Trình bày tham luận tại hội thảo khoa học Bảo đảm trật tự an toàn xã hội đô thị hướng đến TP.HCM có chất lượng sống tốt do Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM tổ chức ngày 26/12, Thượng tá, Nguyễn Thế Lâm - Phó trưởng phòng pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Công an thành phố - đặt vấn đề, song song với phát triển kinh tế, xuất hiện nhiều vấn đề tồn tại, khó khăn và tạo nhiều áp lực trong công tác quản lý nhà nước về trật tự xã hội.
Chất lượng sống dưới mức trung bình
Theo ông, TP.HCM là nơi có số vụ phạm pháp hình sự cao nhất nước, các loại tội phạm tập trung lợi dụng hoạt động. Bình quân mỗi năm xảy ra khoảng trên dưới 6.000 vụ, chiếm khoảng 8% so với toàn quốc. Do có sự tập trung triển khai nhiều giải pháp tích cực trong phòng ngừa và đấu tranh nên trong những năm qua đã kiềm chế, kéo giảm tình hình hoạt động của các loại tội phạm hình sự. Năm 2017 có số vụ phạm pháp hình sự thấp kỷ lục là 4.809 vụ, giảm 7,61% so với năm 2016.
Hiện thành phố có hơn 7,3 triệu xe máy và gần 1 triệu xe ô tô lưu thông trên đường. Trung bình mỗi ngày có khoảng 800 xe mô tô, gắn máy và 200 xe ô tô đăng ký mới. Đó là chưa kể còn khoảng 1 triệu phương tiện từ địa phương khác đến lưu trú, ra vào thành phố thường xuyên.
“Mật độ dân số, mật độ phương tiện giao thông trên địa bàn thành phố tiếp tục gia tăng. Tiến độ thực hiện các dự án về quy hoạch đô thị, phát triển hạ tầng giao thông được đẩy mạnh nhưng vẫn chưa đáp ứng được các yêu cầu giảm áp lực giao thông trên địa bàn thành phố… Đấy là những yếu tố tác động đến tình hình trật tự, an toàn xã hội”, ông Lâm nói.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên - Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam - cho biết, trong 10 nhóm tiêu chí đánh giá về chất lượng sống đô thị của các tổ chức quốc tế, có đến 8 nhóm liên quan đến trật tự, an toàn xã hội, trong khi tiêu chí về kinh tế và thu nhập chiếm tỷ lệ nhỏ hơn nhiều. Điều đó chứng tỏ nếu thành phố có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và chỉ số GDP lớn nhưng các chỉ số về trật tự, an toàn xã hội và chất lượng sống còn thấp thì chưa đạt tiêu chuẩn của đô thị văn minh hiện đại và phát triển bền vững.
Cụ thể như trường hợp TP.HCM, theo ông Nguyên, dù có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, có GDP lớn nhất nước nhưng chất lượng sống đứng thứ 152/230 thành phố được khảo sát bởi tổ chức tư vấn quốc tế Merce. Thứ hạng đó phản ánh thực trạng trật tự, an toàn xã hội ở thành phố hiện còn nhiều vấn đề phải suy nghĩ.
Phải tìm lời giải từ dân số và hạ tầng xã hội
Bên cạnh nguyên nhân và giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội như tập huấn kỹ năng phòng chống tội phạm cho người dân, nâng cao vai trò trách nhiệm của chính quyền cơ sở, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật v.v… theo ông Nguyên, bài toán trật tự, an toàn xã hội của TP.HCM phải được giải từ nguyên nhân tổng thể là quá tải dân số.
Ông cho rằng, với dân số gần 14 triệu người, Sài Gòn đang dần trở nên “béo phì” về dân số, phải đối mặt với bao thứ quá tải ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống ở đô thị. “Trong các nội dung cơ bản quy định về trật tự, an toàn đô thị, tôi đơn cử quá tải về mật độ dân số đã phá vỡ trật tự và an toàn giao thông. Nói một cách hài hước, nếu cứ đổ lỗi cho ý thức người tham gia giao thông, thì liệu nếu 100% dân số là đảng viên hết thì ra đường có hết ùn tắc hay không”, ông Nguyên nói.
Ngoài vấn đề dân số, PGS.TS Nguyễn Văn Trình - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM - đưa ra khuyến nghị về hạ tầng xã hội nhằm bảo đảm trật tự, an toàn đô thị. Ông đưa ra hình ảnh quy hoạch các khu công nghiệp không còn chỉ chăm chăm mỗi chuyện sản xuất gói gọn trong hàng rào của khu công nghiệp, mà buộc phải dựa trên quan điểm “khu công nghiệp dân cư”. Ở đó, giải quyết hài hoà nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí, y tế, chăm sóc con cái, nhà trẻ... cho công nhân. Nhờ đó mới có thể phát triển kinh tế bền vững. |
Các giải pháp xây thêm nhiều cầu vượt, phân luồng, làm hầm chui... chỉ giải quyết được một phần nhỏ tình trạng kẹt xe. Vì nó không làm thay đổi được nguyên nhân chủ yếu và bao trùm là hạ tầng giao thông không đủ sức chứa cho dân số và mật độ đã quá tải.
Tương tự, áp lực quá tải dân số, mật độ cũng diễn ra đối với trật tự, an toàn trong hoạt động kinh doanh như tình trạng buôn bán hàng hóa tràn lan tên vỉa hè, lòng đường. Áp lực dân số cũng tạo ra nhiều khu đô thị hóa tự phát, phá vỡ quy hoạch.
Cũng không thể phủ nhận quá tải dân số là nguyên nhân chính tạo ra tình trạng quá tải y tế, giáo dục, môi trường, an toàn thực phẩm, hấp dẫn các loại tệ nạn xã hội…
Trở lại việc giải bài toán trật tự, an toàn xã hội từ giải pháp giảm dân số và mật độ, theo ông Nguyên, là vấn đề không thể giải quyết bằng các biện pháp hành chính trong một chương trình ngắn hạn mà đòi hỏi một tầm nhìn quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội dài hạn.
Tuy nhiên, hiện nay lại đang tồn tại một nghịch lý. Các “khu đất vàng" còn lại trong nội thành Sài Gòn tiếp tục được xây dựng dày đặc các khu cao ốc, tức càng làm gia tăng dân số và mật độ. “Ai cũng có thể đoán được đáp số cho sai lầm này là một kết quả không tích cực cho phát triển đô thị bền vững”, ông Nguyên nhấn mạnh.
Ông Huỳnh Văn Sinh - giảng viên Học viện Cán bộ TP.HCM - nêu tình hình “lộn xộn” của nông thôn mới khi chưa có chuyển biến gì mới sau hơn 5 năm thực hiện. Nhậu nhẹt say xỉn chiếm cao nhất 75,1% là nguyên nhân của mọi nguyên nhân làm cho việc giảm nghèo đa chiều chưa thật bền vững. Trộm cắp 47,1%, mất trật tự 46,2%, đánh nhau 19,5% và cờ bạc 18,5%.
“Đây là những yếu tố làm suy yếu nền tảng cấu trúc nông thôn một khi công ăn việc làm không ổn định, nặng tính thời vụ, chậm chuyển đổi tư duy trong phát triển, một phần là do trình độ dân trí còn thấp của một bộ phận nông dân… Những vấn đề nổi cộm từ an ninh trật tự qua số liệu trên phần nào nói lên sự bất an của vùng ngoại thành, đời sống văn hoá của người dân tại các xã đang bị “mất an toàn” đáng lo ngại, nhất là những xã có tốc độ đô thị hoá cao”, ông Sinh quả quyết.
Phát biểu tại hội thảo, bà Thi Thị Tuyết Nhung - Trưởng ban Văn hóa xã hội - HĐND TP.HCM - cho biết,dù Quốc hội đã có Nghị quyết 54 cho TP.HCM cơ chế đặc thù, nhưng cái khó nhất để thành phố có thể thực hiện nghị quyết chính là hạ tầng kỹ thuật còn vô cùng bất cập so với quy mô và sự gia tăng dân số. Bà cho rằng, TP.HCM cần có thêm dự báo về tốc độ tăng dân số cơ học hằng năm gắn với dự báo quy hoạch trong 5 năm tới.
Quốc Ngọc