở Xây dựng TPHCM vừa xây dựng “Chương trình phát triển chiếu sáng đô thị TPHCM đến năm 2030” và trình UBND TPHCM phê duyệt. Theo các chuyên gia, nếu được phê duyệt, TPHCM có thể trở thành “thành phố ánh sáng” như mô hình ở một số nước tiên tiến trên thế giới đã và áp dụng thành công. 

Hệ thống chiếu sáng đô thị là một phần không thể thiếu của cấu trúc đô thị hiện đại, có vai trò quan trọng thiết thực đối với đời sống con người. “Hệ thống chiếu sáng của TPHCM nhiều năm nay có cải tiến nhưng chỉ mới đáp ứng cơ bản nhu cầu về đảm bảo an toàn giao thông. Chiếu sáng đô thị phải kích thích mọi người rời khỏi nhà để tham gia hoạt động công cộng ngoài trời vào ban đêm, đó là một tiềm năng rất lớn để phát triển thương mại, du lịch nếu biết khai thác” - một chuyên gia về đô thị cho hay.

Theo đề xuất của Sở Xây dựng TPHCM, chỉ tiêu thực hiện hệ thống chiếu sáng của TPHCM trong 5 năm tới là mỗi năm, chuyển đổi từ 15-20% đèn chiếu sáng hiện hữu thành đèn chiếu sáng thông minh và chuyển đổi khoảng 20% đèn chiếu sáng ngõ hẻm sang đèn chiếu sáng giao thông theo tiêu chuẩn chung, đảm bảo đến năm 2025, các đèn ngõ hẻm đạt chuẩn chiếu sáng chung của thành phố. Trong 5 năm tới, TPHCM sẽ ngầm hóa 100% đường dây cấp điện và thay thế đèn LED ở khu vực trung tâm.

TPHCM sẽ có trung tâm để quản lý và điều hành hệ thống chiếu sáng đô thị cho khu vực trung tâm thành phố; sẽ chiếu sáng mỹ thuật ở các công trình bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa, bao gồm Hội trường Thống Nhất, chợ Bến Thành, Nhà thờ Đức Bà, Lăng Ông Bà Chiểu… đồng thời sẽ chiếu sáng trang trí nhiều tuyến đường lớn ở trung tâm thành phố, khu đô thị Phú Mỹ Hưng. 

Ông Đặng Phú Thành - Phó giám đốc Sở Xây dựng TPHCM - cho hay TPHCM sẽ xây dựng chính sách xã hội hóa nhằm huy động, khai thác tối đa mọi nguồn lực xã hội để tham gia đầu tư phát triển hệ thống chiếu sáng đô thị tại TPHCM: “Chúng tôi đã đề xuất chính sách xã hội hóa đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và các hình thức đầu tư khác phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của thành phố”.

Theo đề xuất của Sở Xây dựng TPHCM, từ năm 2026-2030, TPHCM sẽ hạ ngầm 100% đường dây cấp điện và thay thế đèn LED tại các khu vực còn lại của TPHCM, đồng thời mở rộng trung tâm quản lý và điều hành hệ thống chiếu sáng đô thị để quản lý, điều hành việc chiếu sáng toàn thành phố, chiếu sáng mỹ thuật cho các công trình bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa còn lại và chiếu sáng trang trí cho các trục đường quan trọng còn lại của TPHCM. 

Ông Nguyễn Đình Huy - chuyên viên Phòng Hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng TPHCM - cho biết phòng đã đề xuất cải tạo hệ thống đèn thông minh ở công viên. Bình thường, hệ thống đèn này chỉ hoạt động với công suất vừa đủ và sẽ tự động tăng độ sáng khi có người vào. Việc thay thế đèn vừa giúp tiết kiệm được điện năng, vừa đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân.

Ứng dụng công nghệ IoT để quản lý chiếu sáng

Sở Xây dựng TPHCM đề xuất sẽ xây dựng trung tâm để quản lý và điều hành hệ thống chiếu sáng đô thị thông minh theo hướng ứng dụng công nghệ IoT (internet of things), thực hiện công tác quản lý và điều hành tập trung, hiện đại và hạ tầng thông minh cho hệ thống đèn chiếu sáng đô thị. 

Đại diện Sở Xây dựng TPHCM cho biết, một trong những khó khăn, thách thức trong phát triển hệ thống chiếu sáng hiện nay là chưa lập quy hoạch chiếu sáng đô thị hoặc chỉ có nội dung quy hoạch chiếu sáng trong đồ án quy hoạch đô thị, kinh phí chiếu sáng đô thị còn hạn chế, tình trạng xâm hại công trình và trộm cắp vật tư của hệ thống chiếu sáng đô thị vẫn diễn ra và ngày càng nghiêm trọng.

Pháp sẽ hỗ trợ TPHCM phát triển “thành phố ánh sáng”

Theo các chuyên gia, Lyon (Pháp) là thành phố châu Âu đầu tiên thực hiện việc quy hoạch chiếu sáng, ngay từ năm 1989. Họ quyết định chọn 250 điểm để chiếu sáng mỹ thuật, phần lớn là các tòa nhà lịch sử. Sau đó, hơn 50 địa điểm mới đã được thêm vào và trong giai đoạn thiết kế các dự án mới, không thể thiếu quy hoạch chiếu sáng.

Theo đề xuất của Sở Xây dựng TPHCM, khi thực hiện “Chương trình phát triển hệ thống chiếu sáng đô thị TPHCM giai đoạn 2021-2025”, đại diện TPHCM sẽ làm việc với đại diện thành phố Lyon để được hỗ trợ, góp ý về quy hoạch chiếu sáng đô thị và tư vấn thiết kế mỹ thuật đối với những công trình bảo tồn cũng như chiếu sáng trang trí cho các trục đường quan trọng của TPHCM.

 Sơn Vinh

 

 


 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI