edf40wrjww2tblPage:Content
Tại phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa IX chiều 16/10, các đại biểu đã thống nhất thông qua Chương trình hành động của Thành ủy TPHCM thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới; đồng thời nhất trí thông qua các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển KT-XH 3 tháng cuối năm 2013.
Tổng kết hội nghị, ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM cho rằng TP.HCM tuy đã vượt qua nguy cơ bất ổn về kinh tế - tài chính, nhưng vấn đề nợ xấu và sự yếu kém của một bộ phận ngân hàng thương mại trên địa bàn vẫn là vấn đề phải tập trung giải quyết. Việc triển khai gói tín dụng 30.000 tỉ đồng cho thị trường bất động sản của ngân hàng nhà nước là chủ trương tích cực, nhưng trong triển khai còn nhiều vướng mắc, các đối tượng thuộc diện được vay chưa tiếp cận được nguồn vốn nên chưa kích thích được phân khúc thị trường nhà ở thu nhập thấp và trung bình. Các vấn đề về an sinh xã hội cũng đặt ra nhiều thách thức lớn đối với thành phố.
Theo ông Lê Thanh Hải, doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn về vốn và thị trường, do đó thành phố vẫn phải chủ động hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. Cụ thể, UBND TP cần tổ chức rà soát từng ngành và từng loại hình doanh nghiệp để xác định những doanh nghiệp khó khăn về thị trường, khó khăn về tín dụng để có cách hỗ trợ khác nhau, nhất là các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng… “Phải đặt mục tiêu là không để bất kỳ doanh nghiệp nào đang có thị trường đầu ra nhưng do thiếu vốn mà phải hạn chế hoạt động, phải tạm ngưng sản xuất, phải dừng đầu tư” - ông Lê Thanh Hải nhấn mạnh.
Theo ông Lê Thanh Hải, nhà nước không can thiệp vào hoạt động tín dụng của ngân hàng, nhưng hoàn toàn có thể cùng với ngân hàng bàn bạc những giải pháp khả thi để tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp.
Trước tình hình khó khăn của TP về nguồn vốn trong xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải đề nghị cần tiếp tục phát huy việc xã hội hóa đầu tư. “Các dự án BOT, BT, PPP đang gặp khó khăn từ cơ chế và từ các thực hiện của chúng ta. Do đó, phải tháo gỡ và thu hút đẩy mạnh các hình thức công tư đối tác trong xây dựng hạ tầng đô thị. Thành phố phải có tác động mạnh mẽ để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư theo các hình thức xã hội hóa hạ tầng đô thị ở các lĩnh vực như giao thông, y tế, giáo dục…” - ông Lê Thanh Hải nói.
Trước đó, sáng 16/10, Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa IX đã được khai mạc dưới sự chủ trì của ông chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM.
Quang cảnh hội nghị Thành ủy TP.HCM lần thứ 15.
Nội dung chính của hội nghị lần này là thảo luận, thông qua các nội dung: Chương trình hành động của Thành ủy TP.HCM thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới; dự thảo báo cáo tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội và quốc phòng - an ninh 9 tháng đầu năm; các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 3 tháng cuối năm 2013.
Xây dựng 12 đề án thực hiện công tác dân vận trong tình hình mới
Báo cáo tờ trình Thành ủy về dự thảo Chương trình hành động của Thành ủy TP.HCM thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh mục tiêu lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác dân vận của hệ thống chính trị nhằm củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ mật thiết, máu thịt giữa Đảng bộ với nhân dân thành phố; vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chủ trương của thành phố; phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân, tạo phong trào cách mạng, phong trào thi đua yêu nước sâu rộng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
TP.HCM phấn đấu đến cuối năm 2013 có thêm 8.000 - 10.000 hộ vượt chuẩn nghèo, nâng tổng số hộ vượt nghèo năm 2013 lên 17.000 - 20.000 hộ, hộ nghèo còn lại 18.000 hộ, chiếm tỷ lệ 0,9% tổng hộ dân thành phố, kết thúc giai đoạn 3 của chương trình giảm nghèo vào cuối năm 2013. |
Theo đó, ngoài việc đưa ra 8 nhóm nhiệm vụ giải pháp tập trung thực hiện, Thành ủy TP.HCM đã đưa ra 12 đề án cụ thể hóa việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của chương trình hành động, đó là: Xây dựng chuyên đề về thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng công nhân trong các khu chế xuất - khu công nghiệp TP; xây dựng đề án về chính sách, chế độ đối với cán bộ MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội ở phường - xã, thị trấn, khu phố, ấp; xây dựng tiêu chuẩn cán bộ MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội; xây dựng chương trình khắc phục biểu hiện “hành chính hóa”, “bệnh thành tích” trong hoạt động của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội; xây dựng đề án giáo dục cán bộ, công chức, viên chức nâng cao trách nhiệm phục vụ nhân dân, phòng, chống quan liêu, vô cảm, nhũng nhiễu, gây phiền hà nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp trong thực thi công vụ; rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ công nhân, nông dân, trí thức, thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, cán bộ hưu trí, người cao tuổi, doanh nhân, đồng bào các dân tộc, đồng bào có đạo, người VN ở nước ngoài; xây dựng cơ chế phối hợp giữa MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và các hội quần chúng với chính quyền, lực lượng vũ trang trong công tác dân vận; nghiên cứu xây dựng cơ chế tổ chức lấy ý kiến nhân dân thông qua MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội TP về những vấn đề quan trọng trước khi ban hành chủ trương, chính sách; phối hợp thực hiện việc thẩm định, đánh giá các chủ trương, chính sách nhằm đảm bảo phù hợp với nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của nhân dân trước khi ban hành; xây dựng đề án phát huy vai trò người có uy tín trong cộng đồng dân cư; nghiên cứu, đổi mới, bổ sung chương trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; xây dựng đề án tổ chức MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp; cơ chế phối hợp thực hiện vai trò đại diện, giám sát các cơ quan hành chính, cán bộ, công chức, viên chức và thực hiện chức năng phản biện xã hội của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội trong thực hiện Đề án thí điểm chính quyền đô thị TPHCM; tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Bí thư Thành ủy TP.HCM trao đổi với đại biểu bên lề hội nghị.
Tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển
Tại hội nghị, thay mặt UBND TP báo cáo tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội và quốc phòng - an ninh 9 tháng đầu năm; các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 3 tháng cuối năm 2013, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của TP còn gặp nhiều khó khăn. Thị trường bất động sản phục hồi chậm, tỷ lệ nợ xấu còn cao; doanh nghiệp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động tín dụng của các ngân hàng; thị trường tiêu thụ của hàng hóa xuất khẩu gặp nhiều khó khăn và chưa thể phục hồi trong ngắn hạn; tiến độ thi công, tiến độ giải ngân của các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị và các chương trình trọng điểm tuy được các chủ đầu tư quan tâm đẩy nhanh, song công tác đền bù, giải phóng mặt bằng quá chậm, ảnh hưởng đến tiến độ chung của nhiều dự án; thu nhập và đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, nhất là người lao động có thu nhập thấp…
Trước tình hình đó, tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn trong những tháng cuối năm. Trong đó, ưu tiên hàng đầu vẫn là tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh và mở rộng thị trường; phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước tập trung tháo gỡ khó khăn về lãi suất ngân hàng, đảm bảo hỗ trợ kịp thời, ưu tiên vay vốn cho 5 lĩnh vực: nông nghiệp và nông thôn, sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tăng cường các buổi đối thoại trực tiếp của thành phố và quận - huyện nhằm kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp; tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình nợ xấu phát sinh và công tác xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Toàn cảnh hội nghị.
Đồng thời, tăng cường các hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cho doanh nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư nâng cao chất lượng hoạt động để tăng hiệu quả của đầu tư nước ngoài và giúp phát triển các ngành theo đúng định hướng phát triển của thành phố; tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư theo hướng tập trung thị trường và ngành kinh tế trọng điểm nhằm tăng cường huy động các nguồn vốn cho đầu tư phát triển kinh tế thành phố, đặc biệt là đầu tư vào các ngành có vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố; tăng cường hiệu quả của hoạt động xúc tiến thương mại theo hướng thúc đẩy hình thành sự hiện diện sâu, rộng của hàng Việt Nam tại thị trường nội địa. Đặc biệt, triển khai có hiệu quả Chương trình hành động của thành phố thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Nhiều đại biểu đề nghị: trong 3 tháng cuối năm, TP cần tập trung thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, chú trọng công tác bình ổn thị trường, bảo đảm cung ứng các mặt hàng thiết yếu với chất lượng đảm bảo và mức giá hợp lý, không để xảy ra tình trạng sốt hàng, tăng giá bất hợp lý; triển khai việc chuẩn bị chu đáo cho nhân dân đón Tết cổ truyền Giáp Ngọ 2014.
Theo chương trình, hội nghị diễn ra trong 1 ngày. Cuối buổi chiều, Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải sẽ có bài phát biểu tổng kết hội nghị.
Trần Ái