TP.HCM ưu tiên chi thường xuyên: Không thể cắt bỏ khoản chi nào nhưng...

09/12/2016 - 11:30

PNO - TP.HCM không thể cắt bỏ khoản chi nào nhưng có thể điều chỉnh lại các khoản chi, tiết giảm tối đa các khoản chi không cần thiết và đang còn lãng phí.

TP.HCM đang gặp khó...

Trong định hướng kế hoạch tài chính, ngân sách giai đoạn 2016-2020 vừa được báo cáo Quốc hội có nội dung, tỷ lệ ngân sách TP.HCM được giữ lại giảm từ 23% xuống 18% giai đoạn 2017 - 2020.

Sau khi bị cắt giảm ngân sách, theo nguyên tắc phân bổ dự toán ngân sách của TP.HCM năm 2017, tỉ lệ phân bố thứ tự ưu tiên của thành phố là đảm bảo ngân sách chi cho hoạt động thường xuyên và bố trí chi trả nợ. Số còn lại bố trí chi đầu tư phát triển.

Trao đổi quan điểm trước vấn đề trên, TS Đinh Sơn Hùng - nguyên Phó viện  trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP HCM cho rằng, để thích ứng với lộ trình cắt giảm tỷ lệ ngân sách mà TP.HCM được giữ lại giảm từ 23% xuống còn 18% (giai đoạn 2017-2020), rõ ràng TP phải tính toán, phân bổ lại các khoản chi, kể cả việc phải cắt giảm một số các khoản chi không cần thiết, dư thừa, lãng phí.

Theo TS Hùng: "Cụ thể, các khoản chi phải phân bổ lại bao gồm: chi thường xuyên, chi trả nợ, chi đầu tư phát triển... Dựa vào thứ tự phân bổ nguồn lực của TP, tôi có thể hiểu được vì sao thành phố phải làm như vậy".

TP.HCM uu tien chi thuong xuyen: Khong the cat bo khoan chi nao nhung...
Tỷ lệ ngân sách TP.HCM giảm 5% giai đoạn 2017 - 2020. Ảnh: Internet

Phân tích cụ thể hơn, vị chuyên gia cho rằng, khoản chi thường xuyên là khoản chi bắt buộc để duy trì bộ máy công quyền của thành phố. Bởi nếu bộ máy công quyền TP không hoạt động cũng đồng nghĩa với mọi hoạt động khác phải ngừng lại.

Tiếp theo, đó là khoản chi trả nợ. Theo ông đây cũng là khoản chi phải được ưu tiên vì nếu không chi trả nợ thành phố sẽ không thể vay được nữa. Mà nếu như vậy TP sẽ không có nguồn để chi cho các hoạt động khác. 

Thứ ba, đó là khoản chi cho đầu tư phát triển. Khoản này cũng mang tính chất bắt buộc. Vì nếu không có đầu tư phát triển, TP không có tăng trưởng, không hoàn thành được chỉ tiêu nhà nước giao.

"Như vậy, nếu nhìn vào hiện tại có thể nói TP đang gặp khó khăn và chắc chắn TP không thể bỏ khoản chi nào", TS Hùng chốt lại vấn đề.

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia, vấn đề không nằm ở tỷ lệ phân bổ nguồn ngân sách đó thế nào mà nó nằm ở chỗ sử dụng nguồn lực đó ra sao? Đã thật sự hiệu quả hay chưa? 

TP.HCM không thể cắt bỏ khoản chi nào nhưng có thể điều chỉnh lại các khoản chi, tiết giảm tối đa các khoản chi không cần thiết và đang còn lãng phí.

Ông dẫn chứng: "Tôi lấy ví dụ, nếu trước đây chi thường xuyên là 10 tỷ/ngày thì bây giờ TP HCM phải làm sao giảm được xuống còn 7 hoặc 8 tỷ/ngày thôi. Bên cạnh đó cũng phải có đánh giá lại hiệu quả của khoản chi đó thế nào".

"Nếu hỏi rằng TP.HCM có khó khăn không thì tôi chắc chắn là có. Tự nhiên bị cắt bớt tiền đi là khó rồi nhưng khó tới mức nào, TP có khả năng bù đắp được hay không? Có khó tới mức phải đẩy khoản chi cho đầu tư phát triển vào hàng cuối cùng hay không lại là chuyện khác.

Nếu nhìn vào thứ tự ưu tiên được phân bổ ngân sách của TP, tôi có cảm nhận nó có hơi hướng muốn phản ứng lại nhiều hơn.

Mặc dù đó chỉ là suy đoán mang tính cá nhân thôi nhưng bản thân các vị lãnh đạo TP trước đó cũng đã nói rõ quan điểm của mình rằng: Nếu bị cắt giảm ngân sách, TP.HCM buộc phải cắt giảm chi cho đầu tư phát triển vì không thể cắt giảm khoản chi thường xuyên được nữa", TS Hùng nhận định.

Tính toán cho TP.HCM

Trước băn khoăn của dư luận, trong khi chủ trương chung của Chính phủ là cắt giảm chi thường xuyên để tăng chi đầu tư thì TP.HCM lại quyết định ngược lại, vị chuyên gia lý giải:

"Việc tự nhiên bị cắt bớt một nguồn tiền lớn thì TP.HCM gặp khó khăn là đương nhiên. Nhưng khó khăn tới mức nào? Có khó khăn tới mức thành phố không thể thu xếp được và phải gác lại đầu tư phát triển hay không thì phải có đánh giá toàn diện mới trả lời được. 

Song tôi chắc chắn rằng, TP.HCM hoàn toàn có thể tiết giảm được rất nhiều từ các khoản chi tiêu thường xuyên mà vẫn đảm bảo hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính".

Cụ thể như triển khai các giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước phù hợp với thực tiễn TP, đảm bảo nguyên tắc triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, đẩy mạnh xã hội hóa, tự chủ, nhất là các đơn vị sự nghiệp công lập, dịch vụ công, đa dạng hóa và thu hút mạnh mẽ các nguồn lực trong và ngoài nước.

Hơn nữa, TP.HCM vẫn còn rất nhiều dư địa có thể khai thác được từ các nguồn lực sẵn có trong dân cư, các khu vực doanh nghiệp, nguồn lực này lớn hơn mọi phán đoán.

TP.HCM cũng có thể thu hút được nguồn lực từ các doanh nghiệp tư doanh, thu hút từ nguồn lực nhàn dỗi trong dân cư...

Ngoài ra, TP.HCM cũng có thể thu hút đầu tư theo hình thức hợp tác đầu tư, cho ưu đãi đổi lấy dự án... Tuy nhiên, vị chuyên gia lưu ý, với hình thức này, TP.HCM có thể huy động được hay không lại phải phụ thuộc vào hai yếu tố: Một là cơ chế chính sách của Chính phủ và hai là các giải pháp TP HCM đang và sẽ thực hiện như thế nào?.

"Vì vậy, TP.HCM phải tính toán, cân nhắc cho kỹ trong các giải pháp của mình để tránh tình trạng chạy theo ưu đãi, ưu đãi đến hụt hơi rồi cuối cùng nguồn lực phi ngân sách sẽ rơi vào tay một số nhóm quyền lực trong kinh doanh, gây nên sự mất bình đẳng trong môi trường kinh doanh. Người ta hay gọi đó là "nhóm lợi ích".

Theo quan sát của tôi, việc này thực tế đã và đang diễn ra, đó là sự tồn tại do sự điều hành thiếu chặt chẽ, không quản lý được", TS Đinh Sơn Hùng nhấn mạnh.

Đông

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI