Tháo bỏ bất an cho phụ huynh mầm non
Sáng 13/2, hơn 30 phụ huynh lớp Lá 3, Trường Mầm non Vành Khuyên 3 (TP. Thủ Đức) đã có buổi họp phụ huynh trực tuyến với giáo viên chủ nhiệm (GVCN) về việc trẻ trở lại trường từ ngày 14/2.
Trong hơn 1 tiếng rưỡi, buổi họp đã giúp phụ huynh làm rõ nhiều thông tin về phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn khi trẻ đến trường; phương pháp vui chơi, học tập, sinh hoạt của trẻ trong bối cảnh dịch bệnh. Qua đó, những bất an của phụ huynh cũng dần được tháo bỏ.
Mã QR khai báo y tế cũng được giáo viên gửi đến phụ huynh, nhắc nhở phụ huynh khai báo y tế trước khi đưa trẻ đến trường để hạn chế tập trung đông trước cổng trường.
|
Phụ huynh mầm non đã được tháo bỏ những bất an từ chính các biện pháp phòng dịch của trường mầm non |
Hiệu trưởng Huỳnh Thị Nhi cho hay, tỷ lệ phụ huynh đồng thuận cho trẻ đến trường ngày 14/2 khá cao. Công tác đón trẻ trở lại trường đã hoàn tất qua việc vệ sinh khử khuẩn, trang trí lớp học, chuẩn bị vật dụng thiết bị phòng dịch. Giáo viên, bảo mẫu, phục vụ đã được tập huấn phương án, sẵn sàng tâm thế đón trẻ.
“Khi trẻ đến trường, các cô sẽ đón trẻ từ ngoài cổng, thực hiện đo thân nhiệt, rửa tay khử khuẩn cho trẻ và phụ huynh. Mỗi khối Mầm, Chồi, Lá sẽ đi theo từng khu vực cầu thang riêng. Dù vậy, với đặc thù trẻ mầm non còn nhỏ nên phụ huynh sẽ dẫn trẻ lên thẳng lớp học, do đó rất cần phụ huynh đồng hành, hỗ trợ, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch”, cô Nhi nói.
Với trên 70% phụ huynh đồng thuận cho trẻ trở lại trường từ ngày 14/2, cô Phạm Thị Thu Diễm, Hiệu trưởng Trường Mầm non I (Q.3) cho hay, trường đã sẵn sàng mọi phương án đảm bảo an toàn đón trẻ.
Ngay trước hôm trở lại trường, hơn 200 trẻ cùng phụ huynh sẽ được tầm soát về sức khoẻ, khai báo y tế. Trẻ hay người thân trong gia đình trẻ có biểu hiện sức khoẻ như ho, sốt, khó thở thì trẻ sẽ tạm thời chưa đến trường trong buổi đầu tiên.
“Nhiều phụ huynh trước đó còn băn khoăn việc cho trẻ đến trường nhưng sau buổi họp phụ huynh, những bất an của phụ huynh đã được các cô giải đáp. Thấy được biện pháp phòng dịch của trường, phụ huynh cũng an tâm, tin tưởng hơn để đưa con đến trường”, Hiệu trưởng Phạm Thị Thu Diễm hào hứng.
Tương tự, con số trẻ đến trường từ ngày 14/2 được trường Mầm non Thành phố thống kê là 300/414 trẻ. Hiệu trưởng Mai Yến Hằng thông tin, đây là khối lớp nhỏ, chưa có ý thức cao về phòng dịch cũng như chưa được tiêm vắc xin, do vậy nhà trường đã tổ chức các buổi họp phụ huynh từng khối để giải đáp thắc mắc của phụ huynh, ổn định tâm lý phụ huynh.
Chỉ khi phụ huynh an tâm thì mới phối hợp tốt với nhà trường, thực hiện tốt biện pháp phòng dịch, hỗ trợ trẻ, giúp việc dạy và học ở bậc mầm non được nhịp nhàng, ổn định.
Phụ huynh đừng nóng vội
Đứng trước một năm học đặc biệt, chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc trẻ mầm non trở lại trường sau một thời gian rất dài phải nghỉ học ở nhà vừa là niềm vui của phụ huynh, giáo viên và nhà trường song cũng đặt ra những “thách thức” không nhỏ cho các nhà trường. Làm sao đảm bảo an toàn cao nhất cho trẻ khi đến trường và giúp phụ huynh an tâm khi gửi con?
Cô Nguyễn Thị Lệ, GVCN lớp Lá 3, Trường Mầm non Vành Khuyên 3 (TP. Thủ Đức) chia sẻ, giáo viên nào cũng rất háo hức khi được đón trẻ sau suốt một thời gian “bất đắc dĩ” phải ở nhà do dịch bệnh.
Chính tâm lý hào hứng luôn đặt ra cho mỗi giáo viên tâm thế phải cẩn trọng, không chủ quan trong phòng, chống dịch, để giữ vững thành quả “trẻ được trở lại trường”.
“Sau thời gian dài chỉ ở nhà với ba mẹ, ông bà, việc trở lại trường với trẻ mầm non thời gian đầu sẽ có nhiều xáo trộn. Có thể có bé sẽ không muốn đến trường. Sẽ có trẻ thích ứng nhanh song cũng có trẻ thích ứng chậm. Nếu thấy trẻ khóc nhiều, phụ huynh cũng đừng nóng vội mà cần phối hợp với cô. Việc trẻ được đến trường vui chơi, rèn luyện là quyền lợi của trẻ để trẻ được phát triển toàn diện”, cô Nguyễn Thị Lệ nhắn nhủ với phụ huynh của lớp trong buổi họp.
|
Trong mọi tình huống, nhất là các tình huống liên quan đến dịch COVID-19, phụ huynh không nên nóng vội mà cần bình tĩnh phối hợp chặt chẽ với nhà trường và giáo viên |
Bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD-ĐT TP.HCM chia sẻ, đến thời điểm này các trường mầm non trên địa bàn thành phố đều đã hoàn tất công tác chuẩn bị đón trẻ trở lại trường từ ngày 14/2.
Ngay khi trở lại trường, trẻ sẽ được học bán trú song không ăn sáng tại trường trong tuần đầu tiên.
Tùy theo điều kiện thực tế, nhà trường sẽ phân luồng, tổ chức đón, trả trẻ tại cổng hoặc khu vực phù hợp. Sử dụng tối đa diện tích phòng, nhóm để bố trí các hoạt động phù hợp, tránh tập trung đông trẻ vào một chỗ chơi. Hạn chế tổ chức các hoạt động tập trung trẻ giữa các khối, lớp.
“Với đặc thù trẻ mầm non còn nhỏ, trong tuần đầu trẻ đến trường, nhà trường và giáo viên sẽ tập trung vào hướng dẫn giúp trẻ làm quen với trường, lớp, các kỹ năng, quy tắc đảm bảo an toàn phòng dịch như rửa tay, đeo khẩu trang, vệ sinh đúng cách.
Dù vậy, trên hết hiệu quả phòng dịch vẫn đến từ sự phối hợp chặt chẽ của phụ huynh với các cô, nhà trường. Trong mọi tình huống, nhất là các tình huống liên quan đến dịch COVID-19 (nếu có), phụ huynh không nên nóng vội mà cần bình tĩnh, thông tin kịp thời đến giáo viên, phối hợp thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, dịch tại trường…”, bà Lương Thị Hồng Điệp nhấn mạnh.
Tấn Dũng