Rác được phân loại, rồi sao nữa?
7g30 sáng 30/3, hai nhân viên thu gom rác dân lập đẩy thùng vào con hẻm trên đường Nguyễn Thị Kiểu, tổ 10, khu phố 4, P.Tân Thới Hiệp, Q.12, TP.HCM để lấy rác. Thùng nhựa màu xanh đựng rác hữu cơ, thùng màu xám đựng các loại rác còn lại. Trước cổng mỗi hộ dân, đều có hai túi ni-lông phân loại “chất thải hữu cơ” và “chất thải còn lại”. Sau hơn cả giờ đồng hồ đi gom rác, hai nhân viên đưa toàn bộ rác về xe tải rồi chở đến điểm trung chuyển là bô rác Tân Thới Hiệp.
|
Người dân tổ 10, khu phố 4, P.Tân Thới Hiệp, Q.12 vẫn tự hỏi họ phân loại rác tại nguồn để làm gì, khi mà chúng vẫn bị gom chung ở bô rác |
Một nhân viên cho biết, dân phân loại rác tại nhà, nhân viên thu gom theo loại rác, nhưng giờ lại đổ chung. Hai năm nay đều vậy. Ông Huỳnh Văn Ngọc - Tổ trưởng tổ 10 - lắc đầu cười: “Tổ chúng tôi có 93 hộ cùng tham gia thí điểm phân loại rác tại nguồn từ cuối năm 2016. Nhưng nghe đâu ra tới bô rác, mấy cái túi đó lại đổ chung với nhau hết trơn”. Oái oăm thay, đây lại là thực trạng chung của TP.HCM chứ không chỉ riêng ở P.Tân Thới Hiệp.
Tương tự, tình trạng này đang xảy ra tại một số khu vực đang được TP.HCM triển khai thực hiện phân loại rác tại nguồn như Q.1, Q.3, Q.6… Thực tế này xuất phát từ thực trạng không đồng nhất về cơ sở trang thiết bị hạ tầng và quản lý đối với lực lượng thu gom rác. Bởi, hiện có đến 60% lực lượng thu gom rác dân lập, 40% còn lại là lực lượng thu gom rác chính quy trực thuộc quản lý của các công ty dịch vụ công ích quận, huyện quản lý.
Với lực lượng thu gom rác dân lập, cơ quan chức năng chưa thể can thiệp quản lý trực tiếp nên chất lượng vệ sinh vẫn phải phó mặc cho đầu nậu đường dây rác tại khu vực đó. Lực lượng này cũng không đủ điều kiện để trang bị thùng rác 2 ngăn hoặc thêm chi phí để thực hiện thu gom 2 lần cho 2 loại rác vô cơ và hữu cơ.
Riêng với lực lượng thu gom rác chính quy thì đáp ứng các cơ sở vật chất cũng như cách thức triển khai hiệu quả hoạt động phân loại rác tại nguồn. Thế nhưng, chi phí chi trả cho hoạt động này chưa được minh bạch và kịp thời nên cũng rất khó duy trì thường xuyên hoạt động trên.
Chính vì thế, trong buổi làm việc với Ban Đô thị Hội đồng nhân dân TP.HCM ngày 21/3 vừa qua, ông Đậu An Phúc - Phó chủ tịch UBND Q.12 - trăn trở: “Từ năm 2017, Q.12 triển khai tuyên truyền, vận động người dân khắp 11 phường tham gia phân loại rác tại nguồn. Chúng tôi vừa xây dựng mạng lưới trạm trung chuyển, cải tiến phương tiện, tổ chức lực lượng thu gom, rồi lập lực lượng nòng cốt, vừa tuyên truyền vận động, vừa thực hiện, nêu gương, nhưng tất cả đội ngũ này, từ người gom rác cho đến lãnh đạo quận đều không ai trả lời được câu hỏi của dân: “Phân loại rác xong rồi thì làm gì nữa?”.
12 năm, vẫn cứ “thí điểm”
Trong chương trình Lắng nghe và trao đổi sáng 1/4, đánh giá kết quả công tác phân loại rác tại nguồn ở TP.HCM, đại diện Ban Đô thị, Hội đồng nhân dân TP.HCM nhận định: TP.HCM đã có rất nhiều nỗ lực cho công tác này; đặc biệt, từ năm 2017, khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 03/NQ-HĐND TP.HCM, thành phố đã bắt đầu nhân rộng việc phân loại rác tại nguồn theo lộ trình cho 24 quận, huyện.
Mỗi ngày, toàn TP.HCM phát sinh khoảng 8.300 tấn rác sinh hoạt. Theo dự báo, đến năm 2025, con số này sẽ tăng đến 13.000 tấn, trong đó có 1.500-2.000 tấn rác công nghiệp, 1.200-1.600 tấn rác thải xây dựng, 22 tấn rác thải y tế và hơn 2.000 tấn bùn thải các loại.
Các loại rác thải y tế, rác thải công nghiệp, xây dựng sẽ được các chủ nguồn thải ký hợp đồng với các đơn vị thu gom, xử lý theo quy định. Riêng lượng rác thải sinh hoạt từ khu dân cư sẽ được Công ty Môi trường đô thị TP.HCM, các công ty công ích quận, huyện và lực lượng thu gom rác dân lập thu gom, vận chuyển về các đơn vị xử lý tại bãi rác Đa Phước (H.Bình Chánh) và Phước Hiệp (H.Củ Chi).
Hiện tại, phương thức xử lý rác đa phần bằng công nghệ chôn lấp. UBND TP.HCM đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, hạ tỷ lệ chôn lấp xuống còn 50% và đến năm 2025, chỉ còn 20%. Riêng với bãi rác Đa Phước (hiện tiếp nhận khoảng 5.300 tấn/ngày), UBND TP.HCM đã yêu cầu giảm dần tỷ lệ chôn lấp, chuyển một phần sang công nghệ đốt.
|
Qua hơn 9 tháng, đến nay, các quận, huyện đều đã triển khai một số hoạt động như tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, treo dán các khẩu hiệu trên đường phố, triển khai thùng rác nhiều ngăn ở một số địa điểm công cộng…
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ - Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM - khẳng định: “Nhiều người vẫn nghĩ, vận động dân phân loại rác tại nguồn làm gì, nhưng thực sự đây là việc phải làm, không thể chần chừ, bàn cãi và việc này cần được sự ủng hộ của toàn dân”.
Tuy nhiên, ông Huỳnh Thanh Khiết - Phó chủ tịch UBND Q.2 - cho rằng: “Việc phân loại rác tại nguồn có một ý nghĩa hết sức to lớn với vấn đề môi trường, văn minh đô thị, nhưng nếu không làm quyết liệt, không có một cơ chế rõ ràng thì việc phân loại rác tại nguồn sẽ mãi mãi là thí điểm, thử nghiệm mà thôi”.
Kinh nghiệm từ hiệu quả dự án “Khu phố xanh” - thực hiện phân loại rác tại nguồn do Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị thực hiện tại 2.000 hộ gia đình Q.Tân Phú cho thấy, trước hết để có thể triển khai, duy trì hoạt động phân loại rác tại nguồn, các cơ quan chức năng cần thiết phải khảo sát, đánh giá hiện trạng thu gom rác từng khu vực.
Theo đó, xác định khả năng đáp ứng năng lực của đơn vị đang thu gom, từ đó bàn giải pháp phối hợp thực hiện dự án dài hơi. Trước hết, chỉ nên tập trung thực hiện tại các khu vực do lực lượng thu gom rác chính quy. Mặt khác, trong cơ chế thực hiện đấu thầu thu gom rác trên địa bàn thành phố, cần thiết phải đưa điều kiện thu gom rác theo phân loại như điều kiện cần và đủ để lực chọn đơn vị trúng thầu thu gom rác.
Quan trọng hơn, thành phố cần phải tính đúng, tính đủ chi phí chi trả cho các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực vệ sinh môi trường. Chi phí này cũng phải được chi trả kịp thời để các đơn vị đảm bảo hoạt động của mình.
Có thể thấy, về lâu dài, chủ trương và chính sách của thành phố trong việc cải thiện chất lượng môi trường đã rất rõ. Nhất thiết phải giảm tỷ lệ rác chôn lấp và tăng lượng rác tái chế. Để có thể đạt được mục tiêu này, góp phần nâng cao hiệu quả tái chế rác thải thì hoạt động phân loại rác tại nguồn đóng vai trò rất quan trọng.
Bốn bất cập và thắc mắc
1. Nếu không phân loại rác thải tại nguồn, chỉ cần một xe vào hẻm lấy rác, nhưng khi phân loại rác tại nguồn, phải có hai xe vào hẻm hoặc vận chuyển hai lần, kinh phí lấy rác cũng đội lên theo. Trong khi đó, giá dịch vụ thu gom rác thải sinh hoạt vẫn theo Quyết định số 88/2008/QĐ-UBND của UBND TP.HCM.
Điều này khiến nhiều quận, huyện không có kinh phí chi trả cho hai vòng lấy rác. Cụ thể như Công ty Dịch vụ công ích Q.12 bị “nợ” đến 15 tỷ đồng, mấy tháng không có tiền trả lương cho người lao động. Còn UBND Q.2 thì lúng túng, loay hoay tìm nguồn bù đắp khi chủ các đường dây lấy rác dân lập thông báo không có kinh phí để thực hiện việc lấy rác theo đúng quy trình.
2. UBND TP.HCM đã chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ sớm hoàn chỉnh mẫu xe thu gom rác để thay thế phương tiện thô sơ và đáp ứng chương trình phân loại rác tại nguồn, nhưng đến nay, vẫn chưa có phản hồi.
3. Hiện đã có chế tài xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi không phân loại chất thải rắn (Nghị định 155/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức phạt cho hành vi này là từ 15-20 triệu đồng), nhưng làm sao để thực thi nghị định này, vì sao người dân ra sức phân loại, rác lại bị gom chung?
4. Bao giờ TP.HCM có mạng lưới thu gom, vận chuyển và xử lý rác hoàn chỉnh và đồng bộ?
|
Nghi Anh