TP.HCM: Xây cầu, mở đường, xe cộ vẫn kẹt cứng

16/03/2015 - 07:38

PNO - PN - Dù nhiều năm qua, chính quyền TP.HCM nỗ lực đầu tư, mở rộng, nâng cấp hàng loạt tuyến đường, xây dựng nhiều cầu vượt bằng thép nhằm giảm áp lực giao thông, nhưng tình trạng ùn tắc vẫn liên tục diễn ra, không chỉ ở các...

edf40wrjww2tblPage:Content

TP.HCM: Xay cau, mo duong, xe co van ket cung

Giao thông tê liệt tại ngã tư Thủ Đức

Kẹt từ cửa ngõ đến nội đô

Ùn tắc giao thông hiện nay không theo quy luật nào (không vào giờ cao điểm, không do tai nạn) mà có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào, vì bất cứ nguyên nhân nào. Ví dụ, lúc 7g ngày 11/3 hàng ngàn phương tiện tê liệt trên đường Cộng Hòa do ba ô tô tông liên hoàn; hay lúc 11g trưa 12/3, một cửa hàng điện tử trên đường Nguyễn Thị Minh Khai khuyến mãi cũng gây kẹt xe một đoạn dài…

Tại cửa ngõ phía đông TP, tình hình kẹt xe nghiêm trọng thường xảy ra trên Xa lộ Hà Nội, Mai Chí Thọ, Đồng Văn Cống và Nguyễn Thị Định bất kể giờ nào, chỉ cần lượng xe tải cùng lúc đổ dồn về các cảng. Đặc biệt tuyến Xa lộ Hà Nội, dù được mở rộng, cộng với cầu vượt thép ngã tư Thủ Đức vừa đưa vào sử dụng, nhưng chỉ giúp “hạ nhiệt” phần nào.

Ở cửa ngõ phía Đông Bắc TP, hàng loạt tuyến đường cũng thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải. Quốc lộ 13 kẹt xe thường xuyên từ cầu Đúc Nhỏ đến cầu Ông Dầu và giao lộ Đinh Bộ Lĩnh - Bạch Đằng.

Trong khi đó, ở cửa ngõ phía Nam, dù TP đã tăng cường mở rộng, nâng cấp nhiều cây cầu bắc qua các con kênh, nhưng áp lực giao thông vẫn không giảm do nhiều tuyến đường nối qua cầu chưa được mở rộng tương xứng. Đoạn đường một chiều (khoảng 50m, phía Q.5 lên cầu Chánh Hưng) buộc các phương tiện phải chạy vòng vào đường Hưng Phú rồi tiếp tục rẽ lên cầu, gây nên cảnh xung đột giao thông vào giờ cao điểm.

Ngoài ra, chốt đèn tín hiệu giao thông lại đặt ngay dưới chân cầu, trong khi cầu này có độ dốc lớn, rất dễ gây tai nạn giao thông. Tại khu vực cầu Chà Và, từ Q.8 qua Q.5, mặt đường chỉ rộng khoảng 5m, trong khi hướng ngược lại khá rộng nên thường xuyên tạo thành “nút thắt cổ chai”, gây ùn ứ.

Hàng ngàn người mỗi ngày đi qua các tuyến Cộng Hòa, Trường Chinh, Cách Mạng Tháng Tám, Điện Biên Phủ, Pasteur, Quang Trung, Lý Thường Kiệt… vào giờ cao điểm đều ngao ngán bởi “điệp khúc” ùn ứ. Xung đột giao thông còn mang tính dây chuyền, ví như chỉ cần một điểm trên đường Cách Mạng Tháng Tám ùn tắc, y như rằng các tuyến Tân Sơn Nhì, Tân Kỳ Tân Quý, Âu Cơ… đều nghẽn mạch.

TP.HCM: Xay cau, mo duong, xe co van ket cung

Đường Hồng Bàng cắt qua đường Tân Hóa (Q.6) cũng thường xuyên rơi vào tình trạng ùn tắc

Xây cầu, mở đường: Không thể xóa kẹt

Chỉ ra nguyên nhân, Sở GTVT đưa ra “điệp khúc cũ” do thiếu vốn, hệ thống hạ tầng giao thông quá tải trước sự gia tăng số lượng phương tiện giao thông. Tính đến 15/12/2014, TP.HCM quản lý gần bảy triệu phương tiện, trong đó 6,3 triệu xe gắn máy. Đó là chưa kể hàng triệu phương tiện từ các tỉnh lưu thông trên địa bàn TP mỗi ngày.

Theo chỉ tiêu mà Sở GTVT báo cáo HĐND TP, năm 2015, tổng chiều dài giao thông trên địa bàn TP tăng thêm 34,5km, xây mới 10 cây cầu, diện tích cầu đường tăng thêm khoảng 566.000m2, tỷ lệ đất dành cho giao thông khoảng 8,2%. Một số công trình trọng điểm được triển khai như cầu vượt ngã sáu Gò Vấp; mở rộng Quốc lộ 50 (H.Bình Chánh).

Ngoài ra, Sở GTVT tiếp tục kêu gọi nhà đầu tư xây dựng nhiều công trình lớn như các đoạn đường thuộc Vành đai 2; cầu đường Bình Tiên; hầm chui nút giao An Sương; nút giao Mỹ Thủy và An Phú; đường nối đại lộ Đông Tây với cao tốc Sài Gòn - Trung Lương; nâng cấp mở rộng Quốc lộ 13…

Tuy nhiên, TS Phạm Sanh - chuyên gia giao thông cảnh báo: ùn tắc giao thông tại TP.HCM còn có nguy cơ bùng phát trong thời gian tới do hệ quả từ khâu quy hoạch không đồng bộ giữa phát triển đô thị và phát triển giao thông. Nơi nào mọc lên tòa cao ốc, chung cư, siêu thị, trường học thì chắc chắn khu vực xung quanh thường xuyên kẹt xe. Để giải quyết, TP lại xây cầu vượt, mở rộng đường… điều đó thực sự không mang ý nghĩa bền vững, lâu dài.

Nguyên nhân không kém phần quan trọng mà theo PGS-TS Phạm Xuân Mai - Khoa Kỹ thuật giao thông Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, là hệ thống giao thông công cộng của TP quá yếu kém, chỉ đáp ứng 10% nhu cầu đi lại, buộc người dân phải dồn sang xe cá nhân. “Hạn chế ô tô, cho xe lưu thông theo ngày chẵn lẻ... là những giải pháp mà TP nghiên cứu để hạn chế xe cá nhân. Theo tôi, phải phát triển giao thông công cộng trước, khi nào giao thông công cộng đáp ứng nhu cầu đi lại từ 30% trở lên mới tính tới các giải pháp này”, ông Mai nói.

 HỒNG NGUYÊN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI