TP.HCM: 'Sốt vó' đối phó dịch tả heo châu Phi đang áp sát

07/05/2019 - 18:43

PNO - Dịch tả heo châu Phi xuất hiện ở Đồng Nai, một điểm nóng lân cận TP.HCM, đã chính thức được công bố tối qua. Sáng nay, TP trong tâm thế 'sốt vó' đối phó với nỗi ám ảnh này.

Heo bệnh vào TP.HCM là ‘thảm họa’?

Dịch tả heo châu Phi, nếu bùng phát ở các vùng lân cận sẽ ảnh hưởng mạnh đối với người dân TP.HCM. Ông Huỳnh Tấn Phát, Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM nói, TP.HCM là đầu mối tiêu thụ thịt heo tại các tỉnh phía Nam, bình quân mỗi ngày khoảng 10.000 -11.000 con (tương đương 750-800 tấn thịt heo).

TP.HCM: 'Sot vo' doi pho dich ta heo chau Phi dang ap sat
Một hộ chăn nuôi heo tại khu vực, xã Gia Kiệm được xem là vùng nuôi heo lớn nhất nhì của tỉnh Đồng Nai

Đại diện Ban quản lý ATTP TP.HCM – PGS. TS Phạm Khánh Phong Lan cho biết: “Đặc biệt, việc "chuyển heo từ nơi có ổ bệnh đến vùng heo an toàn sẽ gây ra thảm họa kinh tế".

Đại diện chợ đầu mối Hốc Môn cho biết, hầu hết lượng heo về chợ được nhập chủ yếu từ Đồng Nai và một số tỉnh thanh lân cận. Vị này cho biết, lượng hàng về chợ đã giảm khoảng 200 con trong ngày 7/5. Trước đó một tuần (3/5) lượng heo về chợ đạt 5.206 con, nay giảm còn 4.843 con. Giá thịt heo cũng giảm từ 2.000 đồng/kg. Cụ thể heo hơi chỉ còn ở mức 40.500 đồng/kg, mảng 48.000 đồng/kg. Trong khi lần lượt trước đó các mặt hàng này có giá 42.500, 50.000 đồng/kg.

Theo bà Lan trong các đợt thanh kiểm tra các điểm giết mổ, chợ đầu mối đợt dịch tả heo châu Phi xuất hiện tại các tỉnh thành miền Bắc (3/2019), đơn vị đã tổ chức các đội liên ngành để kết hợp các quận, huyện kiểm tra thịt lợn ở chợ lẻ, chợ đầu mối. Ngoài các phương pháp lấy mẫu, đơn vị còn tăng cường truy ngược lại nguồn gốc thịt lợn bán tại chợ lẻ...

Bà Lan khẳng định, phải quản lý chặt quá trình giết mổ, trường hợp để lợn bệnh lọt ra chợ lẻ, quá trình kiểm tra rất gian nan và tốn kém. Để phát hiện virút bệnh này, phương pháp chủ yếu là thử huyết thanh. Đối với lợn đã giết mổ, việc kiểm nghiệm trở nên phức tạp hơn nữa. 

“TP cần tính đến khía cạnh kinh tế. Để những người nuôi heo tự phát nhỏ lẻ có trách nhiệm với cộng đồng, không giấu dịch, phải tiêu hủy heo bệnh ngay lập tức thì cần có chính sách hỗ trợ thỏa đáng”, bà Lan nói.

Bà cũng nhấn mạnh khâu khoanh vùng xử lý tiêu hủy, vệ sinh chuồng trại, không dùng thịt heo thừa để làm đồ ăn nuôi heo bởi vì virus này tồn tại rất lâu. Cần kiểm tra nguồn gốc xuất xứ của heo.

Đặc biệt, bà cũng lưu ý về việc người dân phải ý thức, phối hợp với Nhà nước để giảm tình trạng dịch bệnh, không tiếp tay cho thực phẩm bẩn. “Thịt lợn nhiễm dịch tả hiện không gây hại trên người. Tuy nhiên, người tiêu dùng nên mua thịt có nguồn gốc rõ ràng, ăn thịt lợn nấu chín... Giá cả thực phẩm bẩn có thể rẻ được một vài đồng nhưng bản thân người dùng sẽ phải trả giá bằng sức khỏe của mình”, bà Lan cho biết thêm. 

Ứng phó với dịch tả heo châu Phi

Trước thông tin xảy ra dịch tả heo châu Phi ở Đồng Nai hôm qua, UBND TP.HCM lập tức ban hành quyết định bổ sung nội dung các tình huống hành động ứng phó ngăn chặn bệnh dịch tả heo này tại địa bàn.

TP.HCM: 'Sot vo' doi pho dich ta heo chau Phi dang ap sat
Lực lượng thú y đang kiểm tra, phun thuốc tại trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức

Sáng nay TP vừa lập chốt kiểm dịch tạm thời trên tuyến cao tốc Dầu Giây – TP.HCM. Chốt này để kiểm tra việc vận chuyển heo sống và sản phẩm thịt heo từ hướng các tỉnh phía Bắc và Đồng Nai vào. 

 Ông Phát cho biết, TP có 4.374 hộ chăn nuôi heo, với tổng đàn 301.061 con. Đáng nói là trong số đó có 278 hộ chăn nuôi heo gom thức ăn thừa tại các nhà hàng, quán ăn để cho heo ăn, với tổng đàn 22.740 con tập trung tại các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi và quận 12. 

Không chỉ chịu sức ép từ tỉnh Đồng Nai, nơi mới phát hiện dịch bệnh, TP còn đối diện các nguy cơ vận chuyển phụ phẩm heo đông lạnh nhấp khẩu trái phép từ Trung Quốc hoặc khách du lịch đến từ các nước có dịch.

Ngoài ra, chốt kiểm dịch tạm thời hoạt động tại khu vực cầu Phú Cường (khu vực giáp ranh giữa huyện Củ Chi với tỉnh Bình Dương) cũng sẽ kiểm tra việc vận chuyển heo sống và sản phẩm thịt heo từ các tỉnh phía Bắc, Tây Nguyên, Bình Phước và Bình Dương nhập vào TP hay vận chuyển qua TP đi về các tỉnh miền Tây. 

Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy, Công an TP cũng tăng cường kiểm tra giám sát vận chuyển heo và sản phẩm thịt heo vận chuyển qua tuyến đường sông.

Ngoài ra, TP sẽ lập thêm các chốt kiểm dịch tạm thời tại các tuyến cửa ngõ như tuyến Quốc lộ 50 và tuyến cao tốc TP.HCM đi Trung Lương, Tiền Giang…, tuyến đường Trần Văn Giàu (Tỉnh lộ 10) nhằm kiểm soát chặt chẽ nguồn heo và sản phẩm thịt heo vận chuyển vào TP giết mổ, tiêu thụ. 

Ngoài kiểm tra chốt chặn, ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM nhấn mạnh rằng: “Cần giám sát chặt chẽ các lò mổ, không để giết mổ trái phép diễn ra trên địa bàn. Vận động thương lái chọn nguồn lợn sạch, không nên chạy theo lợi nhuận khi nhập lợn ở xùng dịch bệnh có giá rẻ hơn để tiêu thụ”.

Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI