TP.HCM: Xuất hiện nhiều rắn lục đuôi đỏ

25/06/2015 - 16:57

PNO - PN - Suốt tuần qua, thông tin rắn lục đuôi đỏ xuất hiện ở TP.HCM làm xôn xao dư luận. Theo nhiều người dân sống cạnh cầu Chợ Cầu khu vực tiếp giáp Q.12 và Q.Gò Vấp, cách đây khoảng một tuần, những người bán gà đã đập chết...

edf40wrjww2tblPage:Content

Ban đầu, người dân chỉ hơi lo lắng trước thông tin rắn lục đuôi đỏ xuất hiện ở P.An Phú Đông, Thạnh Lộc, Thạnh Xuân (Q.12), P.12 (Q.Gò Vấp). Nhưng đến khi xuất hiện con rắn dài cả mét tại ngã tư Nguyễn Trãi - Huỳnh Mẫn Đạt, Q.5 tối 22/6, mọi người ở các khu vực trung tâm bắt đầu hoang mang.

TP.HCM: Xuat hien nhieu ran luc duoi do

Rắn lục đuôi đỏ rất nguy hiểm

Bà Võ Mỹ Thảo Vân - Phó chủ tịch UBND P.Thạnh Lộc, Q.12 cho biết: “Địa bàn P.Thạnh Lộc, đặc biệt là ở những khu vực ven kênh rạch, vẫn có một số loại rắn sinh trưởng. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên chúng tôi nghe thông tin có rắn lục đuôi đỏ xuất hiện. Người dân cho biết đã phát hiện và đập chết hơn 10 con rắn lục đuôi đỏ, nhưng chính thức chỉ có hai vụ với hai con rắn được báo về phường. Phường đã báo cho Trung tâm Y tế dự phòng Q.12 và yêu cầu các ban điều hành khu phố thông tin cho người dân cảnh giác, chú ý hướng dẫn trẻ em tránh đi vào các khu vực bụi rậm, ven sông để không bị rắn tấn công”.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, trước đây, rắn lục đuôi đỏ xuất hiện chủ yếu ở các tỉnh miền Trung, miền Tây Nam bộ, đây là lần đầu tiên nghe người dân phản ánh rắn xuất hiện tại TP.HCM. Theo ông Hưng, sở sẽ trực tiếp cử nhân viên y tế xuống các quận, huyện có rắn xuất hiện để hướng dẫn cách sơ cứu, đồng thời phối hợp với Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tìm nguyên nhân.

Tại miền Nam, rắn độc thường gặp là rắn chàm quạp, rắn lục tre, rắn hổ đất, rắn hổ mèo, rắn cạp nong, rắn cạp nia. Tùy theo loại rắn, lượng độc chất vào cơ thể, vị trí cắn và cách sơ cứu tại chỗ mà tình trạng người bệnh cũng khác nhau. Cân nặng của trẻ nhẹ hơn người lớn nên trẻ bị rắn độc cắn thường bị nặng hơn.

Bác sĩ Trần Thị Kim Ngân, Phó khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM cho biết: trong y khoa, rắn độc thường được chia thành hai nhóm chính. Nhóm gây rối loạn đông máu và chảy máu như họ rắn lục (rắn lục xanh, rắn lục đuôi đỏ, rắn chàm quạp). Nhóm ảnh hưởng đến thần kinh trung ương, gây liệt, suy hô hấp, ngưng thở như họ rắn hổ (rắn hổ mang chúa, hổ đất, cạp nong, cạp nia, hổ mèo...).

Theo bác sĩ Ngân, khi bị rắn cắn, nạn nhân và những người xung quanh phải giữ bình tĩnh, dùng cây hay gậy khều rắn ra, rửa sạch vết thương bằng xà phòng và nước, thuốc sát trùng nếu có. Sau đó nẹp cố định tay, chân bị rắn cắn như nẹp gãy xương và băng ép từ trên vết thương xuống để hạn chế sự hấp thu nọc độc theo đường máu.

Nếu bị rắn cắn ở mắt cá thì băng ép từ cẳng chân xuống, đặt vùng bị rắn cắn thấp hơn tim. Tuy nhiên, băng ép được khuyến cáo dùng khi bị nhóm rắn hổ cắn, không nên áp dụng cho nhóm rắn lục vì có thể làm tăng nguy cơ hoại tử tại chỗ. Khi bị rắn lục cắn, chỉ cần rửa sạch vết thương. Vị trí tay, chân bị rắn cắn phải tránh cử động tuyệt đối, để không làm tăng hấp thu nọc độc.

Nếu bệnh nhân còn tỉnh táo, nên đưa đến bệnh viện lớn, nơi có sẵn huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu, tốt nhất trong bốn giờ đầu. Nếu bệnh nhân lơ mơ, hôn mê hay yếu liệt, nên đưa đến cơ sở y tế gần nhất. Nếu có thể, mang theo con rắn đã bị đập chết đến cơ sở y tế để bác sĩ xác định thuốc kháng nọc rắn phù hợp.

Tránh sai lầm sau khi bị rắn cắn là hoảng sợ bỏ chạy, cột garo gây thiếu máu nuôi phía chi bên dưới, cắt lể, đắp lá cây, nặn máu hay hút nọc độc gây nhiễm trùng, chảy máu tại chỗ và tăng hấp thu nọc độc.

Bất cứ trường hợp nào bị rắn cắn, ngay cả khi xác định là rắn lành, đều cần xử trí và theo dõi sát tại bệnh viện như trường hợp rắn độc cắn, ít nhất trong 12 giờ đầu. Hiệu quả điều trị càng cao nếu được điều trị càng sớm. Nếu trễ sau 24-48 giờ, hiệu quả rất kém hoặc không còn tác dụng.

 ĐẠI DƯƠNG - THANH TOÀN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI