Mới đây, bà Nguyễn Bạch Phụng (SN 1945), chủ sở hữu căn nhà 137,9m2 , Ở số 44 Nguyễn Thị Định (P.An Phú, Q.2, TP.HCM) nhận được lá thư ký tên T.K.Q., yêu cầu trong 10 ngày phải giao nhà, nếu không sẽ khởi kiện. Những ngày qua, gia đình bà Phụng sống trong phập phồng, lo sợ...
Thương con, mẹ...hại cả nhà
Bà Phụng kể, cuối năm 2012, con trai bà gây nợ khắp nơi. Chia sẻ nỗi khổ tâm này với một phụ nữ mới quen tên Liễu, bà được bà Liễu hứa giúp giới thiệu cho bà vay 100 triệu, lãi suất 3%/ tháng. “Liễu dẫn tôi đến vay tiền của ông Ngô Văn Sang, ở E4/28 ấp 5, xã Lê Minh Xuân, H.Bình Chánh, TP.HCM. Theo lời ông Sang, để đảm bảo cho khoản vay, tôi phải ra công chứng làm giấy ủy quyền nhà cho ông ta. Vì cả tin, tôi cũng không biết mình đã ký tên, lăn tay vào giấy tờ gì”.
Hóa ra, trên hợp đồng ủy quyền căn nhà 44 Nguyễn Thị Định, bà Phụng đã giao trọn cho ông Sang quyền quản lý, sử dụng, cho thuê, thế chấp và mua bán. Biết mẹ bị lừa, chị Trần Nguyệt Nga, con gái bà Phụng đã nói mẹ năn nỉ ông Sang đồng ý lấy lại tiền cả gốc lẫn lãi. Lần đầu bà Phụng gọi điện, ông Sang bắt máy, hẹn vài ngày sau gặp giao tiền, trả sổ. Sau đó vài hôm, các số di động của ông Sang đều không thể liên lạc được.
Mẹ con bà Phụng đã đến văn phòng luật sư cầu cứu. Vị luật sư thảo đơn gửi tòa án và Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất UBND Q.2, yêu cầu ngăn chặn việc mua bán, chuyển nhượng, thế chấp căn nhà 44 Nguyễn Thị Định và chính thức khởi kiện ông Sang đến TAND Q.2. Lúc khởi kiện ông Sang, bà Phụng mới phát hiện, ngày 15/11/2012, tức đúng 10 ngày sau khi được ủ y quyền, ông Sang đã sang tên căn nhà cho bà Lê Thị M.H. (ngụ Q.11) với giá 500 triệu đồng (trong khi giá thị trường mặt tiền đường này khoảng 30 triệu đồng/m2 , nghĩa là trị giá thực của căn nhà khoảng hơn ba tỷ đồng).
Bà M.H. đã đi đăng ký quyền sử dụng đất, nhưng ngày 17/5/2013, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng Tài nguyên và môi trường Q.2 không giải quyết, do đang có quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của TAND Q.2, ngăn chặn chuyển dịch quyền về tài sản đối với căn nhà này.
Thắng kiện và... mất trắng
Ngày 11/12/2015, TAND Q.2 mở phiên sơ thẩm xét xử vụ kiện của bà Phụng yêu cầu hủy hợp đồng ủy quyền. Tòa xử vắng mặt ông Sang vì đã niêm yết, tống đạt triệu tập hợp lệ hai lần tại nơi cư trú nhưng ông này không chấp hành. Tòa đã quyết định buộc bà Nguyễn Bạch Phụng có trách nhiệm trả cho ông Ngô Văn Sang số tiền đã mượn (100 triệu đồng) và ngay sau khi bà Phụng trả tiền, việc ủy quyền ở Văn phòng công chứng số 1 với ông Sang chấm dứt. Tòa buộc ông Sang trả cho bà Lê Thị M.H. số tiền 500 triệu đồng và buộc bà M.H. trả cho bà Phụng giấy tờ nhà bản chính gồm giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất; tờ khai lệ phí trước bạ.
|
Bà Phụng thẫn thờ trước căn nhà 44 Nguyễn Thị Định |
Không đồng tình với bản án này, bà M.H. kháng cáo. Ở cả hai phiên tòa, luật sư đại diện cho bà M.H. đều khẳng định, qua người quen giới thiệu, bà M.H. đã thống nhất với bà Phụng về việc mua bán căn nhà với giá 500 triệu đồng, sau đó bà Phụng ủy quyền cho ông Sang định đoạt căn nhà (?). Bà Phụng khẳng định: “Cô M.H. là người tôi chưa từng gặp mặt lần nào, làm gì có chuyện thống nhất hay thỏa thuận”.
Ngày 5/5/2016, TAND TP.HCM mở phiên phúc thẩm, ông Sang cũng vắng mặt. Công an xã Lê Minh Xuân, H.Bình Chánh xác nhận, ông Sang không có mặt tại địa phương từ năm 2012 đến nay. TAND TP cho rằng, bà Phụng không đủ điều kiện khởi kiện theo điểm đ, khoản 1, điều 168 Bộ luật Tố tụng dân sự, nên ra quyết định hủ y bản án dân sự sơ thẩm, hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của TAND Q.2 về việc cấm chuyển dịch quyền về tài sản với nhà và đất số 44 Nguyễn Thị Định. Ngày 22/8, gia đình bà Phụng lại mất ăn, mất ngủ khi nhận được lá thư yêu cầu giao nhà của ông T.K.Q., tự nhận là người đã mua lại căn nhà và đất từ bà M.H.
Bài học cảnh giác
Sáng 30/8, trao đổi với phóng viên báo Phụ Nữ, ông Hoàng Lê Phương, Phó chủ tịch UBND P.An Phú, Q.2 cho biết: “Địa phương hoàn toàn bất ngờ trước tin bà Phụng rơi vào hoàn cảnh này”. Chồng bà Phụng mất sớm, mình bà nuôi bốn con. Các con bà đều có gia đình riêng nhưng ai cũng khó khăn. Hiện bà sống chung với vợ chồng người con trai út trong căn nhà rách nát số 44 Nguyễn Thị Định. Đã vậy, một cháu nội còn bị dị tật bẩm sinh. Gia đình bà Phụng thuộc diện hộ nghèo.
Chúng tôi hỏi vì sao không cầu cứu chính quyền, xin vay vốn để trả nợ mà lại âm thầm vay mượn để dẫn đến sự việc như vậy, bà Phụng nghẹn ngào: “Tôi xấu hổ. Thấy con làm ăn thua lỗ, nợ nần, tôi không dám để lối xóm biết, nói gì đến hội đoàn hay ủy ban. Tôi còn giấu biệt các con chuyện mình cầm cố giấy tờ nhà đi vay tiền cho con trả nợ…”.
Nhưng vì sao lại dễ dàng ký vào giấy ủy quyền như vậy, bà Phụng bật khóc: “Lúc đó việc có 100 triệu giúp con trai trả nợ là chuyện lớn nhất tôi quan tâm. Tôi cũng không biết ủy quyền là gì, nên ông Sang bảo làm gì tôi làm đó, bảo ký gì là tôi ký, rồi lăn tay”.
Về việc ủy quyền của bà Phụng, bà Lý Thị Như Hòa, Trưởng văn phòng công chứng Lý Thị Như Hòa (H.Hóc Môn, TP.HCM) cho biết: “Không ít trường hợp người già cả, ít chữ đến văn phòng công chứng làm các hợp đồng ủy quyền với người xa lạ, không phải con cháu ruột thịt của mình. Gặp các trường hợp này, chúng tôi giải thích rất kỹ với đương sự. Nhiều người nghe giải thích xong đã thôi không làm hợp đồng ủy quyền nữa, nhưng cũng có trường hợp vì quá cần tiền, họ bỏ qua mọi lời nhắc nhở”.
LS Mai Lâm Phương, Công ty luật An Phú - An Khánh cho rằng: “Trường hợp bà Phụng giờ chỉ còn một cách là chờ đợi VKSND tối cao ra kháng nghị giám đốc thẩm”.
Đây là một bài học đắt giá cho bà Phụng và là câu chuyện cảnh giác cho bất kỳ ai khi tham gia giao dịch, vay mượn, thế chấp các loại giấy tờ nhà, đất, mà không có kiến thức về pháp luật để bảo vệ tài sản của mình.
Nghi Anh