TP.HCM với nỗi lo 'cháy' chỗ gửi xe tết

31/01/2018 - 08:14

PNO - Tối 27/1, những người đến đường đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) xem trận chung kết Giải vô địch bóng đá U23 châu Á đã phải vật vã tìm chỗ gửi xe và chịu “chặt chém” với giá từ 20.000 - 30.000 đồng/lượt.

Tình trạng khan hiếm bãi xe “nóng” trở lại khi chính quyền Q.1 đóng cửa gần 50 bãi giữ xe ở khu vực trung tâm. Nhiều người lo không biết năm nay sẽ gửi xe ở đâu để dạo đường hoa dịp tết.

TP.HCM voi noi lo 'chay' cho gui xe tet
Bãi giữ xe Bệnh viện Nhi Đồng 2 những ngày này đông nghẹt người gửi xe

Chỗ gửi xe khó tìm, giá lại quá “chát”

Trưa 28/1, các bãi gửi xe trên vỉa hè ở khu vực Bệnh viện Nhi Đồng 2 vẫn trong tình trạng dừng hoạt động. Thay vì gửi xe trên vỉa hè, người dân ở khu vực này phải tìm đến các bãi giữ xe trong nhà. Được biết, từ ngày 12/1, UBND Q.1 đã ra văn bản yêu cầu đình chỉ 48 bãi xe trên vỉa hè được cho là “sân sau” của nhiều cơ quan, đơn vị nhà nước của quận này. Từ đó đến nay, người dân phải tìm đến các bãi giữ xe tự phát trong nhà hoặc các khu nhà cao tầng ở khu vực trung tâm với giá 10.000 - 15.000 đồng.

Theo ghi nhận của chúng tôi, các bãi xe trong các khu cao ốc, nhà cao tầng thường tính giá giữ xe theo giờ, trung bình 10.000 đồng/4 giờ, mỗi giờ sau sẽ tính thêm 5.000 đồng/giờ. Ngoài việc phải chịu phí cao, nhiều người còn “ngán” cảnh phải chạy xe sâu xuống nhiều tầng hầm rồi phải lội bộ lên, xuống để lấy xe. 

Tại khu vực chợ Bến Thành (Q.1), những ngày cuối năm liên tục diễn ra tình trạng hết chỗ giữ xe. Một điểm gửi xe trên đường Phan Chu Trinh chỉ nhận giữ xe trong thời gian ngắn; mỗi 15 phút gửi xe, khách đi chợ phải mất 10.000 đồng. Ông N.Đ.Đ. - chủ bãi xe này - cho biết, tiền mặt bằng ở đây rất cao, nên chủ bãi xe phải luân chuyển xe liên tục. 

Được biết, Q.1 hiện vẫn còn 700 hồ sơ của người dân xin cấp phép kinh doanh bãi giữ xe bị “ngâm”. Theo nhiều người dân, để giảm thiểu tình trạng “cháy” chỗ gửi xe ở trung tâm thành phố, cơ quan chức năng cần tính toán đến phương án đấu giá mặt bằng, tạo điều kiện dễ dàng trong thủ tục cấp phép cho người dân kinh doanh bãi xe. 

Mất bạc triệu nếu gửi xe dài ngày

Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, có thể giải quyết được tình trạng thiếu chỗ gửi xe ở khu vực trung tâm thành phố nếu người dân thay đổi thói quen: từ gửi xe lề đường chuyển sang gửi ở các cao ốc. Tại khu vực trung tâm thành phố, hiện có gần 60 cao ốc, mỗi nơi từ 1 - 5 tầng hầm gửi xe. Tuy nhiên, nhiều người vẫn ngại sự bất tiện khi gửi xe trong tầng hầm và lo các bãi xe này không cho khách gửi xe dài ngày về quê ăn tết.

Bùi Thành Trinh - sinh viên Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng - nhẩm tính: “Nếu tính theo mức giá 10.000 đồng/4 giờ đầu, mỗi giờ sau tính thêm 5.000 đồng thì một người gửi xe về quê ăn tết 10 ngày, sẽ mất hàng triệu đồng. Chỗ gửi xe trong dịp tết đã khan hiếm, trong năm nay lại khan hiếm hơn”.

Theo các nhân viên Bến xe Miền Đông, cứ vào khoảng rằm tháng Chạp, lượng khách gửi xe qua đêm ở bến này đều tăng đột biến, do người dân ở tỉnh thường gửi xe ở bến xe để về quê. Lợi dụng nhu cầu này, người dân ở xung quanh Bến xe Miền Đông thường mở dịch vụ giữ xe dịp tết với giá rất cao.

Trong vai một người tìm chỗ gửi xe trong dịp tết, chúng tôi đến một khách sạn có dịch vụ này, nằm đối diện Bến xe Miền Đông, thì được hét giá 30.000 đồng/ngày tính từ 25 tháng Chạp đến mùng 7 tháng Giêng; những ngày còn lại giá 15.000 đồng/ngày đêm.

Tại khu vực Ga Sài Gòn, những ngày này, lượng xe gửi qua đêm có tăng nhưng vẫn còn chỗ trống. Ga này bố trí hai bãi giữ xe để phục vụ khách. Ông Nguyễn Văn Thành - Trưởng ga Sài Gòn - cho biết: “Hai năm nay, hành khách thường di chuyển đến ga bằng “xe công nghệ” nên lượng xe gửi ở ga giảm đi rất nhiều. Dù các bãi xe ở trung tâm đã dừng hoạt động nhưng đến thời điểm này, bãi giữ xe ở ga vẫn chưa bị quá tải”.

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn - chuyên gia về kiến trúc và quy hoạch - cho rằng, cần xây dựng các bãi đỗ xe công cộng để đáp ứng nhu cầu gửi xe của người dân và giải quyết phần nào tình trạng lấn chiếm vỉa hè làm chỗ đậu xe. Tiến sĩ Phạm Sanh - chuyên gia ngành giao thông tại TP.HCM - cho biết, ở một số nước trên thế giới, vỉa hè không chỉ dành riêng cho người đi bộ mà còn để làm công trình hạ tầng, trồng cây xanh và làm chỗ đậu xe.

Trong lúc TP.HCM chưa đủ điểm đậu xe, giữ xe như hiện nay, có thể tận dụng một phần các lề đường rộng làm bãi đỗ xe. Những bãi đậu xe này phải được đấu giá rõ ràng và quản lý chặt chẽ. 

Hoàng Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI