Đây là khu vực từng bị ô nhiễm nghiêm trọng, buộc hai địa phương phải cùng nhau thực hiện dự án cải tạo kênh và xử lý nước thải. Đến nay, công trình xử lý nước thải kênh Ba Bò phía TP.HCM vẫn chưa thể vận hành hiệu quả do nguồn nước từ Bình Dương đổ xuống vẫn thường xuyên bị ô nhiễm.
Nước thải đủ màu, rác ngập khắp nơi
Ngày 23/2, có mặt ở hạ nguồn kênh Ba Bò (thuộc Q.Thủ Đức, TP.HCM), chúng tôi nhận thấy, nước sau khi đi qua trạm xử lý vẫn còn màu nâu sẫm và sủi bọt trắng xóa. Từ khu vực trạm xử lý nước thải đi ngược về phía tỉnh Bình Dương, chúng tôi bắt gặp nhiều đoạn kênh ngập rác và nước đục ngầu.
So với mùa mưa, lượng nước thải từ tỉnh Bình Dương theo kênh Ba Bò đổ về TP.HCM hiện giờ ít hơn nhưng nước chảy vào kênh này từ hướng khu công nghiệp Sóng Thần 1 và Sóng Thần 2 (tỉnh Bình Dương) vẫn còn rất lớn và nước thải cũng thường xuyên có màu nâu sẫm giống như trong mùa mưa.
Nước thải từ tỉnh Bình Dương đổ vào kênh Ba Bò vẫn còn bị ô nhiễm khiến việc xử lý nước thải của TP.HCM gặp khó khăn - Ảnh: H.N
|
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP.HCM, qua khảo sát môi trường nhiều lần, nước ở miệng cống xả nước thải chảy tràn từ hồ chứa của trạm xử lý nước thải khu công nghiệp và nước thải sau xử lý của khu công nghiệp Sóng Thần 1 và Sóng Thần 2 vào kênh Ba Bò có hàm lượng các chất ô nhiễm cao hơn ở hai vị trí quan trắc nước thải đầu ra của hệ thống xử lý nước thải khu công nghiệp Sóng Thần 1 và Sóng Thần 2.
Từ đó, Sở TN-MT TP.HCM nhận định, có khả năng một số cơ sở sản xuất trong khu công nghiệp Sóng Thần 1 và Sóng Thần 2 chưa đấu nối hoàn toàn vào hệ thống xử lý hoặc xả ngầm nước thải ô nhiễm chưa qua xử lý vào kênh Ba Bò. Ngoài ra, cũng không loại trừ những cơ sở sản xuất ngoài khu công nghiệp lén xả nước thải ô nhiễm vào hệ thống tuyến cống ngầm số 4, sau đó đổ ra kênh Ba Bò.
Theo kết quả quan trắc định kỳ trong năm 2018 do Sở TN-MT TP.HCM thực hiện, chất lượng nước thải từ các cơ sở sản xuất nằm ngoài khu công nghiệp và các khu dân cư dọc kênh Ba Bò vẫn còn bị ô nhiễm, nhất là các thông số về hữu cơ và vi sinh.
Nếu so với quy chuẩn về nước thải công nghiệp, nước thải ở một số vị trí quan trắc trên kênh Ba Bò (khu vực thuộc tỉnh Bình Dương) có hàm lượng BOD5 vượt từ 1,29-4,92 lần, hàm lượng COD (ô-xy hòa tan) vượt từ 1,39-2,65 lần, hàm lượng kim loại sắt (Fe) vượt 6,07-39,35 lần, hàm lượng vi sinh ở tất cả 9 vị trí quan trắc trên kênh Ba Bò đều vượt mức cho phép.
Trạm xử lý nước thải tê liệt
Trong công văn vừa gửi UBND tỉnh Bình Dương, UBND TP.HCM cho rằng, do nguồn nước từ Bình Dương đổ ra kênh Ba Bò vẫn còn ô nhiễm nên công trình xử lý nước thải của TP.HCM gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, trạm xử lý nước thải kênh Ba Bò đã hoàn thành vào tháng 8/2017 hiện đang trong giai đoạn vận hành thử nghiệm nhưng phải gián đoạn liên tục do lượng rác thải cũng như nguồn nước ô nhiễm từ Bình Dương đổ về.
“Hiện nay, Trung tâm Chống ngập TP.HCM đang khẩn trương khắc phục các hạn chế của trạm xử lý nước thải để hoàn thành thủ tục nghiệm thu và đưa vào vận hành chính thức” - UBND TP.HCM cho biết.
Nước thải sau khi đi qua trạm xử lý kênh Ba Bò vẫn còn dấu hiệu ô nhiễm - Ảnh: H.N
|
Theo báo cáo của Công ty TNHH một thành viên Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi TP.HCM - đơn vị đang vận hành thử nghiệm trạm xử lý nước thải kênh Ba Bò - nguyên nhân trạm này thường xuyên dừng hoạt động là do lượng rác từ Bình Dương chảy về quá nhiều, gây tắc nghẽn khu vực hút nước nên máy bơm không thể bơm nước lên hồ, trong khi thiết kế của trạm xử lý lại không có hệ thống lưới chắn rác.
Trạm cũng không xử lý được nguồn nước bị ô nhiễm kim loại từ Bình Dương đổ về vì công trình sử dụng công nghệ sinh học chỉ xử lý được nước thải sinh hoạt, không xử lý được nguồn nước ô nhiễm từ hoạt động sản xuất công nghiệp có kim loại nặng.
Trước tình trạng trên, UBND TP.HCM cho rằng, để giảm thiểu ô nhiễm kênh Ba Bò, đòi hỏi phải có sự chỉ đạo quyết liệt từ các cấp chính quyền và sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị có liên quan.
“Tỉnh Bình Dương phải đảm bảo nước thải của các cơ sở sản xuất đạt quy chuẩn trước khi xả thải ra kênh Ba Bò cũng như đảm bảo các cơ sở trong khu công nghiệp đấu nối hoàn toàn vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp và Trung tâm Chống ngập TP.HCM sớm vận hành chính thức trạm xử lý nước thải kênh Ba Bò là vấn đề then chốt nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm trên hạ lưu tuyến kênh Ba Bò” - văn bản của UBND TP.HCM nêu.
Đề xuất nhiều phương án ngăn chặn ô nhiễm
UBND TP.HCM đề nghị UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu chủ đầu tư khu công nghiệp Sóng Thần 1 và Sóng Thần 2 khẩn trương xây dựng hai tuyến thoát nước độc lập cho từng khu công nghiệp từ nhà máy xử lý nước thải đến khu vực trạm bơm số 2 của dự án cải tạo kênh Ba Bò, đồng thời lắp đặt trạm quan trắc nước thải tự động ở điểm cuối trước khi xả ra kênh. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bình Dương cần chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thi công, thu gom nước thải sinh hoạt từ các khu dân cư ven kênh đưa về nhà máy xử lý nước thải đô thị, kêu gọi người dân không xả rác ra kênh. UBND TP.HCM cũng đề xuất UBND tỉnh Bình Dương thiết lập đường dây nóng giữa hai địa phương để kịp thời giám sát đột xuất, khắc phục kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi xả thải ô nhiễm vào kênh Ba Bò.
UBND TP.HCM yêu cầu Sở TN-MT TP.HCM phối hợp chặt chẽ với Sở TN-MT tỉnh Bình Dương giám sát chặt các nguồn xả thải vào kênh Ba Bò; yêu cầu Trung tâm Chống ngập TP.HCM có trách nhiệm khắc phục những hạn chế của trạm xử lý nước thải kênh Ba Bò để sớm vận hành chính thức và truyền dữ liệu quan trắc môi trường tự động cho Sở TN-MT TP.HCM để quản lý, giám sát.
Công trình cải tạo kênh Ba Bò (phía TP.HCM) do Trung tâm Chống ngập TP.HCM làm chủ đầu tư, được khởi công năm 2009 và hoàn thành cuối năm 2017.
|
Trung Thanh