Văn hoá đình làng hiện tại
Thành phố (TP) Thủ Đức đang triển khai kế hoạch phục dựng đình An Khánh tại khu đô thị mới Thủ Thiêm. Theo sử sách ghi chép, đình An Khánh là một trong ba đình cổ của địa phương, được lập từ cuối thế kỷ XVII. Năm 2014, đình được di dời để xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm. Sự xuất hiện trở lại (trong tương lai gần) của đình An Khánh góp phần tô đậm văn hóa làng xã vốn đã từng tồn tại nơi đây, lưu giữ ký ức cho TP hiện đại, phát triển.
|
Đình An Khánh chuẩn bị được phục dựng gần với vị trí đình cũ, ở khu đô thị mới Thủ Thiêm |
Theo thống kê, hiện tại TP.HCM còn khoảng 300 đình làng lớn, nhỏ khác nhau. Các ngôi đình có ý nghĩa cả về kiến trúc, văn hóa tinh thần, cũng như phản ánh lịch sử phát triển của địa phương. Đình làng ở TP.HCM hầu hết đều được kiến lập từ lâu đời, tuổi thọ trên 100 tuổi, có đình hơn 300 tuổi.
Cùng với sự phát triển của xã hội, văn hóa đình làng tại nơi đây đã thay đổi rất nhiều. Hiện, người dân không còn lui tới đình làng nhiều như thời gian trước vì nhiều lý do.
Ông Nguyễn Văn Ca (đại diện Ban quản lý đình Thông Tây Hội, Q.Gò Vấp), nói thế hệ trước đây hay lui tới, sinh hoạt tại đình làng hiện đã qua đời, hoặc đi nước ngoài định cư. Văn hóa đình làng không được truyền lại cho thế hệ sau. Dân nhập cư chiếm tỷ lệ khá lớn. Đời sống người dân mang tính cá thể, độc lập nhiều hơn…
Theo bà Lê Tú Cẩm - Chủ tịch Hội Di sản TP.HCM - sự thay đổi này là tất yếu, và phải chấp nhận, bởi văn hóa hình thành nên từ thực tại cuộc sống, và nay đã khác xưa rất nhiều.
|
Đình Linh Đông đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 2020 - Ảnh: Nguyễn Quang |
Phó giáo sư - tiến sĩ Phan An (người chuyên nghiên cứu về văn hóa Nam bộ lý giải): “Đình làng là sản phẩm của văn hóa nông nghiệp, trồng lúa nước. Đình làng là thể chế xã hội bắt buộc trước đây. Cư dân ngày xưa là nông dân, hiện là thị dân, vai trò của đình làng ngày càng phai mờ, thay vào đó là những thiết chế khác, phù hợp hơn. Nhưng đình làng vẫn còn giá trị trong đời sống tinh thần của người dân. Đình làng giúp gắn bó những con người trong cộng đồng, là chỗ dựa tâm linh cho con người. Đình làng là hiện thân cho tinh thần nhân văn của con người”. Ông nhấn mạnh: “Với một TP đang phát triển, thì việc lưu giữ ký ức, bề dày văn hóa là hết sức quan trọng. Vì thế, trước sự thay đổi ngày càng nhanh chóng này, chúng ta càng phải cố giữ gìn, chứ không thể bỏ mặc”.
Phải thu hút được người trẻ
Việc giữ văn hóa đình làng tại đô thị là một thách thức lớn. Theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, đây là vấn đề đã, đang và sẽ còn phải bàn nhiều trong tương lai để có thể tìm được giải pháp hiệu quả.
Bà Lê Tú Cẩm cho rằng tập tục, nghi thức tế lễ phải được tính toán sao cho phù hợp với điều kiện, môi trường sống hiện tại, tránh tình trạng bát nháo, xây dựng hình ảnh sinh hoạt đình làng văn minh, hiện đại. Để có được điều này, cần sự điều tiết của cơ quan quản lý văn hóa. Những gì cần bỏ, điều gì cần giữ phải được tính toán kỹ.
Những ngôi đình hơn 100 năm tuổi bị xuống cấp là điều không thể tránh khỏi. Chuyện trùng tu đúng như bản gốc là rất khó, vì một số vật liệu xây dựng xưa đã không còn. Chúng ta có thể tìm vật liệu thay thế, nhưng quan trọng là phải giữ được hồn cốt, cách thức thờ cúng bên trong, và không gian sinh hoạt bên ngoài, không thể bê tông hóa di sản được”. Nhà nghiên cứu văn hóa Nam bộ Nguyễn Thanh Lợi |
“Cứ để như hiện tại, mọi thứ sẽ mai một, mất dần, khiến người ta sẽ không còn đến đình, hoặc đến nhưng không còn được giáo dục đúng giá trị từ đình làng. Cần có những nội dung vừa mang tính hướng dẫn, vừa mang tính quy định, để giữ văn hóa đình làng. Cái khó hiện tại không phải đường đi, mà làm sao để người dân thấy đình làng gắn với cuộc sống của họ, có những giá trị về đạo đức, tinh thần, niềm tin, đức tin để họ tin tưởng, dựa vào”, bà Lê Tú Cẩm nói.
Ngoài những hoạt động tế lễ, lễ kỳ yên, nên có thêm những hoạt động sinh hoạt cộng đồng khác, nhằm gắn kết các thế hệ. Từ đó, người lớn có thể truyền đạt lại kiến thức, giá trị từ sinh hoạt đình làng để con cháu nắm được. Các hoạt động này phải hướng đến mục tiêu giúp người dân nhận thấy đình làng là của cộng đồng.
|
Đình Thông Tây Hội đã tồn tại hơn 300 năm, là ngôi đình cổ nhất vùng Gia Định - Ảnh: Nguyễn Quang |
Trong hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị đình làng ở TP.HCM’’ vào tháng 11/2021, một số biện pháp khác cũng được đề xuất như: tiếp tục quan tâm, đào tạo nguồn nhân lực vững về chuyên môn, mở các lớp trang bị kiến thức về văn hóa đình làng, về công việc bảo tồn di tích cho tất cả cán bộ ngành văn hóa ở các quận, huyện, TP.Thủ Đức và ban quản lý các đình làng; tăng cường công tác truyền thông, giáo dục cho người dân địa phương về việc bảo tồn, phát huy giá trị của đình làng…
Hiện, để duy trì đời sống, văn hóa đình làng hầu như chỉ có thể dựa vào những người lớn tuổi. Tuy nhiên, để gìn giữ, phát huy bất kỳ giá trị văn hóa nào, thì người trẻ vẫn luôn là lực lượng giữ vai trò quan trọng. Phó giáo sư - tiến sĩ Phan An chia sẻ: “Sự phát triển nào cũng có trả giá. Nếu tổ chức một cuộc điều tra xã hội học với nhóm người dưới 30 tuổi xem họ biết khái niệm thành hoàng là gì, thì chắc chắn số lượng biết rất ít. Tôi kỳ vọng người trẻ phải lưu ý thêm về văn hóa truyền thống. Sự thay đổi, phát triển nào cũng có bản lề”.
Hiện, một số đình đã liên kết được với các tổ chức xã hội ở địa phương, các trường tiểu học, trung học, đại học, để đưa học sinh, sinh viên đến tham quan, tìm hiểu các giá trị văn hóa, kiến trúc. Đây là một trong những nỗ lực đáng ghi nhận. Tuy nhiên, việc giữ gìn văn hóa đình làng cũng cần phải xuất phát từ trong cộng đồng dân cư địa phương.
Ông Nguyễn Văn Ca nói, dẫu cố gắng nhưng đình vẫn gặp khó trong việc thu hút người trẻ tham gia các hoạt động tế lễ, nghi thức. Ngày xưa, các đình đều đào tạo học trò lễ từ khi còn nhỏ, để sau này tiếp bước thế hệ đi trước. Nhưng nay, giới trẻ tập trung đi làm, ít có thời gian quan tâm đến các hoạt động này. Sự kỳ vọng lớn nhất hiện tại là người lớn có thể truyền dạy lại cho con cháu để không mai một.
Cần khai thác phục vụ du lịch
Trong số đình làng hiện tại ở TP.HCM, nhiều ngôi đình có giá trị lớn về kiến trúc, văn hóa. Nhiều đình được công nhận di tích cấp quốc gia, có nhiều hiện vật quý, giá trị như: đình Minh Hương, đình Thông Tây Hội, đình Linh Đông… Đối với các giá trị văn hóa, lịch sử, việc bảo tồn, phát triển gắn với du lịch là một trong những cách làm hiệu quả. Tuy nhiên, hiện việc quảng bá cho những công trình này dưới góc độ khai thác du lịch chưa được đẩy mạnh. Giá trị của đình chưa thực sự được khai thác tương xứng với giá trị trong du lịch.
|
Đình Linh Đông |
Để phục vụ du lịch, ngoài các giá trị hiện có, các nhà chuyên môn cho rằng cần phục hồi các hoạt động đặc trưng gắn với đình làng như: tập luyện võ nghệ, truyền bá kiến thức và thực hành y học cổ truyền dân tộc, tổ chức sinh hoạt cộng đồng về ca nhạc dân tộc, diễn xướng dân gian… Có như vậy mới có thể hình thành sản phẩm du lịch độc đáo từ đình làng. Các doanh nghiệp du lịch sẽ thuận lợi hơn trong việc đưa đình làng vào chương trình tour.
Bà Đặng Lê Ngọc - Phó Chủ tịch UBND P.Linh Chiểu, TP.Thủ Đức, Trưởng ban quản lý đình Linh Đông - kỳ vọng việc thúc đẩy sự phát triển này sẽ có sự chung tay của mọi người. Bà hy vọng các trường đại học, cao đẳng có các chuyên ngành về văn hóa, lịch sử, tổ chức khảo sát, nghiên cứu, để có tài liệu chính thức về các đình trên địa bàn TP.HCM, từ đó quảng bá đến khách du lịch. Trên cơ sở đó, các công ty du lịch cũng có tài liệu chính thức để giới thiệu đến du khách một cách hấp dẫn, hiệu quả hơn.
Hiện, nhiều đình đã có dấu hiệu xuống cấp. Việc trùng tu, tôn tạo để đảm bảo giữ giá trị đình thực sự cần thiết, nếu muốn phát huy giá trị lâu dài.
Trung Sơn