Sáng 17/11, Thường trực Thành ủy TP.HCM đã tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0).
Báo cáo tại hội nghị, ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội - cho biết, việc chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp là yêu cầu tất yếu khách quan, là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Quan điểm của Đảng là nhận thức đầy đủ, đúng đắn về nội hàm, bản chất của cuộc cách mạng công nghiệp này để quyết tâm đổi mới tư duy và hành động, coi đó là giải pháp đột phá với bước đi và lộ trình phù hợp, là cơ hội để Việt Nam bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội.
|
Ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội - báo cáo tại hội nghị. Ảnh: Quốc Ngọc |
Bộ Chính trị xác định, phải đổi mới tư duy về quản lý kinh tế, quản lý xã hội, xây dựng, hoàn thiện thể chế cho phù hợp, có cách tiếp cận mở, sáng tạo, cho thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra, tạo mọi thuận lợi cho đổi mới sáng tạo.
Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM, ông Dũng cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra rất nhanh chóng, mau lẹ trên toàn thế giới, tác động rất lớn tới sự phát triển của các quốc gia. Quốc gia nào sớm nhập cuộc, sẽ có cơ hội phát triển nhanh.
“Với những chủ trương mới của Đảng và Nhà nước, chúng ta có thể sớm rút ngắn khoảng cách phát triển so với các nước. TP.HCM là một trung tâm lớn của cả nước về khoa học công nghệ, về nguồn nhân lực và luôn luôn đi đầu cả nước về những chủ trương chính sách mới khi Đảng ta có những kế hoạch phát triển mới. Tôi tin rằng lần này, TP.HCM cũng sẽ là đơn vị đi đầu trong phát triển, ứng dụng công nghệ” - ông Dũng nói.
|
Ảnh minh hoạ cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nguồn ảnh: internet |
Một số mục tiêu cụ thể của Nghị quyết số số 52-NQ/TW là: đến năm 2025, duy trì xếp hạng về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc 3 nước dẫn đầu ASEAN; xây dựng được hạ tầng số đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN; internet băng thông rộng phủ 100% các xã; kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP; năng suất lao động tăng bình quân trên 7%/năm; có ít nhất 3 đô thị thông minh tại 3 vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung.
Đến năm 2030, duy trì xếp hạng về chỉ số GII thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu thế giới; mạng di động 5G phủ sóng toàn quốc; mọi người dân được truy cập internet băng thông rộng với chi phí thấp; kinh tế số chiếm trên 30% GDP; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 7,5%/năm; hoàn thành xây dựng chính phủ số; hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung; từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.
Đến năm 2045, Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á; có năng suất lao động cao, có đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ hiện đại trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh.
Quốc Ngọc